Xây dựng hình ảnh "người phục vụ" trong lòng nhân dân

Cập nhật, 07:38, Thứ Sáu, 12/05/2023 (GMT+7)
Công tác cải cách hành chính đang được tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh thực hiện, nhằm tạo sự hài lòng cho người dân.
Công tác cải cách hành chính đang được tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh thực hiện, nhằm tạo sự hài lòng cho người dân.

Cùng với việc kế thừa và phát triển luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về liêm-chính, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”, “tạo đột phá trong cải cách hành chính”.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh yêu cầu: “Phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ”. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng là hết sức cần thiết, qua thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhiệm vụ chính trị, điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương, đơn vị.
 
Mục tiêu đó tiếp tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long cụ thể hóa trong Chuyên đề năm 2023 “Xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới” đề ra nhiệm vụ: Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nhân lên những điều tốt đẹp để xây dựng và phát triển đất nước, lan tỏa và góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.
 
Với tinh thần đó, qua loạt bài này, chúng tôi mong muốn truyền tải những câu chuyện sống động, cách làm hay từ thực tiễn của các đảng viên, đơn vị dám nghĩ, dám làm, tận tụy cống hiến vì lợi ích của người dân, cộng đồng. Qua đó chứng minh rằng, khi vận dụng và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng cán bộ, đảng viên đã có nhận thức, hành động sáng tạo, linh hoạt góp phần xây dựng hình ảnh của “người phục vụ” và cả một nền công vụ đầy trách nhiệm trước nhân dân.  
Kỳ 1: Tạo dựng lòng tin nơi nhân dân từ cơ sở

 

 
Thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa ở ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa; NTM nâng cao xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) cho thấy khi suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên xuất phát từ cái tâm vì nhân dân phục vụ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ thì việc khó đến đâu cũng làm được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người đảng viên- dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp- ở đâu cũng phải làm gương cho quần chúng”. 
Người dân được hướng dẫn tận tình khi đến xã Đông Thạnh làm thủ tục, giấy tờ.
Người dân được hướng dẫn tận tình khi đến xã Đông Thạnh làm thủ tục, giấy tờ.
 
Làm dân tin, nói dân nghe thì xin gì dân cũng cho 
 
Bà con trong ấp Mỹ Thới 1 thân thiết, quen mặt Bí thư Chi bộ Trương Thanh Tùng bởi “anh bí thư ấp đi xóm gặp người dân có việc cần giúp thì đều xắn tay áo làm cùng. Đó, con đê cao hơn đường đan cả mét do chi bộ ấp cùng bà con đắp lên”- anh Nguyễn Thanh Tân, người dân ấp Mỹ Thới 1, bảo vậy. Nhà anh Tân ở cặp đường đan dọc sông Đông Thành, có 8 công vườn trồng bưởi, thanh trà, xoài… giờ “hết lo nước tràn”.
 
Khoảng năm 2017, triều cường cao bất ngờ tràn đường đan, gây ngập úng vườn. Chi bộ ấp đã nhanh chóng huy động “4 tại chỗ”, đắp đê ngăn nước, hạn chế thiệt hại cho bà con. Cùng người dân góp sức, góp của, bờ taluy hơn 1.000m dọc đường đan được dựng nên, mỗi năm đều được gia cố thêm chắc chắn.
Bờ taluy do Chi bộ ấp Mỹ Thới 1 cùng bà con xây đắp, góp phần bảo vệ tuyến đường đan và vườn cây ăn trái.
Bờ taluy do Chi bộ ấp Mỹ Thới 1 cùng bà con xây đắp, góp phần bảo vệ tuyến đường đan và vườn cây ăn trái.
 
Ấp Mỹ Thới 1 có 412 hộ dân với 1.598 nhân khẩu, trong đó chi bộ ấp có 24 đảng viên, xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với các phong trào, nhiệm vụ của địa phương.
 
Cũng như việc đắp bờ cao để nước không tràn vỡ con đường, mà muốn đắp bờ cao cần phải có chân đê vững chắc, ông Tùng cho rằng: “Chúng tôi vận động nhân dân xây dựng NTM, đời sống văn hóa mới thì mỗi đảng viên phải gương mẫu, gia đình và người thân của mình phải làm tốt trước hết. Nói phải đi đôi với làm. Việc gì khó phải bàn bạc, họp dân xin ý kiến. Trong chi bộ từ những việc nhỏ như đến họp đúng giờ, tuân thủ nội quy sinh hoạt… phải gương mẫu cho anh em làm theo.
 
Gắn với đặc thù của chi bộ, đối với đảng viên trong độ tuổi lao động làm việc tại các doanh nghiệp, chi bộ giao nhiệm vụ phụ trách các tổ nhân dân tự quản nơi cư trú. Đảng viên có thể tận dụng thời gian sau giờ làm việc, ngày nghỉ đến với bà con tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước hiệu quả hơn”. 
 
Chi bộ ấp Mỹ Thới 1 nhất trí “làm tốt mọi nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân”, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhiệt tình tham gia thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch ở cấp chi bộ. Hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ ấp, ông Trương Thanh Tùng đúc kết kinh nghiệm quý giá: “Đảng viên dù đảm nhận nhiệm vụ, vai trò gì cũng đều phải làm việc hết sức mình. Làm dân tin, nói dân nghe thì xin gì dân cũng cho”.
 
Theo ông Tùng, đó là sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong các phong trào. Vừa qua, việc xây dựng cống rạch Bà Bầu vướng mắc do hộ dân bị ảnh hưởng “đòi bồi thường”, nhưng khi chi bộ ấp đến vận động, giải thích rõ ý nghĩa phục vụ hơn 20ha đất giúp bà con ổn định sản xuất, tăng thu nhập, 2 hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng ý hiến đất và công trình đã hoàn thành.
 
Khi chi bộ ấp vận động lắp hệ thống đèn chiếu sáng đường nông thôn, người dân “gật đầu cái rụp”, vì có đèn sáng thì việc đi lại của bà con được an toàn, thuận tiện và an ninh trật tự ở làng xóm đảm bảo hơn. 
 
Đảng viên tiên phong, đời sống nông thôn đổi mới
 
Thực hiện Đề án Xây dựng xã NTM giai đoạn 2021-2025, xã Đông Thạnh tập trung dồn sức thực hiện đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2022. Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh- Phan Hoàng Duy cho biết: Nhận diện đây là nhiệm vụ khó lại thực hiện trong thời gian ngắn, do bộ tiêu chí mới thay đổi nội dung, chỉ tiêu nên việc vận dụng, thực hiện còn lúng túng.
 
Do đó, “trước hết cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì phục vụ lợi ích người dân; nếu nghĩ việc khó mà trông chờ ở trên hỗ trợ mới làm thì rất khó đạt kế hoạch đề ra”. Từ định hướng đó, xã chủ động “từ tiêu chí phù hợp, nắm rõ” thì thực hiện trước như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động, môi trường, chất lượng môi trường sống…
 
Ngay khi BCĐ xây dựng NTM được thành lập, xã đã có kế hoạch phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng thành viên phụ trách từng tiêu chí, phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân chủ trương về xây dựng xã NTM nâng cao và ấp NTM kiểu mẫu.
 
Với sự quyết tâm của BCĐ, sự tích cực thực hiện nhiệm vụ của ban ngành, đoàn thể ấp, cán bộ phụ trách NTM và sự đồng thuận của nhân dân xã Đông Thạnh đã về đích vào cuối năm 2022, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao. Một trong những kinh nghiệm thành công, theo ông Phan Hoàng Duy: “Đó là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị phải quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân. Xây dựng NTM phải bằng tư duy tiến bộ, hành động thực tiễn, hiệu quả và thiết thực, nói phải đi đôi với làm”. 
 
Bài học lớn từ xây dựng NTM nâng cao xã Đông Thạnh còn là: Phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; khắc phục kịp thời những yếu kém, uốn nắn ngay những lệch lạc để xây dựng NTM không trở thành điểm nóng, không để chính quyền xa dân mà phải hướng đến phục vụ nhân dân tốt hơn thông qua sự hài lòng của người dân.
 
Từ đó, bài toán khó “một số ít người dân chưa thông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc thực hiện các công trình” đã được giải quyết qua các tiêu chí “Đạt” và “Vượt” kế hoạch đề ra, đặc biệt tiêu chí “Giao thông” còn là điểm sáng thể hiện khi ý Đảng hợp lòng dân thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”!
 
Phát huy nội lực trong dân là chính, người dân đồng thuận hiến đất làm đường giao thông. Chẳng hạn, khi tuyến đường trục chính nội đồng Thạnh An- Thạnh Hòa (dài 3,9km, rộng 3,5m, hiện tiến độ đạt hơn 80%) đi ngang đất nhà, ông Huỳnh Xuân Nhiện- Chi hội Trưởng hội Cựu chiến binh ấp Thạnh An, đồng ý hiến hơn 800m trong tổng số 2.700m đất vườn. “Tôi đồng ý hiến đất, hàng dừa đang cho huê lợi vì công trình này rất có lợi ích cho xã hội”- ông Nhiện cho biết luôn noi gương theo Bác Hồ làm điều có lợi ích cho dân, mà thiết thực nhất là không tính toán thiệt hơn sẵn sàng “cho đất làm đường dân đi”. 
Tuyến đường trục chính nội đồng Thạnh An- Thạnh Hòa “mở tới đâu, người dân cho đất làm đường tới đó”.
Tuyến đường trục chính nội đồng Thạnh An- Thạnh Hòa “mở tới đâu, người dân cho đất làm đường tới đó”.
 
Ông Lê Văn Đẹp- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Thạnh An, cho biết: “Khi vận động làm tuyến đường thuận tiện cho bà con vận chuyển hàng hóa, đi lại, góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn thì bà con rất nhiệt tình ủng hộ. Như gia đình anh Nhiện, tuy ít đất, nhưng tinh thần rất cao, là người hiến đất trước hết. Tuyến đường ảnh hưởng khoảng 145 hộ dân, đường mở tới đâu bà con cho đất làm đường tới đó”.
 
Riêng gia đình ông Đẹp cũng hiến hơn 430m đất cho tuyến đường thông thương. Bí thư Chi bộ ấp năm nay đã 66 tuổi, ngày ngày vẫn chăm chỉ ra đồng, gặp gỡ bà con cùng chia sẻ cách làm ăn, chuyển đổi cây trồng để tăng năng suất, thu nhập. Không chỉ “dân vận khéo”, ông Đẹp tâm niệm “nói phải làm bà con mới tin” và tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ruộng rẫy của ông cũng là địa chỉ cho các buổi “hội thảo đầu bờ” chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong ấp. 
 
Khi đảng viên tiên phong, nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, không chỉ góp phần xây dựng nông thôn đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; mà còn tạo thêm lòng tin vững chắc của người dân với Đảng, chính quyền góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương. 
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
 
 
>> Kỳ 2: Trên từng “mặt trận” đời sống