Hào hùng trang sử Nam Kỳ khởi nghĩa

Cập nhật, 23:47, Thứ Tư, 23/11/2022 (GMT+7)

 

Tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Ngày 1/5/1930 tại ấp Phú Tiên, xã Trung Ngãi (nay là ấp Phú Ân, xã Trung Nghĩa) Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Vũng Liêm được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Trá làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Ngọ làm Phó Bí thư Chi bộ. Từ đây, các phong trào cách mạng, phong trào yêu nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả vì mục tiêu chống giặc, giành độc lập tự do cho dân tộc, mang lại hòa bình, no ấm cho nhân dân.

Chi bộ hoạt động tại lò rèn của ông Phan Văn Khuê (thợ Khuê) và nhà ông Trần Văn Ngọ, chọn nơi đây làm địa điểm để hội họp bí mật và in ấn các loại tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Nơi đây thuận tiện cho đi lại bằng đường bộ và đường thủy sang ấp Hiệp Phú, xã Nhị Long, huyện Càng Long, Tỉnh ủy Trà Vinh. Thuận lợi cho đảng viên trong chi bộ qua lại, hoạt động an toàn.

Chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo phong trào cách mạng trong huyện là “đoàn kết toàn dân, thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng”, bước đầu đã tập hợp được số đông lực lượng, tạo cho lực lượng ý thức được vấn đề độc lập dân tộc, chuyền tay nhau tuyên truyền vận động, tổ chức cho nhân dân làm cách mạng, thành lập các tổ chức đoàn thể, tổ chức nhân dân tham gia biểu tình đòi “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đó là quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc, quyền được hưởng tự do và độc lập, nhằm tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân giác ngộ cách mạng thông qua giới thiệu sách báo yêu nước, tập luyện võ nghệ, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm, khơi dậy truyền thống yêu nước và chống thực dân phong kiến tay sai ở Vũng Liêm.

Bước sang giai đoạn 1936, do hoạt động của chi bộ trong thời gian này bị mật thám Pháp theo dõi, kiểm soát gắt gao, truy lùng bắt bớ, nên đầu năm 1937, chi bộ quyết định dời địa điểm đến ấp Trung Hòa, xã Trung Hiếu (nay là xã Trung An). Tại đây, ngày 14/7/1937 tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện Vũng Liêm đầu tiên, có mặt tham dự 47 đảng viên chính thức, 12 đảng viên dự bị, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tạ Uyên - Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ. Đại hội bầu ra BCH Đảng bộ huyện và bầu đồng chí Lê Quang Phòng làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Văn Ba và đồng chí Nguyễn Văn Đen làm Phó Bí thư Huyện ủy. Huyện ủy chỉ đạo đào nhiều hầm bí mật để hoạt động và ẩn nấp khi có mật thám Pháp truy lùng. Sau một thời gian hoạt động, để tránh sự phát hiện của mật thám Pháp và gián điệp chỉ điểm, Huyện ủy quyết định dời căn cứ lên gần đình Trung Hòa (cách địa điểm cũ khoảng 300m) cũng thuộc ấp Trung Hòa, đóng đến cuối năm 1939, làm nhiều hầm bí mật tại nơi đây bám trụ để chỉ đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Để chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 tại Huyện lỵ Vũng Liêm, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Huyện ủy quyết định di chuyển căn cứ đến đóng tại nhà bà Tư (mẹ của ông Ba Thiện) ở xóm Trà Khang, làng Trung Thành (nay là ấp Xuân Minh 2, xã Trung Thành). Nơi đây địa bàn thuận lợi, chỉ cách huyện lỵ 2km, dễ quan sát, nắm tình hình hoạt động của giặc Pháp, căn cứ rất an toàn cho việc trú ẩn, hội họp, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy. Đến cuối tháng 7/1940, đồng chí Lê Quang Phòng bị bọn mật thám theo dõi chỉ điểm, địch bắt đồng chí giải về Khám lớn Vĩnh Long, rồi Sài Gòn. Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Thị Hồng làm Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, tiếp tục lãnh đạo phong trào khởi nghĩa.

Huyện ủy đã gấp rút ra nghị quyết xây dựng tổ chức cơ sở, thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương, tập hợp đoàn kết dân tộc để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa năm 1940. Trong đó, chủ yếu là đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, các tổ chức quần chúng của Đảng, các ủy ban hành động đi diễn thuyết, hiệu triệu vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương. Huyện ủy đã tổ chức một cuộc mít tinh tại khu vực Đìa Chảo, ấp Trung Hòa, xã Trung Hiếu (nay là xã Trung An) có trên 300 người đến dự để nghe phát động phong trào cấp ruộng đất cho nông dân, về thanh niên phản đế, về tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình nhằm tạo lòng tin rộng khắp trong nhân dân. BCH Huyện ủy chỉ đạo chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đánh đổ thực dân và phong kiến tay sai; chuyển từ hoạt động công khai sang bí mật, chống mật thám, giữ vững cơ sở cách mạng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho cuộc khởi nghĩa năm 1940. Đến 1940, Huyện ủy Vũng Liêm đã tập hợp và tổ chức xong các đoàn thể quần chúng như hội nông dân, thanh niên và phụ nữ, với khoảng 900 người, phần lớn đều phát huy được vai trò làm hạt nhân trong các phong trào cách mạng. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra tại huyện Vũng Liêm được lực lượng khởi nghĩa chia thành 3 mũi. Đúng 12 giờ đêm 22/11/1940:

Mũi thứ nhất: Tấn công vào quận lỵ Vũng Liêm, do đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Bí thư Huyện ủy và Phan Văn Ba, Út Tao chỉ huy. Lực lượng 80 người có cả du kích, quần chúng nhân dân ở 2 làng Trung Thành, Trung Hiếu tham gia đánh vào dinh quận và đồn lính Mã Tà, nhà bưu điện, trại giam. Khi có lệnh, tất cả xông vào đánh chiếm mục tiêu chủ yếu dinh quận, trại lính. Khi hoàn thành nhiệm vụ, phái một đơn vị hỗ trợ xã Trung Ngãi đề phòng quân địch từ TX Trà Vinh tiếp viện. Trước khí thế sôi sục của quân ta, binh lính và Quận trưởng Hải hoảng sợ chạy trốn, không dám chống cự, lực lượng khởi nghĩa thu 5 khẩu súng, thiêu hủy hồ sơ và đốt dinh quận. Chỉ trong 90 phút, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm toàn bộ quận lỵ Vũng Liêm và làm chủ trong 8 giờ liền. Lần đầu tiên cờ cách mạng tung bay ở quận lỵ Vũng Liêm.

Mũi thứ hai: Có 30 người, do các đồng chí Nguyễn Văn Nhung (Ba Kỳ Lô), Phạm Ngọc Yến, Trần Văn Viên phụ trách, hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm đồn Trung Ngãi, phá hủy cầu Mây Tức, cầu Giồng Ké, cưa cây cản giao thông ngăn chặn địch, làm chủ tình hình, chủ động đánh quân chi viện từ Trà Vinh lên.

Mũi thứ ba: Có 100 người, do đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt), Hồ Chí Thiện (Năm Tép) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh đồn và phá khu vực phà Bắc Nước Xoáy (đục chìm các chiếc bắc đưa xe qua lại). Cắt đứt đường dây thép, ngăn chặn đường chi viện của địch từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm. Đúng 12 giờ đêm 22/11/1940, quân ta nổ súng tiến công, đánh chiếm được bến phà. Sau đó, vượt sông, chiếm đồn Nước Xoáy (xã Hòa Hiệp - Tam Bình) diệt 5 tên địch và thu 3 khẩu súng, đục thủng 2 chiếc phà qua sông Măng Thít, cắt dây thép, cắt đứt giao thông từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đốc và Lê Văn Tú chỉ huy khởi nghĩa ở làng Hồi Luông, bao vây tề xã và treo cờ cách mạng, họp mít tinh mừng thắng lợi. Quân khởi nghĩa kéo đổ hàng chục cây cột điện và đốn cây quanh bên đường làm chướng ngại vật trên lộ chặn đường chi viện của địch. Thừa thắng xông lên, du kích các xã Hiếu Thành và Quới Thiện, Ngã tư Nhà Đài bám trụ đánh địch. Tại quận lỵ Vũng Liêm cũng như các làng Quới Thiện, Trung Thành, Trung Ngãi, Hiếu Thành, Hồi Luông... cùng nhân dân khởi nghĩa thắng lợi làm chủ tình hình, giải tán bộ máy tề ngụy, làm chủ xóm, ấp.

Sáng 23/11/1940, địch điều lính từ Trà Vinh về và từ Vĩnh Long xuống chi viện cho quận lỵ Vũng Liêm. Ban Chỉ huy Khởi nghĩa Vũng Liêm phát hiện được âm mưu, cử tổ du kích phá cầu Mây Tức và chặn đường tiến của quân Pháp. Lực lượng khởi nghĩa chiến đấu rất dũng cảm, song do lực lượng quá chênh lệch, nhằm bảo toàn lực lượng, ban chỉ huy khởi nghĩa ra lệnh rút quân về đồng Cà Dăm (làng Trung Hiếu). Tại đây, ta vừa tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng vừa phục kích đánh địch và chuẩn bị lực lượng, chờ lệnh mới. Sau gần 1 tháng, ta chia nhỏ lực lượng, tỏa về các địa phương để hoạt động.

Sau thắng lợi Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, toàn huyện bị chúng bắt 457 người, có 159 người bị tù đày ra Côn Đảo, Bà Rá; đốt 302 căn nhà của dân và 37 người bị chúng giết chết... Pháp cũng ráo riết chỉnh đốn bộ máy chính quyền từ tỉnh xuống huyện và xã. Tiến hành các cuộc khủng bố trắng trong toàn tỉnh, trong đó có Vũng Liêm, làm cho phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Đến cuối năm 1940 đầu năm 1941, phần lớn cơ sở đảng trong tỉnh bị đánh phá và bị thiệt hại nặng, trên 700 cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng bị sa vào tay giặc, trong đó có các đồng chí trong BCH Tỉnh ủy Vĩnh Long và liên Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, địch không thể dập tắt được ngọn lửa cách mạng trong lòng nhân dân, hình ảnh những chiến sĩ cách mạng với gậy gộc, dao mác đánh đuổi giặc, dũng cảm xông lên tiêu diệt quân thù, là hình ảnh hào hùng đã in sâu vào tâm trí của nhân dân, nhân dân vẫn tin tưởng vào Đảng và cách mạng.

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, giặc Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. Trước tình hình trên, Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy quyết định điều chuyển địa bàn công tác đồng chí Nguyễn Thị Hồng, đồng chí Võ Văn Kiệt được rút về vùng U Minh - Rạch Giá để tiếp tục hoạt động cho đến sau này, đi đến ngày thắng lợi.

Thạc sĩ ĐOÀN VĂN CANG

(Trung tâm Chính trị Vũng Liêm)