Bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực du lịch

05:06, 09/06/2023

Ngày 9/6, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực du lịch, vì theo dự thảo Luật Đất đai chưa quy định loại hình sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong lĩnh vực này.

 

Ngày 9/6, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực du lịch, vì theo dự thảo Luật Đất đai chưa quy định loại hình sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong lĩnh vực này.

* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong-  bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực du lịch.

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nhất trí cao dự án Luật đất đai (sửa đổi), nhưng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại Điều 63 bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực du lịch, vì theo quy định của dự thảo Luật Đất đai chưa quy định loại hình sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong hoạt động lĩnh vực du lịch làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trong hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về du lịch.

Về nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đề nghị bỏ khoản 2, Điều 79 thay thế bằng “Kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện (5 năm) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vì Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã triển thực hiện từ năm 2015 đến nay không phát huy hiệu quả mà chỉ tốn chi phí cho công tác lập kế hoạch và đôi khi đánh mất cơ hội kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Quy định rõ điểm c, khoản 1, Điều 81 “Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất” vì hiện nay quy định này đang bị người sử dụng đất lợi dụng khi có nhu cầu phân lô, bán nền nên tự nguyện trả lại 1 phần đất với mục đích làm lối đi công cộng và để hình thành khu dân cư tự phát.

Về giá đất, đề nghị điều chỉnh khoản 1 Điều 154 “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm” là không hiệu quả mà còn phải tốn rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện. Đề nghị giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, vì Bảng giá đất 5 năm có 1 lần điều chỉnh giữ kỳ (trung bình 2,5 năm có Bảng giá đất mới). Đề nghị bỏ điểm b, khoản 2 Điều 155 Quyết định giá đất cụ thể do UBND cấp huyện thực hiện, vì nếu công trình/dự án nằm trên địa bàn 2 huyện thì sẽ có 2 giá đất khác nhau trong cùng một tỉnh, từ đó sẽ phát sinh khiếu nại, yêu cầu đối với vùng giáp ranh ...

Đề nghị bỏ khoản 3 Điều 156, vì trong Hội đồng thẩm định tỉnh có UBND cấp huyện nơi có đất là thành viên và trước khi trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thì UBND cấp huyện đã có ý kiến cụ thể bằng văn bản đối với giá đất mà đơn vị tư vấn trình để tham vấn, lấy ý kiến. Việc thành lập Hội đồng thẩm định cấp huyện để trình thông qua giá đất làm mất thời gian và tốn kinh phí trong khi Bảng giá đất do cấp tỉnh quyết định sau khi HĐND tỉnh thông qua.

Về chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, đề nghị bỏ quy định phải đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với hộ gia đình, cá nhân, nhằm tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đối với đất tôn giáo, tính ngưỡng, có quy định hướng dẫn cụ thể trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất cho tôn giáo, tín ngưỡng.  

* Đại biểu Trịnh Minh Bình- bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất

Tôi thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật đất đai lần này cùng những tiếp thu chỉnh lý và có bổ sung nhiều nội dung góp ý của các đại biểu quốc hội.

Đóng góp thêm dự thảo luật, tôi xin bổ sung một số ý kiến:

Tại Điều 90 về Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó khoản 2 quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Tôi thống nhất nội dung này nhưng chưa thể hiện sự công bằng, đề nghị bổ sung cụm từ “có giá trị tương đương” sau cụm từ “bằng việc giao đất” để đảm bảo giá trị phần đất bồi thường và phần đất được bồi thường phải bằng nhau về mặt giá trị, tránh trường hợp bồi thường nhưng có sự khác nhau.

Ví dụ: miếng đất thổ cư 100m2 giá 1 tỷ đồng (mặt tiền lộ, thuận tiện trong mùa bán kính doanh), khi thu hồi được đền bù miếng đất cũng 100m2 thổ cư (cùng mục đích sử dụng) nhưng giá trị chỉ có 100 triệu đồng (do trong hẻm) thì chưa có sự công bằng, nếu chúng ta không quy định rõ chổ này sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn tranh chấp sau này.

Tại Điều 95 về Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, khoản 1 quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 94 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người có đất bị thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở. Đề nghị bổ sung cụm từ “có giá trị tương đương” sau cụm từ “khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng đất nông nghiệp”.

Thống nhất cao Điều 233 Hòa giải tranh chấp đất đai, trong đó có bổ sung nội dung Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về thương mại.

Thống nhất cao Điều 109 trong việc lập và thực hiện dự án tái định cư là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất, điều này tạo sự an tâm của người dân đối với các dự án tái định cư mà trong thời gian qua người dân luôn trăn trở về nội dung này.

Về bảng giá đất (Điều 159), nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Tuy nhiên, đề nghị xem xét thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể phải có trình độ chuyên môn và bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

B.THANH-N.THANH (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh