Võ Văn Kiệt: Bài học đổi mới

Cập nhật, 23:44, Thứ Tư, 23/11/2022 (GMT+7)

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

(Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)

 Khẳng định đổi mới

Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Thành công của đại hội là nghị quyết đổi mới tạo sự nhất trí cao. Kinh tế xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh, định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước tôn trọng 5 thành phần kinh tế bình đẳng cùng phát triển. Đây là chiếc chìa khóa thần mở cửa hội nhập, tiến hành đổi mới.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kV Pleiku ngày 3/11/1993.Ảnh tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kV Pleiku ngày 3/11/1993.Ảnh tư liệu

Trước đó, xuyên suốt 7 kỳ hội nghị Trung ương Đảng từ cuộc Hội nghị lần thứ 5 đến thứ 10 (khóa V), đồng chí Võ Văn Kiệt được cung cấp tiền đề, cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng chí phát biểu đóng góp vấn đề chung của đất nước và riêng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Thời điểm này, có người đánh giá đồng chí Võ Văn Kiệt là tác giả nổi bật giai đoạn “tiền đổi mới”.

Khi còn làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt nổi tiếng với khí thế hừng hực “đổi mới”, là “Bí thư chạy gạo” cứu đói cho dân, “Bí thư phá rào”. Ông khuyến khích lập “CLB Giám đốc” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết ách tắc các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Sử dụng đội ngũ khoa học kỹ thuật, các trí thức, các nhà khoa học thành phố có nhiều tâm huyết để góp ý phát triển kinh tế, thu hút vốn và xuất khẩu. Thành lập “nhóm thứ sáu” (sinh hoạt thứ sáu hàng tuần) đóng góp, đề xuất thực hiện giải pháp về giá - lương - tiền, có nhiều hiệu quả.

Đồng chí giành nhiều thời gian đi xuống cơ sở lắng nghe tiếng nói từ cơ sở mỗi miền, mỗi tỉnh thành, đơn vị công ty, nhà máy, xí nghiệp, đồng chí kết luận, khẳng định dứt khoát: “Đổi mới là tất yếu, là vấn đề sống còn đối với đất nước, là con đường duy nhất chúng ta kiên trì thực hiện”.

Nếu tính thời gian tham gia quản lý nhà nước, đồng chí Võ Văn Kiệt có 3 mốc tiêu biểu: Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước khoảng 6 năm (1982 - 1988); Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) 3 năm (1988 - 1991); Thủ tướng Chính phủ 5 năm (1991 - 1997). Khi nhận nhiệm vụ, đồng chí bắt tay ngay vào công việc của mình. Trước nhất là sắp xếp bộ máy, nhân sự; sắp xếp 18 bộ và ủy ban nhà nước, 14 tổng cục và cơ quan tương đương, lập 8 bộ mới theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Với 71 cơ quan đơn vị đầu mối, giảm bớt 19, còn 52 đầu mối.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà hùng biện, ở góc độ đối nội, đối ngoại đều mạnh dạn tuyên truyền thuyết phục, cảm hóa, vừa lôi cuốn, vừa phê phán đấu tranh. Đồng chí nói: “Nếu thụ động trên cho phép tới đâu, dưới làm tới đó, hài lòng là nghiêm túc, nhận thức như vậy, tôi cho là không đủ trách nhiệm”.

Đồng chí rất quan tâm đến đối ngoại, đi hội nghị kinh tế thế giới, thăm các nước, đồng chí tranh thủ giới thiệu thành tựu, thắng lợi đổi mới bước đầu, kêu gọi các nước ủng hộ. Đồng chí phê phán chính sách bao vây cấm vận đã “lỗi thời”, một dân tộc nhiều năm bị chiến tranh nghèo khó, cấm vận là “thiếu công bằng”, là không phù hợp.

Bài học đổi mới

Đồng chí Võ Văn Kiệt được người đương thời đánh giá là chỉ đạo sâu sát, am hiểu thực tiễn, cầu thị lắng nghe, linh hoạt đối phó, ngoài ra đồng chí mạnh dạn rút ra bài học kinh nghiệm sát đáng trong lãnh chỉ đạo. Đó là 5 bài học rất quý báu về đổi mới. Đồng chí xác định:

- Trước hết, “người để lại cho tôi về cải cách là Bác Hồ. Những tư tưởng của Bác đang dẫn dắt chúng ta trong sự nghiệp
ngày nay”.

- Thứ hai là trách nhiệm. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: Chính phủ không phải là nơi có chức, có quyền để mưu cầu lợi ích riêng, trước hết là phục vụ nhân dân đầy đủ trách nhiệm.

- Vấn đề thứ ba, “đổi mới không phải là hoàn toàn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”.

- Thứ tư, về toàn dân đoàn kết chung lo xây dựng đất nước: “Đất nước này, dân tộc này không của riêng ai, không phải anh làm cho tôi hay tôi làm cho anh, mà chúng ta cùng làm cho sự giàu mạnh của đất nước, của dân tộc”.

- Vấn đề thứ năm là mối quan hệ quốc tế: “Chúng tôi muốn mở rộng các mối quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, tôn trọng sự độc lập chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi”.

Bài học kinh nghiệm đọc qua hiểu như bản tuyên ngôn đầy sức sống, động viên mỗi người đoàn kết chung tay xây dựng quê hương, giàu mạnh.

Kết quả, ảnh hưởng

Thành quả đổi mới ban đầu là đưa nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng vươn lên phát triển mỗi năm GDP tăng 9%, xóa sự quan liêu bao cấp; tiến tới hội nhập hợp tác và phát triển. Từ thu không đủ chi, lạm phát chỉ còn 70%. Từ chỗ gạo không đủ ăn, tiến tới xuất khẩu đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người 180 - 200 USD tặng lên 300 USD/năm. Xóa bao vây cấm vận, các nước hợp tác đầu tư 30 tỷ USD (10 năm từ 1987 - 1997).

Đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khẳng định: “Anh Võ Văn Kiệt là người năng động, luôn luôn suy nghĩ tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói anh là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình”.

Tuyên bố của Liên hiệp quốc (ông Ban Ki-moon): “Ông Võ Văn Kiệt đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”.

Sau cùng, thay lời kết, tác giả xin nêu lời nhà bình luận thế giới Jean Claude Pomonti: “Ông Võ Văn Kiệt là một trong những chân dung nổi tiếng nhất của nhà đổi mới chủ chốt trong lịch sử đương đại gần đây của Việt Nam, khi ông làm Thủ tướng Chính phủ (1991 - 1997). Ông đã thúc đẩy cải tổ các cơ chế, bộ máy của Việt Nam, khuyến khích đầu tư, mở cửa của Việt Nam ra quốc tế”.

Tháng 10/2022

Theo tài liệu:

- Võ Văn Kiệt - Tiểu sử NXB Chính trị quốc gia

- Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa (NXB Trẻ)

- Võ Văn Kiệt - Vị Thủ tướng trọn đời vì nước vì dân (NXB Lao Động)

- Chất ngọc Võ Văn Kiệt (NXB Trẻ)

 

 

Các tin khác: