"Thổi bay" trầm cảm sau sinh

09:05, 19/05/2016

Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, những mẹ trẻ nói rằng mình trở thành người mẹ hạnh phúc nhất vì đã có "thiên thần nhỏ" bên cạnh.

Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, những mẹ trẻ nói rằng mình trở thành người mẹ hạnh phúc nhất vì đã có “thiên thần nhỏ” bên cạnh.

Song, với phụ nữ sau sinh, sự thay đổi về nội tiết tố và muôn vàn những lo lắng xung quanh em bé mà những mẹ trẻ chưa thích ứng kịp khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh (TCSS). TCSS không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ, mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và nhân cách của bé sau này.

Trước và sau khi sinh người mẹ luôn lạc quan vui vẻ để sức khỏe nhanh phục hồi chăm sóc con yêu.
Trước và sau khi sinh người mẹ luôn lạc quan vui vẻ để sức khỏe nhanh phục hồi chăm sóc con yêu.

1.001 nguyên nhân gây stress

Sau “bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời” và qua kỳ sinh nở, đời sống tinh thần của phụ nữ thường có nhiều thay đổi và xáo trộn về trạng thái tâm sinh lý.

Song, nhiều phụ nữ chưa chuẩn bị tâm lý cho vấn đề này, cảm thấy căng thẳng và stress nặng vì thiếu những kỹ năng chăm sóc con. Họ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức; dễ rơi vào các sang chấn tâm lý, thậm chí là một số rối loạn tâm thần, trong đó TCSS chiếm đa số.

Các bác sĩ chuyên khoa nhận diện các triệu chứng TCSS, nhất là với các mẹ vừa sinh con lần đầu, mẹ không hài lòng về sự chăm sóc của mình cũng như những người xung quanh với “thiên thần nhỏ” và tự trách móc mình về điều đó.

Mẹ phải thức khuya hay không ngủ đủ giấc do con bú, do thay đổi hormone. Mẹ có ý nghĩ tự ti, chán nản, thường đau nhức cơ thể. Mẹ lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, bồn chồn thậm chí gắt gỏng, không muốn ăn, khiến mẹ bị mất sữa.

Một số mẹ cảm thấy kiệt sức, bất lực vì mình không đủ sức khỏe, không đủ kiến thức để chăm sóc con chu đáo. Có mẹ buồn chán không muốn chăm sóc con. Có trường hợp nặng tiêu cực buồn bã dẫn đến tự tử;…

Nếu tình trạng này kéo dài, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình, ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý người mẹ khiến việc chăm sóc con yêu cũng bị ảnh hưởng theo.

“Thổi bay” trầm cảm sau sinh

Các chuyên gia tâm lý nói rằng, sự quan tâm và không khí gia đình đóng vai trò then chốt. Thời gian này, người chồng hãy phát huy tối đa thời gian bên cạnh vợ, động viên và san sẻ những công việc gia đình, cùng nhau chăm sóc con. Người chồng luôn tinh tế trong giai đoạn “vợ ở cữ, vợ còn non ngày tháng” để không khí gia đình luôn được vui vẻ.

Chị Ngọc Thanh chia sẻ: “Lúc sanh bé Nghé, chị cũng bị stress kinh khủng. Ba mẹ 2 bên ở xa nên chị phải thuê người giúp việc nhà. Song, vì chăm con nhỏ chưa quen, chồng đi làm tới chiều, cả ngày ôm con nên chị bị đuối”.

Nên để tạo không khí gia đình vui vẻ, vợ chồng chị “tranh thủ lãng mạn” vào tất cả những lúc có thể: đang cho con bú, thay tã cho con, tắm con, chơi với con,... chỉ cần một cái nhìn âu yếm, một cái siết tay chia sẻ, một cái thơm phớt vội trên má, động viên nhau cố gắng giữ sức khỏe để cùng chăm con.

Ngày cuối tuần, vợ chồng chị đưa bé đi uống cà phê ăn sáng cùng để cho mẹ thoải mái, con tập nhìn làm quen môi trường xung quanh.

Chị nghĩ rằng, sẽ gặp chút khó khăn lúc đầu song những ngày tháng được ôm con trong lòng chẳng bao giờ quay lại được. Con lớn lên từng ngày, nhìn con cười duyên, con khỏe mạnh, con vui vẻ, con biết hóng chuyện ư ư e e,… thấy hạnh phúc làm sao!

Chị Ánh Minh vì cố gắng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tối thiểu trong 6 tháng đầu nên khi sinh con xong chị được tẩm bổ rất nhiều nên cân nặng sau sinh không giảm. Chị không dám nhìn vào gương bởi thân hình “mẹ sồ sề” của mình.

Sau đó, chị cân đối dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đủ chất để vẫn duy trì nguồn sữa mẹ mà mình không bị tăng cân. Khi bé được 3 tháng, chị cũng chú ý việc giảm cân, như thường xuyên đi dạo trong lúc con trai ngủ, đi massage để giảm mệt mỏi và trầm cảm, căng thẳng.

Hết thời gian thai sản, chị siêng tập gym với cường độ nhẹ để lấy lại vóc dáng, nhờ vậy chị được mọi người xuýt xoa “gái một con trông mòn con mắt”.

Để hạn chế TCSS, bên cạnh sự hỗ trợ, động viên của những người thân xung quanh thì bản thân người mẹ cũng phải lạc quan, vui vẻ và đừng ngại nhờ vả người khác để nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe.

Vì vậy, hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kỳ hậu sản, để người mẹ trẻ luôn lạc quan vui vẻ, sức khỏe nhanh phục hồi.

 

Theo TS. bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy- Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cứ 100 chị em phụ nữ sau sinh thì có đến 8- 15 người có hiện tượng TCSS.

 

Nguyên nhân những phụ nữ bị TCSS là khi mang thai và sinh đẻ gặp khó, những trường hợp sinh con ngoài ý muốn; sinh không đúng giới tính; việc ứng xử cư xử của những thành viên trong gia đình đối với mình nhất là người chồng.

 

Người phụ nữ trong lúc vượt cạn thì người chồng không ở kế bên, đi làm xa hay thờ ơ không chăm sóc vợ con khiến người vợ thấy tủi thân. Tình trạng sức khỏe của đứa trẻ sinh ra cũng ảnh hưởng đến khả năng bị trầm cảm ở mẹ;…

 

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh