Sau kỳ họp giữa năm 2023 của HĐND tỉnh và cấp huyện, nhiệm kỳ 2021-2026, từ ngày 13-18/7, các đại biểu HĐND 2 cấp đã có đợt tiếp xúc với các cử tri trong tỉnh để kịp thời thông báo kết quả kỳ họp và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các đợt tiếp xúc trước.
Ông Bùi Văn Nghiêm- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trao đổi với cử tri huyện Vũng Liêm. |
Sau kỳ họp giữa năm 2023 của HĐND tỉnh và cấp huyện, nhiệm kỳ 2021-2026, từ ngày 13-18/7, các đại biểu HĐND 2 cấp đã có đợt tiếp xúc với các cử tri trong tỉnh để kịp thời thông báo kết quả kỳ họp và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các đợt tiếp xúc trước. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, những vấn đề bức xúc của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời.
Cử tri gửi gắm nhiều kiến nghị
Tại huyện Vũng Liêm, sau khi nghe các đại biểu HĐND thông báo kết quả kỳ họp giữa năm và báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Lê Thanh Tâm (ấp An Trung, xã Trung Thành) bày tỏ phấn khởi: “Bản thân tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch HĐND tỉnh, cũng như sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, đã đưa kinh tế phát triển, văn hóa- xã hội có nhiều đổi mới, nhất là công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên; quốc phòng- an ninh giữ vững ổn định”.
Nhân đây, cử tri Lê Thanh Tâm chia sẻ: Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nhưng hiện chỉ có một cán bộ nông nghiệp thì không thể đảm đương hết vai trò vì đây là mảng rất rộng. Còn công an xã thì hiện có 6 người, nhưng không phải lúc nào cũng có mặt tại địa phương, phải thay phiên nhau đi học. Vì vậy, cần xem lại điều kiện đặc thù của địa phương, từ đó bố trí tăng cường cán bộ theo lộ trình.
Hiện, vấn nạn ma túy đang diễn ra từ thành thị đến nông thôn, trong khi giới trẻ lại chủ quan, không sợ. “Sơ hở này bắt nguồn từ văn bản pháp luật chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần xem xét việc hút chích một lần là vi phạm hình sự”, ông Tâm kiến nghị. Bên cạnh, ông cũng đề xuất: Cần đưa vào nghị quyết xây dựng trụ sở cho ấp, chứ hơn 40 năm nay vẫn còn một số ấp không có trụ sở làm việc, muốn họp phải mượn nhà dân.
Tại huyện Trà Ôn, cử tri Trần Văn Một (ấp Trà Ngoa, xã Trà Côn) bày tỏ phấn khởi khi nghe báo cáo kết quả kỳ họp, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và huyện. Song, ông cho rằng: Vẫn còn một số vấn đề là rào cản cho sự phát triển cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Cụ thể, từ tháng 11/2022, quy định diện tích tối thiểu tách thửa phải 500m2 và diện tích còn lại phải tương xứng.
“Để tránh tình trạng chia tách thửa không đảm bảo diện tích theo quy định thì phải viết tay, sau này có xảy ra tranh chấp sẽ bất ổn, tôi kiến nghị trong kỳ họp tới nên đưa ra bàn luận về vấn đề này và có những chính sách, nghị quyết phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”, cử tri Trần Văn Một nói và cho biết thêm: Hiện, việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở có mức thu khá cao.
Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người dân nông thôn ngại tốn phí, không làm đúng theo pháp luật. Như vậy, Nhà nước sẽ mất nguồn thu ngân sách. Do vậy, cần có mức thu hợp lý hơn.
Cần các giải pháp thúc đẩy phát triển
Tại các buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực hạ tầng đã được nhiều cử tri trong tỉnh quan tâm đề xuất như: đầu tư đường vào Khu căn cứ Bang Chang (Trà Ôn) và gắn bảng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và QL54;
đẩy nhanh tiến độ thi công ĐT902 và tuyến đê bao cặp tuyến sông Măng; nâng cấp chợ Thới Hòa; xây cầu Hựu Thành; xem xét thiết kế lại các nắp cống, nạo vét, nâng cấp kênh thủy lợi nội đồng, đầu tư trạm bơm để thoát nước sản xuất. Đồng thời, giám sát chặt chẽ cơ quan thanh kiểm tra, thẩm định các công trình phúc lợi.
Cử tri cũng kiến nghị khắc phục sạt lở bờ sông; xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép; nâng cấp đường ống nước và nâng chất lượng nguồn nước máy; làm sạch thoáng dòng sông.
Bên cạnh, cần có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; giúp nông dân tiêu thụ nông sản; giải quyết việc làm cho công nhân, lao động; phòng chống tham nhũng; nâng thời gian dạy song ngữ (tiếng Khmer) để đảm bảo việc học hiệu quả, nâng mức hỗ trợ chính sách cho người cao tuổi, cán bộ ấp.
Cử tri còn đề xuất xem xét lại việc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chênh lệch diện tích, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch nhà máy năng lượng huyện Vũng Liêm; quy hoạch vùng trồng lúa sao cho phù hợp với tình hình thực tế; vấn đề giá điện tăng cao và mức tham gia BHYT của người dân; hỗ trợ BHYT cho bệnh nhân ung thư...
Qua buổi tiếp xúc, bà Lê Thị Thúy Kiều- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết, buổi tiếp xúc cử tri rất chất lượng, trao đổi nhiều nội dung. Đây chính là kênh để đại biểu HĐND tỉnh nắm được nhiều thông tin. Bà Kiều cho biết, sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp gửi UBND tỉnh để chuyển các sở, ngành giải quyết. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện, xã, thì tổ đại biểu sẽ theo dõi kết quả giải quyết.
Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, ghi nhận và lần lượt giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri; thông tin cụ thể từng vấn đề có liên quan để cử tri nắm rõ, như: việc đầu tư kết cấu hạ tầng, vấn đề quy hoạch vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM và thực hiện các chế độ chính sách của tỉnh thời gian qua. Đồng thời tổng hợp các kiến nghị chuyển sang các cơ quan chức năng để chỉ đạo giải quyết.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin