Hổng biết vì lẽ gì mà hễ đến Tết Đoan ngọ (mùng 5/5), là người miền Tây chộn rộn với món bánh xèo. Thiếu gì món, sao lại phải là bánh xèo?
Bánh xèo cuốn bằng lá bạc hà non ở Đông Thạnh thiệt ngon. |
Hổng biết vì lẽ gì mà hễ đến Tết Đoan ngọ (mùng 5/5), là người miền Tây chộn rộn với món bánh xèo. Thiếu gì món, sao lại phải là bánh xèo?
Người ở thành thì hối hả đặt bánh đến nỗi xếp hàng... tranh nhau mua. Sáng mùng 4 đã thấy dọc các con đường ở Phường 4, Phường 5, Phường 3... (TP Vĩnh Long), có nhiều người bày ra vài ba cái bếp lò đổ bánh xèo rồi. Ngộ thiệt. Mà thấy cũng hay hay. Nhưng bánh xèo ở dưới quê hồi xưa ăn mới gọi là đã, là vui từ dưới bếp vui lên.
Hồi xưa, làm bánh công phu và mấy bà, mấy chị nhọc nhằn nhiều lắm. Còn mấy ông thì chỉ ngồi xếp bằng ở nhà trên, cứ việc túm, cuộn và lâu lâu gọi vọng xuống nhà dưới hối hổng kịp đổ luôn.
Có lẽ cùng với lẩu mắm thì bánh xèo chính là cái hồn cốt, cái đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Nó thể hiện đầu tiên ở cái món rau. Rau phải vun đầy thau, đầy rổ chớ dĩa nào mà chứa cho đủ, mà ngay ở miền Tây này, mỗi khu vực là có những loại rau khác nhau ngoài một số loại gọi là “căn bổn”.
Như ở miệt vườn Vĩnh Long, Bến Tre, có loại rau cát lồi khá là đặc biệt; miệt trên An Giang ngày xưa đất ngập nên đâu có cát lồi, nhưng được ăn cuốn bằng các loại lá bằng lăng, lá vừng rất ngon, nếu vào mùa nước vực có nhà còn chêm lá xoài non cho thêm vị chát thanh thanh.
Nói chung, cùng một đặc tính với lẩu mắm, bánh xèo là thức ăn “dễ tính” đến nỗi... “bá nạp” các loại rau, đúng với cách ăn uống nơi đồng ruộng hoang vu xưa.
Đặc biệt, hôm rồi về xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) lại được đãi món bánh xèo cuộn bằng lá bạc hà non, lần đầu tiên thưởng thức nên hơi e dè vì sợ ngứa, nhưng các chị bảo không sao. Tuy lạ miệng khi nghe tăng tăng nơi đầu lưỡi nhưng đúng là ngon thiệt.
Còn nhưn bánh xèo lại vừa dễ mà vừa khó, có thể thay thế bằng rất nhiều loại đặc sản miền quê, từ vịt xiêm bằm, đến tép, thịt heo, ở An Giang có người còn cho thịt ếch, thịt cóc rất ngọt nhưng phải làm kỹ lưỡng. Bến Tre thì có thêm món hến. Mùa nước nổi thì hẳn là không thể thiếu bông điên điển rồi.
Rõ ràng bánh xèo nó... linh hoạt theo từng vùng, từng mùa, có lẽ vậy mà nó rất “hạp khẩu” với người miền Tây vậy. Món ăn có vẻ dân dã nhưng nó thể hiện cái đức tính hàng đầu của phụ nữ là “công” (công, ngôn, dung, hạnh) vì phải tráng thiệt mỏng, thiệt giòn nơi rìa bánh.
Giờ làm bánh xèo chỉ việc mua bột chợ, còn hồi đó phải chuẩn bị bột từ ngày hôm trước, rồi sáng sớm hôm sau các bà, các chị đã nhóm bếp 4- 5 người hì hụi đổ, mấy đứa nhỏ thì chạy bưng lên nhà trên, khi thì thêm rau, thêm nước mắm chạy té khói luôn, rồi mới được ăn sau.
Giờ thì ở quê cũng đã thiếu vắng một số loại rau và cái không khí tề tựu vui vầy cũng đã ít nhiều phai nhạt. Một bữa ăn không chỉ để ăn ngon, mà còn để ăn vui, cùng với tình yêu thương, gắn kết gia đình. Thương nhớ một thuở bánh xèo ngày xưa ấy!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin