Tham gia đóng góp tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) đề nghị, cần có chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.
(VLO) Tham gia đóng góp tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) đề nghị, cần có chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.
Thời gian qua tình hình thế giới, tình hình khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Diễn biến đó cho chúng ta rất nhiều bài học, trong đó có bài học cần tăng cường xây dựng, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự để đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh. Vì vậy, tôi nhất trí cao dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhưng tôi xin bổ sung vài ý kiến như sau:
Tại Điều 5 phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự chưa bao quát các công trình phòng thủ và khu quân sự theo khái niệm tại dự thảo luật, nhất là các công trình lưỡng dụng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình phòng thủ và khu quân sự, các cơ sở nghiên cứu của Bộ Quốc phòng. Đề nghị nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để dễ phân biệt được loại, nhóm công trình phòng thủ và khu quân sự.
Tại Điều 6, đề nghị bổ sung nội dung không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm, điều tra, khảo sát, định vị, đo vẽ, ghi chép miêu tả, đăng tải, phát tán trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông về công trình quốc phòng, khu quân sự.
Tại Điểm c Khoản 2 Điều 20 đề cập đến “quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng được tạm giữ người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ khi có căn cứ cho rằng người, đồ vật, phương tiện đó có nguy cơ nguy hại đến an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự”, cần được xây dựng đảm bảo các chế định về bắt giữ người vi phạm, tội phạm được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Đề nghị cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao, sử dụng đất công trình quốc phòng, khu quân sự.
Ngoài ra, xin có một số kiến nghị:
Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế- xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.
Kiến nghị thành lập quỹ phòng thủ dân sự để khi có tình huống xảy ra có kinh phí cho hoạt động; chế độ chính sách cho các hoạt động phòng thủ; làm rõ quy định về đánh giá mức độ rủi ro để phân chia các cấp độ phòng thủ dân sự; cần có quy định rõ về “sự cố” và “thảm hoạ”; cách đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; phải có cách tính cụ thể về mức độ rủi ro; cần mã hóa vào luật vai trò của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, cũng như thẩm quyền hoạt động của BCĐ trong điều kiện bình thường và điều kiện phòng thủ; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; cần có các quy định chuyển tiếp giữa Luật Phòng thủ dân sự đối với các luật khác.
B.THANH-N.THANH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin