Chả nhái- quà tặng của đồng quê

Cập nhật, 11:29, Thứ Ba, 22/08/2017 (GMT+7)

 

Nông thôn Nam Bộ thì không thiếu gì ếch nhái, nhất là vào mùa mưa, mùa nước nổi ngày xưa; cho nên đến trẻ con cũng biết tự đi bắt nhái bằng đủ cách để về chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, nhưng nói đến món chả nhái thì hình như chưa biết.

Còn ở đồng bằng Bắc Bộ xưa thì đây là món ăn rất quen thuộc, dễ chế biến, giúp thay đổi khẩu vị khi mà mùa ếch nhái quá nhiều như hồi ruộng đồng còn cái thời “thuận theo lẽ tự nhiên”.

Ngày xưa ở miền Tây, khi nước vừa tràn đồng thì nhái cơm rất nhiều, thường thì tụi nhỏ đi bắt nhái cơm để dành giăng câu mồi chạy, tức móc con nhái cơm vào lưỡi câu treo sao cho nhái bơi vừa chấm nước để bắt cá lóc.

Thỉnh thoảng, “buồn buồn” tụi nó mới bắt nhái cơm làm món ăn, lúc đó chỉ cần cái rọi và lon dầu lửa, mỗi đứa cầm ngọn tre hoặc cây chĩa ba loại nhỏ, đi dọc theo bờ mẫu, mé nước một hồi là có nhóc.

Khi nặng nặng cái bao thì về xúm lại làm sạch và nấu cháo ăn buổi tối chơi, còn ếch thì ngoài cách chế biến như xào lăn, xào cà, còn có nướng mọi, chớ không ai bằm ra làm chả, chỉ có thịt cóc mới được băm nhỏ xào hành ăn với bánh tằm.

Mấy tháng trước, được nghe đến món chả nhái của bà con xứ Bắc, nên sẵn vào mùa nước nổi thử làm món chả nhái cho nó tăng thêm phần phong phú thức ăn Nam Bộ, hóa ra rất ngon và cũng rất dễ làm.

Đúng là ẩm thực dân gian chính là một kho kinh nghiệm về cách thức chế biến thức ăn sao cho thật phù hợp tùy theo từng thời, từng lúc.

Như món chả nhái chẳng hạn, khi mà phần mình con nhái không có bao nhiêu thịt, thì người ta chịu khó bằm nhuyễn, chừa lại phần đùi; sau đó phần bằm nhuyễn lấy thành từng vắt nhỏ thả vào chảo dầu nóng, chỉ 5- 10 phút là có món chả nhái, một món ăn vừa có cả thịt lẫn xương băm nhuyễn, tạo nên sự phong phú của món ăn. Đặc biệt rất tốt đối với trẻ em, người già vừa dễ ăn, vừa tăng cường chất can- xi.

Thêm mấy lá tía tô tạo mùi kích thích vị giác, khứu giác cùng với các loại rau sống, dùng với nước mắm chế biến cho dịu độ mặn, vậy là có món chả nhái có thể làm “đồ ăn” mà cũng có thể làm “mồi nhắm”. Một món ăn rất đúng “thời vụ” mùa nước nổi đồng bằng, mọi người đều có thể thử một lần coi nó ngon... cỡ nào! 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG