Nhắc đến NSND - soạn giả Viễn Châu, có lẽ những ai yêu thích cải lương đều biết. Không chỉ là danh cầm, ông còn là tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương lừng danh, góp phần lớn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ.
Nhắc đến NSND - soạn giả Viễn Châu, có lẽ những ai yêu thích cải lương đều biết. Không chỉ là danh cầm, ông còn là tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương lừng danh, góp phần lớn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ.
Thế nhưng, chưa có công trình nào tập hợp nhiều sáng tác của ông để công chúng cùng thưởng thức. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã làm được chuyện này khi ra mắt độc giả quyển “Soạn giả Viễn Châu - 100 bài vọng cổ đặc sắc”.
NSND - soạn giả Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924, tại Trà Vinh, trong một gia đình nho học. Từ nhỏ, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ nhạc. Ban đầu là học lóm, riết thành đam mê, rồi đàn thạo, khiến nhiều người ngạc nhiên với tài năng thiên bẩm.
Năm 19 tuổi, để thực hiện niềm đam mê, dù biết rằng sẽ rất nhiều vất vả, ông “vác” cây đàn lên Sài Gòn, để đầu quân cho các ban nhạc lớn, lúc đó, ông đã thạo đàn tranh, violon, guitar,…
Từ đây, nghệ danh Bảy Bá ra đời, gắn với ngón đàn điêu luyện làm say đắm và thổn thức trái tim bao người. Ông đi lưu diễn khắp nơi, đến đâu, ông cũng tìm hiểu và tích lũy cho mình những kiến thức về đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương.
Rồi những ca khúc của ông lần lượt ra đời, định danh cho từng nghệ sĩ, bởi trong quá trình đàn cho các nghệ sĩ hát, ông đã cảm nhận được họ hợp với chất giọng và thể loại nào…
Không dừng lại ở các bài ca cổ đơn thuần, NSND Viễn Châu còn nghiên cứu, sáng tạo ra bài tân cổ giao duyên, tạo nên một diễn đàn tranh luận sôi nổi, rồi cũng được chấp nhận như một thể loại mới đầy sức cuốn hút. Một lĩnh vực khá quan trọng khi nhắc đến kho tàng tác phẩm của ông còn ở lĩnh vực tuồng với nghệ danh Viễn Châu.
Những vở: “Nát cánh hoa rừng”, “Tấm Cám”, “Thạch Sanh Lý Thông”, “Lâm Sanh Xuân Nương”, “Tình vương hoa thắm”, “Sau bức màn nhung”, “Tiếng đàn trong ngục tối”,… Gia tài đồ sộ này càng giúp cho ông củng cố ngôi vị ông vua vọng cổ và mọi người dành gọi ông một cách thân thương, trìu mến.
Với một người như NSND - soạn giả Viễn Châu, chỉ chọn 100 bài vọng cổ xem chừng dễ, nhưng lại rất khó. Bởi mỗi bài có cái hay riêng, có hồn, nhân vật riêng, được viết rất gần gũi, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và đặc biệt là bài nào cũng nổi tiếng, được công chúng đón nhận.
Các ca khúc của ông góp phần quan trọng làm nên tên tuổi của những giọng ca cải lương như: Văn Hường, Út Trà Ôn, Tấn Tài, Mỹ Châu, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ,…
Chỉ cần dựa trên những ca khúc để đời, tạo danh cho các nghệ sĩ thôi, cũng đã đủ trăm ca khúc. Vì thế, quyển sách này chỉ cố gắng đáp ứng một phần nhu cầu của khán giả trong việc cần tìm hiểu về những tác phẩm của vị soạn giả nổi tiếng.
Đây được xem là những sáng tác cốt lõi, làm nên giọng điệu rất riêng của ông. Để dễ dàng trong việc tìm bài ca, nhà xuất bản đã sắp xếp ca khúc theo từng chủ đề: ca cổ lịch sử (“Bạch Thu Hà”, “Chúc Anh Đài”, “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”, “Lòng dạ đàn bà”, “Tâm sự Mai Đình”,…); ca cổ tâm lý xã hội (“Gánh nước đêm trăng”, “Lá trầu xanh”, “Sầu vương ý nhạc”, “Ông lão chèo đò”, “Tình anh bán chiếu”,…); tân cổ giao duyên (“Cô gái bán sầu riêng”, “Chiếc áo bà ba”, “Mưa trên phố Huế”,…) và ca cổ hài (“Tâm sự Văn Hường”, “Vợ tôi mê tân nhạc”, “Tôi đi làm rể”, “Sợ vợ”,…).
Với sự kỳ công của người biên soạn, từ ngữ trong từng ca khúc là chính xác, được tác giả xác nhận, giúp người mộ điệu tránh được sự “tam sao thất bản”, làm mất đi vẻ đẹp trong sáng cũng như dụng ý của tác giả trong từng lời ca.
Bên cạnh đó, sách còn có phần chú thích giúp mọi người hiểu sâu hơn, chính xác hơn nội dung lời ca và khả năng dùng từ hết sức uyên thâm, mang đặc trưng Nam bộ của tác giả.
Cuốn sách còn là một công trình giúp cho giới nghiên cứu và sinh viên làm cơ sở nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật cải lương và NSND - soạn giả Viễn Châu...
Đây là quyển sách đầu tiên, nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển và vinh danh đờn ca tài tử Nam bộ, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật sẽ lần lượt xuất bản trong thời gian tới, cùng góp phần vào việc bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Theo Hậu Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin