Truyện ngắn

Chuyện ở xóm nhỏ

Cập nhật, 12:17, Chủ Nhật, 07/08/2016 (GMT+7)
  • ™THU ANH

1. Đang ăn cơm trong bếp, cả nhà tôi giật mình bởi tiếng quát tháo, rồi tiếng la hét, tiếng kêu gào từ nhà hàng xóm vọng sang. Chẳng cần dừng đũa và cơm, tôi cũng biết đó là vợ chồng anh Tư- chị Đầm lại cãi nhau.

Tiếng chén bát, tiếng đồ đạc rơi vỡ loảng xoảng. Con gái tôi buông đũa chạy ra ngoài. Lát sau, nó quay vào thông báo: “Dượng Tư đánh dì Đầm vì dì không chịu đưa tiền cho dượng đi nhậu”.

Bên kia vách, bà Nhu lẩm bẩm một mình, nhưng là để cho chúng tôi cùng nghe: “Ôi, vợ chồng thằng Đậu! Chỉ đến mai là lại hú hí với nhau thôi mà!”

Bà nói như thần. Sáng hôm sau mở cửa, nhìn sang bên kia đường, tôi đã thấy anh Tư ung dung ngồi nhâm nhi ly cà phê đá trong quán hủ tiếu của chị Sáu, cạnh anh là mẹ con chị Đầm đang xì xụp bên những tô hủ tiếu còn bốc khói. Khách qua đường hẳn chỉ thấy đây là một cảnh gia đình thật vui vẻ và hạnh phúc.

2. Thật ra, vợ chồng anh Tư- chị Đầm là những người hàng xóm khá dễ chịu. Họ ít học, nhưng chân thật và tốt bụng. Họ chỉ có mỗi một tội, cái tội không liên quan đến ai, đó là hay ăn biếng làm.

Cách nay ít năm, họ làm nghề vựa củi, cuộc sống tuy không khá giả, nhưng cũng đủ ăn. Còn bây giờ, vợ chồng họ đều ăn không ngồi rồi. Suốt ngày, anh Tư rong chơi, sáng quán cà phê, chiều quán nhậu, tối lai rai tại gia.

Còn chị Đầm, xong ngày hai bữa cơm, chị đi vòng vòng các nhà trong xóm, buôn dưa lê với mấy bà nội trợ. Có khi, chị cũng giúp đỡ người này người nọ những việc lặt vặt như cạo gió, hái lá xông cho người cảm cúm nhức đầu, hoặc ẵm baby cho các chị có con nhỏ để họ được rảnh tay mà tắm gội, chải chuốt tí chút trước khi chồng về.

Đến đây chắc có người thắc mắc, vậy họ lấy gì để sống khi không công ăn việc làm, lại có đến bốn đứa con? Ấy vậy mà họ vẫn sống đấy, sống ung dung, sống đàng hoàng là đằng khác, bởi họ có nguồn tài trợ từ nước ngoài, mà cụ thể là từ bà Út - mẹ ruột của chị Đầm. Bà là Việt kiều Mỹ, hiện đang định cư tại California.

3. Bà Út sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình đã được vài năm. Trước giải phóng, bà nhận một đứa trẻ lai Mỹ vô thừa nhận làm con nuôi. Những tưởng đó chỉ là một việc làm phước, bà Út có ngờ đâu, sau này, nó làm đổi đời cho cả gia đình bà, tức là cho bà và đàn con đông đúc của bà.

Riêng hai người con lớn là anh Hai và chị Đầm, do đã có gia đình riêng trước khi bà Út được phép sang Mỹ định cư, họ không được phía Mỹ chấp thuận cho đi cùng bà. Có lẽ vì cho rằng họ kém may mắn hơn những đứa con khác, nên từ ngày đó, bà Út tìm cách bù đắp cho người ở lại.

Ở bên Mỹ, ngoài trợ cấp xã hội, bà còn có thêm khoản thu nhập nhờ việc giữ con cho chính những đứa con của bà. Phần lớn số tiền này, bà dành gửi về Việt Nam cho ông bà ngoại của chị Đầm, vợ chồng anh Hai và vợ chồng chị. Lúc đầu, phần chị được một trăm đô-la mỗi tháng.

Chị trở thành người có thu nhập cao nhất ở xóm này. Với mức thu nhập ấy, vợ chồng con cái chị có quyền được sống sung sướng, thảnh thơi lắm chứ. Chị có ra bộ nở mày nở mặt với thiên hạ cho bỏ những năm nghèo khổ cũng là một điều chính đáng.

Những kẻ vốn hay ghen ăn tức ở như bà Nhu cạnh nhà tôi có nói gì thì nói cũng chẳng làm xao động mảy may cái sự sung sướng ấy của chị. Họ chửi nhau đấy, đánh nhau đấy, nhưng có tiền, mọi sự cắn đắn giữa họ dễ dàng tan đi như mây mùa hạ.

4. Từ ngày có bà ngoại bọn trẻ trợ cấp hàng tháng, cuộc đời chị Đầm trở nên ung dung, năm rộng tháng dài. Chỉ hiềm nỗi, lâu lâu, vợ chồng lại đánh chửi nhau một lần, không có không xong.

Có lẽ mọi chuyện xuất phát từ tâm lý bị ức chế của chị Đầm. Chị thấy chị là người phải chịu thiệt thòi trong cái nhà này, vì trong cái nhà ấy có tới sáu miệng ăn mà chỉ có một mình chị là người… làm ra tiền, một mình chị phải chu cấp cho tất cả mọi người. Mỗi khi số tiền bà ngoại gửi về tăng lên thì nhu cầu của gia đình cũng tăng theo. Bốn đứa con đều đang trong tuổi đến trường.

Tiền trường, tiền lớp, tiền học, tiền thầy tiền cô, rồi tiền ăn tiền uống tiền xe, tiền quần tiền áo, một trăm thứ tiền! Đó là phần con.

Đến lượt ông chồng, sáng cháo lòng, hủ tiếu, cà phê, chiều gầy độ nhậu với vài ông bạn lai rai cho đến tận đêm khuya.

Chính bản thân chị cũng không thoát khỏi cái mà người ta gọi là hội chứng xài tiền của những người nhịn ăn nhịn mặc đã lâu ngày bỗng chốc được sở hữu những khoản tiền lớn. Xưa kia nhà chị nghèo, bữa nào bán được vài thước củi, bọn trẻ mới có cơm trắng mà ăn.

Còn bây giờ, đến bữa, chị kho cá chúng cũng không thèm đụng đũa. Bèo gì thì mỗi ngày, nhà chị cũng phải có hai ký thịt heo. Ăn ba bữa chưa đủ, chúng còn ăn xế. Xế sáng, xế trưa, xế chiều. Rồi còn ăn tối, ăn khuya. Con trai gì mà ăn hàng còn quá đàn bà nghén.

Mỗi ngày, chị xuất túi hai, ba trăm ngàn như chơi. Miệng ăn núi lở. Cho nên, có lúc tới tháng, giấy báo lãnh tiền chưa về mà tiền trong nhà đã cạn. Hết tiền, chị Đầm đi vay bà con trong xóm, nay nhà này, mai nhà khác, mỗi nhà một ít. Vài bữa tiền về, chị lại thanh toán đầy đủ cho họ.

Biết tính chị sòng phẳng, người ta không ngại cho chị mượn tiền. Khổ một nỗi, cái xómtoàn người nghèo, vay một hai trăm còn khả dĩ, chứ hơn nữa làm gì có. Quen ăn quen uống, không có tiền, nó cứ bứt rứt, khổ sở thế nào. Vậy là sinh ra bực bội, hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau. Ỷ có tiền là nhờ mình, chị Đầm hay nói hỗn.

Ông chồng chị tướng tá vốn phương phi, sức lực có thừa chẳng để làm gì, sẵn dịp, ông bèn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị. Có lần, vợ chồng đánh chửi nhau, thằng Tấn, đứa con lớn bất hảo của họ, tính nóng, liền quơ cây dao chặt củi chém thẳng cánh vào đầu cha nó, báo hại anh Sáu xe ôm- chồng chị Sáu hủ tiếu- phải chở anh Tư đi cấp cứu, may vài mũi trên đỉnh đầu.

Lại một lần nọ, giận chồng, chị Đầm uống thuốc rầy tự vẫn. Chị không chết nhưng phải vào bệnh viện súc ruột, nằm mất mấy ngày. Những lần như vậy, chỉ có một mình thằng Tới xin nghỉ học để thăm nuôi và chăm sóc cha mẹ nó.

5. Trong số bốn đứa con của chị Đầm, tôi thích nhất thằng Tới. Nó là đứa con hiếu thảo trong gia đình, biết điều ngoài xóm giềng. Thằng Tấn là anh lớn, mới tí tuổi đầu đã tập tánh ba gai, đua đòi theo bọn choai choai trong xóm, nay hút xách, mai nhậu nhẹt.

Thằng Sang và thằng Giàu- hai em kế của thằng Tới- một đứa mít ướt, xà nẹo như con gái; một đứa láu cá, giỏi nịnh mẹ kiểu mồm miệng đỡ chân tay. Trong gia đình họ, chỉ có thằng Tới là tốt tính, vừa hiền lành, vừa chịu khó. Nó còn là đứa đẹp trai nhất nhà. Nó có đôi mắt rất đẹp, một đôi mắt màu nâu óng ánh, hai hàng mi vừa đen vừa dày.

Mỗi lần nó cụp mắt xuống, hai hàng mi che rợp cả đôi mắt. Một lần, con Ánh nhà tôi, hơn thằng Tới một tuổi, buột miệng chê nó cù lần. Chị Sáu hủ tiếu lập tức xỉa trán nó, nói: “Chê nó hả, lớn chút nữa, nó sát gái cho mày coi. Chỉ một đôi mắt nó cũng nhiều đứa chết. Cả mày nữa chưa biết chừng!”

Con Ánh trề môi: “Còn khuya nghe Sáu!” Bà Nhu nghe thấy, lập tức chen vào: “Thằng Tới mẹ nó là con Việt kiều, nó là cháu Việt kiều. Việt kiều nó thèm cưới mày. Khuya hay sớm gì, mày cũng đừng mơ mà nhầm!”

6. Rồi có tin bà ngoại thằng Tới sắp về thăm nhà. Nhà chị Đầm vui như có đám tiệc, khiến cả xóm cũng vui lây. Việc đầu tiên là tranh thủ cơ hội này, chị Đầm xin bà Út cho vài ngàn đô để sửa nhà.

Nhà sửa xong, chị Đầm cũng cất riêng được vài trăm đô. Sau đó, chị mướn một dàn karaoke, che rạp, câu điện, bắt bóng đèn ra ngoài hàng ba. Đêm đêm, ánh điện sáng ra tận ngoài phố.

Bọn trai choai choai rủ nhau đến nhà chị Đầm ca hát cho tới nửa đêm. “Xóm nhà lá” của chị Sáu hủ tiếu cũng tập hợp dưới tàn cây trứng cá bên kia đường. Họ vừa ngồi đón gió, vừa háo hức ngóng sang nhà chị Đầm bàn tán xôn xao. Cái xóm nhỏ của chúng tôi bỗng nhiên hóa đông vui.

Mỗi khi bọn trai hát mệt, chị Đầm lại kêu cà phê cho chúng uống, bầu không khí rộn ràng mãi cho tới gần nửa đêm. Chẳng ai thèm để ý đến bà Nhu không ngủ được cứ đi ra đi vào, bứt rứt lầm rầm mãi, làm như trời sắp chuyển cơn tới nơi.

7. Ngày bà Út về nước, chị Đầm thuê một chiếc xe mười hai chỗ ngồi lên thành phố rước bà. Giá thuê xe cả đi lẫn về là tám trăm ngàn đồng.

Bà Út về hôm trước thì hôm sau, con cháu bà ở đâu kéo đến đầy nhà. Không đủ chỗ ngồi, có người phải xách ghế qua hiên nhà hàng xóm ngồi nhờ. Tiệc tùng, ăn uống, trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Hôm sau, cả đám lại rần rần kéo nhau về thăm quê, rồi tổ chức đi chơi Đầm Sen, Suối Tiên, đi coi thầy coi số,…

Suốt nửa tháng trời, chỉ thấy nhà ấy sáng đi tối về, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, bảnh mắt ra lại rồng rắn kéo nhau đi. Trong nửa tháng ấy, không thấy mẹ con bà Út sang thăm nhà ai.

Tối nọ, tôi theo con Ánh qua đứng đầu hè nhìn vào nhà chị Đầm. Bà Út to con, mập mạp, tóc cắt cao nhuộm nâu, bận bộ đồ lụa trắng. Bà ngồi trên bộ ngựa, lưng tựa vào tường, hai bên có hai chiếc gối lớn cho bà gác tay, phía trước có một cái gối khác để bà gác chân.

Hai cô gái nhỏ ngồi hai bên, một cô đấm vai bóp chân, một cô cầm cây quạt lá buông phe phẩy sau lưng bà, mặc dù quạt máy ba bốn chiếc đang quay vù vù. Mỗi khi ra đường, bà Út cũng có đủ lệ bộ: cô gái nhỏ cầm quạt thì vẫn cầm quạt, cô kia cầm một cây dù che nắng cho bà.

Ngẫm ra thì thấy thời thế đổi thay nhanh thật. Ngày xưa con vua cháu chúa chắc cũng chỉ sung sướng đến thế là cùng. Tuy nhiên, cái xóm toàn dân lao động lành hiền của tôi chẳng ai lấy đó làm điều. Chỉ riêng bà Nhu, chẳng biết có điều gì uẩn khúc khiến cho bà phải cảm thấy chạnh lòng hay không.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

8. Rồi bà Út về Mỹ, con cháu bà cũng ai về nhà nấy. Mọi chuyện trở lại như xưa. Chị Đầm vẫn được bà gửi tiền trợ cấp như trước, vẫn ba trăm đô. Số tiền đâu có nhỏ, mà sao tiền vào nhà chị cứ như gió vào nhà trống. Sáu người thi nhau xài tiền, dường như họ muốn thi đua xem ai xài nhiều hơn ai.

Ba bốn triệu bạc chỉ vài hôm đã muốn hết. Thấy chị xài tiền như xài giấy, tôi nhiều lúc thấy xót lòng. Tôi nghĩ, trên đời này còn biết bao người nghèo khó. Mà thật ra, đồng tiền bà Út kiếm được cũng đâu dễ dàng gì. Ẵm con cho người ta, dù có là con cháu mình cũng đâu có nghĩa không cực khổ.

Ở bên Mỹ, bà Út có biết những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà về đến quê nhà bị tiêu xài phung phí như thế nào hay không. Sau này, bà không làm ra tiền nữa thì ai sẽ lo cho bà và cho cả cái đám cháu con ăn không ngồi rồi này. Nếu anh Tư- chị Đầm vẫn làm vựa củi như trước thì lo gì không kiếm đủ miếng ăn.

Tiền của bà Út cho, chịu khó dành dụm vài năm là dư sức cất nhà, sắm sửa vật dụng, dành nuôi con đi học... Nói tóm lại là thiếu gì chuyện lớn để xài. Tôi đem điều này to nhỏ với chồng, lập tức bị ổng quắc mắt: “Ở không quá ha? Chuyện nhà không lo, đi lo chuyện người!”

9. Hai năm sau, bà Út lại về thăm nhà. Cảnh xưa tái diễn. Đêm đêm, ánh đèn nhà chị Đầm lại hắt sáng ra tới hè phố. Tuy nhiên lần này không thấy bọn choai choai đến hát karaoke nữa.

“Xóm nhà lá” cũng dời đô đi đâu không rõ. Lần về thăm nhà này của bà Út xem ra có vẻ buồn. Hẳn là để tạo ấn tượng mới, chiều hôm ấy, cả xóm được một phen tụ họp để xem hai con xe Trung Quốc mới cáo chỉ mà bà Út vừa quyết định chi tiền mua cho anh em thằng Tấn một chiếc và cho thằng con lớn của người anh thứ hai một chiếc.

Ngắm nghía chán chê, anh Bảy sửa xe bên cạnh nhà tôi nói: “Tụi nó chưa đủ tuổi lấy bằng lái, bà Út mua, chúng nó cũng đâu có chạy được”.

Anh Tư trả lời: “Nhằm nhò gì, người ta vẫn chạy hà rầm. Đông quá, công an không kiểm soát hết. Hên xui thôi!” Được lời như cởi tấm lòng, hội choai choai của thằng Tấn quyết định sáng ngày mai cả hội đi Long Xuyên chơi, vừa để thử xe, vừa rửa tay lái cho anh em thằng Tấn. Hôm sau, bọn chúng ra đi vào lúc hừng đông.

Đến buổi chiều tối, lối giờ tan sở thì tin dữ bay về. Hội choai choai bị tai nạn giao thông, vài thằng đã được chở vào bệnh viện TP Cần Thơ, riêng thằng Tới chết ngay tại chỗ.

10. Ngày hôm đó, tôi bận việc ở cơ quan. Con Ánh gọi điện cho hay mà tôi không thể ra về. Đến khi dứt việc thì đã qua tám giờ tối. Trong nhà chị Đầm, chiếc hàng chiếm gần hết căn phòng phía trước.

Thằng Tới chết không toàn thây nên đem nó về đến nhà là người ta tẩn liệm liền. Bà Út, vẫn có hai cô gái nhỏ kè hai bên, đang ngồi trên bộ ngựa. Hai chân hai tay bà đập bịch bịch xuống mặt ngựa. Bà khóc không ra tiếng.

Tôi chạy vào buồng. Thằng Tấn và chị Đầm nằm sải tay như hai cái xác không hồn. Chỉ có anh Tư là vẫn còn tỉnh táo. Mới hơn một ngày, tôi thấy anh đã già đi hàng chục tuổi, nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đám con cháu mọi việc đâu ra đó. Là hàng xóm đã bao nhiêu năm, hôm nay, tôi mới thấy anh thật đáng mặt kẻ trượng phu.

11. Sau khi bà Út về Mỹ được vài tháng, chị Đầm bán nhà. Vợ chồng con cái lặng lẽ ra đi, nghe nói lên miệt Bình Dương- Sông Bé. Vắng những lần cãi cọ, đánh chửi nhau của họ, những đêm karaoke rền rĩ, cái xóm nhỏ của chúng tôi buồn hẳn đi. Nhưng chỉ ít lâu sau, cuộc sống ở xóm nhỏ trở nên bình yên hơn bao giờ hết.

Chỉ có tiếng xe máy phân khối lớn của hội choai choai đi chơi khuya thỉnh thoảng mới làm phá vỡ cái tĩnh mịch của xóm nhỏ. Đôi khi, trong cái êm đềm của con phố dường như không bao giờ thay đổi này, tôi ngơ ngẩn tự hỏi không biết câu chuyện về vợ chồng anh Tư- chị Đầm, về bà Út Việt kiều và cái chết của thằng Tới là có thật hay không.

Tuy nhiên, có một điều rất thật, đó là mỗi khi con Ánh ngước đôi mắt bồ câu trong vắt của nó lên nhìn tôi (của đáng tội, đôi mắt ấy cũng khá đẹp nếu hai hàng mi không ngắn và thưa), hoặc vào những ngày đẹp trời, khi tôi đạp xe về qua con đường vắng nơi xóm nhỏ có nắng đổ vàng như mật ong trên những tán bàng xanh mướt, tôi bỗng nhớ đến đôi mắt nâu óng ánh dịu dàng có hàng mi đen dày rợp của thằng Tới mà nghe lòng xa xót ngậm ngùi. Nỗi ngậm ngùi ấy rất lâu sau vẫn không hề nguôi.