Thương con, xin đừng "cho roi vọt"!

Cập nhật, 11:28, Thứ Sáu, 13/05/2016 (GMT+7)

“Thương con cho roi cho vọt”- rồi đã đánh là phải đau, để con vì đau mà sợ, vì đau mà nhớ lâu. Đó là cách mà không ít bậc cha mẹ đang làm để dạy con.

Ba mẹ thường xuyên đối thoại với con, làm người bạn lớn cùng con để con có một tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc.
Ba mẹ thường xuyên đối thoại với con, làm người bạn lớn cùng con để con có một tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc.

Song, ba mẹ nên biết rằng, dạy con bằng bạo lực sẽ làm tổn thương con mình toàn diện và làm ảnh hưởng đến chính hạnh phúc gia đình mình.

Khi một người mẹ đánh cho con ăn, người cha đánh cho con học, người chị đánh cho em tắm… thì các thành viên trong gia đình đã giải quyết vấn đề bằng bạo lực.

Những áp lực trong cuộc sống song hành với chuyện con cái nhõng nhẽo, khóc nhè, nói không nghe,… dẫn đến không ít người thiếu kiên nhẫn khi dạy con.

Những trận đòn đau, những lời quát mắng vô tình làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý tinh thần con, tổn thương con đến trọn đời.

Chị Quỳnh Như nói, bé Đu Đủ (4 tuổi) ở nhà rất sợ mẹ. Mỗi lần bé khóc nhè hay đòi mua đồ chơi chỉ cần chị nghiêm mặt, trừng mắt là bé dứt khóc liền.

Chị nói: “Lúc trước bé nhõng nhẽo lắm, đòi gì là đòi bằng được, mình không đáp ứng là bé nằm vạ, khóc thét. Dỗ năn nỉ con không nín, chị tức quá, lấy roi đánh vào mông bé 2 cái thật đau. Nhờ vậy mà giờ chỉ cần nói con không nghe lời, muốn “ăn roi” không là bé sợ liền hà”.

Rồi chị tiếp: “Thấy con biết sợ đòn, mình cũng thương, tội nghiệp. Đánh con xong, con đau mình cũng hối hận lắm. Con hỏi bộ mẹ không thương con sao mà mẹ cứ đánh con hoài. Nhưng phải đánh để bé ngoan”.

Còn anh Minh Hoàng tâm sự: “Con trai lớn lên phải hứng chịu nhiều trận đòn roi, quát mắng của ba bởi tôi nghĩ mình phải thật nghiêm khắc con mới nên người.

Tôi chỉ biết đánh con mà không nhận ra rằng, mẹ thằng bé luôn nhẹ nhàng, luôn nói chuyện đúng sai với con, thế mà nó lại nghe lời mẹ răm rắp”.

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên (Ths. Chính sách công tại University of California, Berkeley- USA)- người nổi tiếng với khóa học online “Kỷ luật không nước mắt” nhận định: Ba mẹ chỉ cần chê bai nhẹ thôi hay khẽ tay nhẹ thôi thì cũng làm con tổn thương thân thể toàn diện và ảnh hưởng đến thành công, hạnh phúc trọn đời.

Vì khi mình khẽ tay nhẹ, chê bai nhẹ cũng đủ để bé cảm thấy căng thẳng và khi đó hoocmon cortisol sẽ tiết ra lượng rất lớn.

Sự tăng vọt hoocmon này sẽ như là chất độc trong cơ thể làm cho trẻ chậm phát triển toàn diện. Trẻ sẽ nhỏ hơn, yếu sức hơn và không thông minh bằng đứa trẻ phát triển bình thường.

Vậy khi lớn lên bé sẽ nghĩ tới phương án sẽ dùng bạo lực trước khi nghĩ tới phương án khác. Thậm chí, có thể nghĩ rằng dùng bạo lực là cách duy nhất, tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Và, liệu rằng chúng ta dùng bạo lực như thế thì cuộc sống có hạnh phúc không? Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên nhấn mạnh: Điều đáng sợ nhất là các bé gái khi đã quen với sự rèn giũa vô cùng khắc nghiệt của ba mẹ.

Đến khi ra ngoài đời, tiềm thức con gái sẽ có xu hướng chọn bạn đời có xu hướng bạo lực. Rồi trong cuộc sống hôn nhân, khả năng cô bị bạo hành cũng rất cao.

Khi làm cha mẹ là phải làm chủ bản thân, học cách kiểm soát được những cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực của mình.

Khi nào bạn không làm chủ được bản thân thì dạy con sẽ dễ xảy ra sai lầm. Đánh con, chửi mắng con không phải là biện pháp giáo dục.

Do vậy, hãy giáo dục con không đòn roi, không la mắng, hãy giáo dục con bằng tình yêu thương, bằng lý trí, bằng sự kiên trì, bằng những cuộc đối thoại với con để con có một tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc, sau này sẽ tự tin để có thể quyết định cuộc sống của mình.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG