Ngoài việc giải ngân rất thấp thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo tập huấn, tư vấn, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không.
Ngoài việc giải ngân rất thấp thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo tập huấn, tư vấn, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không.
Trong phiên làm việc ngày 6/6, đặt vấn đề về việc triển khai Chương trình mục tiêu về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của bộ trưởng về sử dụng vốn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai |
Theo bà, ngoài việc giải ngân rất thấp, chỉ đạt 4.634 tỷ, bằng 51% thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo tập huấn, hội thảo bình đẳng giới 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỷ, kiểm tra hội thảo 88 tỷ, trong khi đó xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỷ đồng.
“Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?” – nữ đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ, hiện nay mới tổ chức được một số cuộc hội thảo, hội nghị truyền thông và hiện nay tập trung chủ yếu là công tác truyền thông.
Về quỹ tín dụng liên quan đến Luật Ngân sách và các quy định về thành lập các quỹ ở địa phương, nên Hội Liên hiệp Phụ nữ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao cho Ủy ban Dân tộc cùng với Hội Phụ nữ Việt Nam thống nhất lại dự án này, nếu trong trường hợp không thể triển khai được vì vướng luật thì cũng là một dự án không triển khai được trong nhóm khó triển khai để báo cáo với Quốc hội cho điều chỉnh vào tháng 10.
“Còn nhóm dự án khác Hội Liên hiệp Phụ nữ đang chủ trì thì chúng tôi xin phép đại biểu sẽ có đánh giá cụ thể cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ và sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội cụ thể” – ông Hầu A Lềnh trả lời.
Trao đổi lại, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, Nghị quyết 120 của Quốc hội nêu rất rõ nhiệm vụ tăng chi đầu tư và khi trình Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội khóa XIV đã nêu rất rõ là nguồn lực có hạn thì cần phải đến với người dân thông qua những sản phẩm cụ thể, hạn chế việc chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo tư vấn.
“Nhưng khi đọc báo cáo, chúng tôi thấy cơ cấu này chưa hợp lý, không chỉ ở một dự án của Hội Liên hiệp phụ nữ mà ở rất nhiều các hợp phần khác. Mong Bộ trưởng quan tâm để làm sao trong lúc nguồn lực có hạn thì đến được với đồng bào dân tộc, những người hiện nay đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn” – bà Vũ Thị Lưu Mai nói.
Tiếp tục giải trình băn khoăn của đại biểu trong phiên làm việc sáng nay 7/6, ông Hầu A Lềnh nói, dự án của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thực hiện bình đẳng giới, giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, được bố trí 2.382 tỷ đồng. Số tiền này để thực hiện nhiều nội dung như tập huấn, tuyên truyền, truyền thông.
Trên cơ sở nguồn ngân sách và nhiệm vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tập trung vào truyền thông và tập huấn giai đoạn đầu. Các hoạt động khác sẽ tổ chức vào giai đoạn tiếp theo. Đây là nguồn vốn của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp chứ không phải chỉ ở Trung ương và các hoạt động này không trái quy định pháp luật.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh |
Bộ trưởng cho biết, nghị quyết 120 của Quốc hội đặt ra mục tiêu tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa phương. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã thiết kế 10 dự án, phân cấp thẩm quyền điều hành cho địa phương. Trung ương sẽ ban hành văn bản hướng dẫn và kiểm tra, giám sát, xử lý khó khăn, vướng mắc.
Giai đoạn này Quốc hội đã bố trí 104.000 tỷ đồng, trong đó 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và 54.000 tỷ vốn sự nghiệp. Vốn sự nghiệp chủ yếu dùng để giải quyết chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hưởng các chính sách từ giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực. Đây là đặc thù của chương trình này chứ không phải bất hợp lý.
Chưa hài lòng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tiếp tục dùng quyền tranh luận và nêu quan điểm: “Bộ trưởng trả lời rằng việc bố trí vốn giao hết cho địa phương, như vậy theo trách nhiệm là không đúng”.
Theo bà, Nghị quyết 120 giao Chính phủ bố trí vốn và Ủy ban Dân tộc giám sát nên nói trách nhiệm của địa phương là chưa ổn. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ cơ cấu vốn và giao Chính phủ đôn đốc tăng tỉ lệ chi đầu tư.
“Khi đọc báo cáo của Chính phủ thấy rằng việc phân bổ cho nhiều hội thảo, tư vấn là chưa hợp lý khi nguồn lực có hạn, người dân có nhiều việc cần giải quyết”- bà Mai bày tỏ.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chi phí cho tư vấn, truyền thông đi trước là đúng rồi, nhưng bước sau chưa thấy bước, hay bước chậm nên đại biểu băn khoăn là đúng thôi. Ta trễ rồi nên giờ cần tăng tốc để bù lại./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin