Kỳ 3: Đối thoại với nhân dân

02:05, 16/05/2023

Được công nhận là đô thị loại III năm 2020, đến nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Bình Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thiện nâng cao chất lượng đô thị về mọi mặt, khẳng định vị thế vùng kinh tế động lực của tỉnh.

(VLO) Được công nhận là đô thị loại III năm 2020, đến nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Bình Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thiện nâng cao chất lượng đô thị về mọi mặt, khẳng định vị thế vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Trong đó, nhiều dự án hạ tầng đã và đang thuận lợi triển khai, mà bước tiến quan trọng là công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng thuận rất cao, xuất phát từ quá trình “dân vận khéo” của những “người phục vụ” thấm nhuần bài học của Bác Hồ “đặt mình vào vị trí người dân” sẵn sàng đối thoại và giải quyết thấu lý, đạt tình trong thực thi công vụ.

Chuyện hàng ngày làm được cho dân là học tập và làm theo Bác Hồ

Người dân ủng hộ, đồng tình cao giao đất cho Dự án kè sông Rạch Vồn.
Người dân ủng hộ, đồng tình cao giao đất cho Dự án kè sông Rạch Vồn.

Thời gian này, nhiều khu vực ở TX Bình Minh như “đại công trường” với các dự án đang thi công. Tại phường Thành Phước, theo ông Trần Văn Tám- Chủ tịch UBND phường, hiện các dự án như kè Rạch Vồn, kè sông Hậu từ khi có chủ trương đến thu hồi đất “phường vận động người dân chỉ trong 1 tháng”; còn Dự án kè Tắc Từ Tải có 118 hộ dân bị ảnh hưởng, vừa xong đo đạc chuẩn bị kiểm kê tài sản đã được “người dân đồng tình.

Khi Nhà nước có chủ trương xây kè, phường thông báo, đến từng nhà hỏi thăm đời sống. Nói rõ chính sách bồi hoàn, bố trí tái định cư theo quy định.

UBND phường sẽ giúp bà con dỡ nhà, di dời vật kiến trúc và hỗ trợ thuê chỗ ở, cung cấp nhu yếu phẩm cho đến khi có chỗ ở mới”.

Mà “muốn nói cho dân nghe, dân hiểu thì mình phải gần gũi để nghe yêu cầu của người dân”- ông Trần Văn Tám bảo, “phải giải thích cặn kẽ.

Tôi chỉ ra cho bà con thấy lợi ích của nơi ở mới, có nhà mới, đất mới, thêm nhiều hàng xóm mới, mở ra sinh kế mới, chứ không thấp thỏm như hồi sống ở gần khu vực sạt lở”.

Là một trong các hộ dân bị ảnh hưởng do Dự án kè sông Hậu, bà Dương Thị Đức (ở Tổ 2, Khóm 2) đồng ý di dời đến nhà trọ chờ bố trí tái định cư.

“Thời gian này, các chú chính quyền hỗ trợ đầy đủ gạo, mắm, muối, tiền nhà trọ… Gia đình tôi ở cặp sông lớn, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhà cửa sụp xuống sông. Nên khi các anh ở phường tới nói chuyện, vận động di dời và bố trí tái định cư, chúng tôi rất vui mừng”.

“Sống cùng bà con địa phương, nên bất cứ việc gì có lợi, giúp ích cho bà con thì mạnh dạn làm. Theo tôi, chuyện hàng ngày làm được cho bà con là học tập và làm theo Bác Hồ”- ông Trần Văn Tám bày tỏ, những bài học, tấm gương của Bác luôn được cán bộ, đảng viên soi rọi và vận dụng vào từng việc, nhiệm vụ được giao.

Qua các buổi nói chuyện, trường hợp người dân chưa đồng tình, cán bộ, đoàn thể, ủy ban MTTQ cấp xã đến tận nơi tìm hiểu lý do, giải thích cặn kẽ để bà con đồng thuận giao đất, hạn chế tối đa việc phải cưỡng chế di dời.

“Quan trọng nhất là nói sao cho dân dễ hiểu về các vấn đề liên quan đến chính sách bồi thường, xét tái định cư.

Thực tế, đời sống của bà con ở hai bên bờ sông nhiều nhà ở tạm bợ, điều kiện sinh sống không đảm bảo, ô nhiễm môi trường. Nhà nước đầu tư công trình tạo diện mạo cho đô thị khang trang, đồng thời bố trí nơi ở mới ổn định hơn.

Thấu hiểu tâm lý chưa yên tâm của người dân khi di dời, chúng tôi phân tích những cái lợi như: khu tái định cư ở khu vực trung tâm ngay trục đường chính của thị xã, gần cầu Cần Thơ, công viên, trung tâm văn hóa… thuận tiện buôn bán, kinh doanh”- ông Trịnh Tấn Tài- Chủ tịch UBND phường Cái Vồn, cho biết đã nói với người dân như vậy qua các lần đối thoại về dự án kè chống sạt lở bờ sông Rạch Vồn.

Mặc dù kết quả vận động giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, nhưng quá trình tuyên truyền, vận động cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Do vậy, Đảng bộ, UBND phường Cái Vồn xác định Dự án xây dựng kè sông Rạch Vồn là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính của cả hệ thống chính trị.

Dự án có 277 hộ dân (thuộc các khóm: 1, 3, 5) bị ảnh hưởng, do dự án có vị trí “đắc địa” sinh lợi cao, gần chợ trung tâm thị xã, người dân đã sinh sống qua nhiều thế hệ, chưa yên tâm rời đi…

“Chúng tôi nắm được mấu chốt vấn đề, tìm hiểu mong muốn và giải thích sao cho người dân dễ hiểu”- ông Trịnh Tấn Tài nói kiên trì đối thoại, giữa chính quyền và người dân đã tìm được tiếng nói chung.

Dự án kè sông Rạch Vồn hiện đã bố trí tái định cư cho các hộ dân Khóm 3 và sẽ tiếp tục triển khai phương án với các hộ dân Khóm 1 và Khóm 5.

“Riêng số ít hộ có hoàn cảnh quá khó khăn, phải di dời nhưng không đủ điều kiện được cấp nền tái định cư thì địa phương tham mưu lên trên để xin hỗ trợ tốt nhất cho bà con ổn định đời sống. Quan niệm chúng tôi là không để bà con bị thiệt thòi”- ông Trịnh Tấn Tài chia sẻ.

Ông Cao Văn Kiệt- Bí thư kiêm Trưởng Khóm 5, cho biết: Dự án kè ảnh hưởng đến 54 hộ dân của khóm, ban đầu người dân “tính toán thiệt hơn”, bằng sự nỗ lực tuyên truyền, thông tin đầy đủ chính sách, mức giá đền bù theo từng trường hợp. Bà con hiểu và đồng lòng giao mặt bằng đúng hẹn.

“Có con đường, kè sông bà con mừng vui lắm”- chú Bùi Thế Thận (ngụ Khóm 5), phấn khởi trước công trình đã hoàn thành nhiều hạng mục.

Gia đình chú Thận có hơn 250m2 phải thu hồi, giải phóng mặt bằng, nhưng vì “công trình giúp chỉnh trang đô thị, người dân được bồi thường thỏa đáng nên rất đồng tình”.

Phải đặt mình vào vị trí của dân

Theo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TX Bình Minh, trong những năm qua, TX Bình Minh tập trung huy động các nguồn lực xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng.

Hiện có 16 dự án thực hiện thu hồi đất (13 dự án chuyển tiếp, 3 dự án mới năm 2023), với 3.633 hộ dân chịu ảnh hưởng. Trong 11 công trình đang thực hiện có 2.349 hộ, tỷ lệ hộ đã nhận tiền bồi hoàn chiếm trên 91%.

Trong 16 dự án đang thực hiện, đến nay đã bố trí tái định cư cho người dân ảnh hưởng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ giai đoạn 1, một số dự án (như kè sông Hậu, kè Rạch Vồn…) dự kiến bốc thăm vào tháng 5/2023…

Khu tái định cư với diện tích 14,9ha, được quy hoạch 442 lô nền, hiện đã thi công hoàn chỉnh 5 khu để tổ chức bốc thăm bố trí tái định cư.

Với mục tiêu đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TX Bình Minh lần thứ XII đề ra phương hướng: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao”, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển theo hướng đô thị sinh thái, văn minh.

Theo ông Phạm Hữu Đức- Chánh Văn phòng Thị ủy Bình Minh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng, nếu nguồn vốn không giải ngân kịp thời gian sẽ điều chuyển đi nơi khác.

Thị xã đã thành lập 2 tổ: đối thoại và vận động nhằm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, trong đó phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND thị xã cùng các đoàn thể trực tiếp chỉ đạo. “Những bức xúc, thắc mắc của người dân được giải quyết tại chỗ, cụ thể từng vụ việc.

Thời gian qua hoạt động đối thoại rất hiệu quả, người dân đồng tình rất cao, hạn chế tối đa khiếu kiện”- ông Phạm Hữu Đức đánh giá.

Để làm tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của thị xã, ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND TX Bình Minh, cho rằng: “Nếu không có đối thoại thì sẽ còn dây dưa kéo dài”.

Đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Đối thoại nên “các cuộc đối thoại là không thiếu tôi được”- ông Nguyễn Văn Dân còn thấu hiểu: “Khi người dân có khiếu nại lên Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hội đồng báo cáo UBND thị xã trả lời, nhưng họ vẫn tiếp tục khiếu nại thì chúng tôi hiểu họ còn khúc mắc gì đó.

Qua đối thoại phát hiện nhiều tình tiết mới mà người dân chưa trình bày hết trong đơn khiếu nại. Mình lắng nghe, trình bày những căn cứ, pháp lý đã được áp dụng, không còn bổ sung được nữa và khuyên bà con nên chấp hành”.

Thông qua các cuộc đối thoại đã giải quyết nhiều trường hợp, người dân không còn khiếu kiện nữa. Ví dụ trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa giao mặt bằng vì còn kì kèo “đòi” bố trí tái định cư.

Các tổ chuyên trách kiên trì mưa dầm thấm lâu phân tích rõ hộ không thuộc đối tượng bố trí tái định cư; đến đối thoại lần cuối hộ này đã chấp hành tự tháo dỡ giao mặt bằng mà không phải buộc cưỡng chế theo quy định.

Trường hợp khác, mặc dù mới có phương án chưa nhận tiền bồi hoàn, nhưng anh em tới vận động người dân giúp di dời mồ mả cho các phương tiện chở vật liệu xây dựng thuận lợi, thì người dân đã vui vẻ bàn giao mặt bằng sớm.

“Theo tôi trong công tác dân vận giải phóng mặt bằng hay bất cứ thực hiện nhiệm vụ nào, người cán bộ, đảng viên đừng quên dân, phải đặt mình vào vị trí của người dân.

Những công trình thu hồi đất, nhà ở, mặc dù Nhà nước bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng nhưng vẫn khó khăn cho người dân.

Vì vậy, các chính sách gì có lợi cho người dân thì phải áp dụng hết chớ đừng tư túi, vụ lợi”- ông Nguyễn Văn Dân nói và cho biết luôn ghi nhớ và vận dụng bài học “nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin” của Bác Hồ trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình.

Bởi lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn xây dựng NTM, văn minh đô thị của TX Bình Minh hiện nay.

Kỳ 4: Hướng đến nền hành chính vì nhân dân phục vụ

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh