Tìm hiểu về bí danh "Sáu Dân" của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt

Cập nhật, 13:43, Thứ Sáu, 11/11/2022 (GMT+7)

Đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người con ưu tú của đất nước và quê hương Vĩnh Long, nhà lãnh đạo tài năng, kiên trung, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, từ khi còn tham gia đấu tranh các phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long cho đến khi giữ cương vị đứng đầu Chính phủ, cuộc đời Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng ngời về một nhân cách cao đẹp, quyết đoán mà bao dung, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một lòng vì dân vì nước.

Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ông có nhiều bí danh. Với ông, mỗi bí danh đều mang một ý nghĩa và thông điệp riêng…

Là người con út - thứ chín trong gia đình có 8 anh chị em, nên nhiều người thân thuộc, bà con ở ấp Bình Phụng vẫn thường gọi với cái tên Chín Hòa (Phan Văn Hòa). Từ nhỏ, ông đã sống xa mẹ. Và khi mẹ đau yếu, ông không có thời gian bên cạnh chăm sóc, nên sự ra đi của người mẹ là sự hụt hẫng, mất mát không gì bù đắp được đối với ông. Ông cảm thấy nhớ và thương yêu mẹ mình hơn bao giờ hết, ông muốn hình ảnh người mẹ sẽ đi theo suốt cuộc đời của mình. Chính vì vậy, khi tham gia cách mạng, ông lấy họ Võ của mẹ và cái tên Võ Văn Kiệt từ đó đã được dùng như tên chính thức của ông.

Biệt danh đầu đời mà ông Võ Văn Kiệt được tổ chức đặt cho đó là cái tên “Năm Lục Lạc”, do cô Tư Hồng (Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm) - người lãnh đạo vừa là người đồng chí và cũng là người mà ông xem như người chị ruột của mình. Do thấy ông nhỏ tuổi, vui tính, hay nghịch, đi đến đâu là cười giỡn đến đó. Chị Hồng thứ tư (Tư Hồng) xem Võ Văn Kiệt như đứa em ruột thứ năm của mình. Biệt danh Năm Lục Lạc có từ đó và chỉ tồn tại thời gian ngắn trong giai đoạn 1940 – 1945.

Ngoài ra, ông còn một số bí danh khác như Chín Dũng, Tám Thuận trong giai đoạn 1959 - 1970. Bí danh Chín Dũng trùng với cái tên Phan Chí Dũng - đó là kết quả của mối tình đầu tiên của ông với bà Trần Kim Anh một người con gái xinh đẹp, nết na mà ông hết mực thương yêu. Con trai đầu lòng của ông sinh năm 1951 nhưng tới 4 năm sau hai cha con mới được gặp nhau vì thời điểm này ông phải tập kết ra Bắc. Sự trông chờ, nhớ thương của người cha luôn dành cho con, nên ông đã lấy bí danh Chín Dũng. Hay cái bí danh Tám Thuận xuất phát từ tình hình Quân khu 9 lúc bấy giờ rất khó khăn, phức tạp nhất là vấn đề đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Cuối năm 1970 khi được điều về làm Bí thư Khu ủy, ông lấy bí danh Tám Thuận cùng với đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Chín Hòa) với mong muốn anh em tất cả sẽ hòa thuận, đoàn kết và tình hình sẽ tốt lên…

Đặc biệt trong nhiều bí danh có lẽ cái tên Sáu Dân được nhiều người biết hay gọi nhất. Cái tên (anh Sáu Dân, chú Sáu Dân, bác Sáu Dân…) mà tất cả đồng chí, đồng nghiệp, các thế hệ con cháu hôm nay muốn được nhắc tới muôn đời với sự thân thuộc, gần gũi, ngưỡng mô, kính yêu.

Tuy nhiên, có một ít người chưa hiểu đầy đủ về cái bí danh “Sáu Dân” quá nhiều ý nghĩa này và cũng có những thắc mắc tại sao không phải “Chín Dân”? mà “Sáu Dân”?

Là một người từ nhỏ phải sống nhờ vào tình thương yêu bảo bộc của người thân và bà con xóm làng, khi thoát ly gia đình tham gia cách mạng trong những giai đoạn khó khăn nhất, nguy hiểm nhất ông đều được nhân dân một lòng, một dạ giúp đỡ, cưu mang, chăm sóc. Những ân tình của nhân dân đối với ông quá nhiều sâu nặng mà ông không bao giờ quên. Chính vì vậy khi đứa con gái đầu tiên được sinh ra mặc dù bà Trần Kim Anh có chủ ý đặt tên Phan Thị Ngọc Hạnh nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt lại muốn đặt tên là Phan Thị Hiếu Dân… Qua đó càng thấy được chữ “Dân” quan trọng đối với ông như
thế nào!

Trở lại bối cảnh cách mạng miền Nam Việt Nam sau 1973, khi đồng chí được điều động về công tác ở Trung ương Cục với chức vụ Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam phụ trách Thường trực và binh vận. Trong tình hình “dầu sôi, lửa bỏng” khi địch phá hoại Hiệp định Paris, ngang nhiên càn quét, lấn chiếm, bình định cấp tốc, nhằm thu hẹp địa bàn giải phóng, tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Mệnh lệnh tối cao của cách mạng miền Nam lúc này là “giữ đất, giữ dân”. Hơn ai hết, Võ Văn Kiệt là người đi sâu sát, nắm rõ và nhận định đúng tình hình và ông đã có những chỉ đạo quyết đoán đầy bản lĩnh, với câu nói nổi tiếng “Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”. Vì vậy với ông, chữ “Dân” ngay trong thời điểm này là cực kỳ nhạy cảm và là yếu tố sống còn đối với con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta. Bí danh “Sáu Dân” cũng xuất phát trong thời điểm lịch sử này.

Chữ “Dân” cũng chính là tên mà đứa con gái ông hết mực thương yêu (Hiếu Dân). Còn tại sao lại là “sáu” mà không phải “chín”. Ông giải thích, thứ sáu là nói về người chị ruột thứ sáu của mình (chị Phan Thị Diệu), người chị mà ông luôn kính trọng, vì từ nhỏ đã thay mẹ chăm sóc đứa em út, có lần còn dũng cảm nhảy xuống sông cứu mình thoát chết trong gang tất… Ông đã lấy tên thứ sáu để luôn nhớ về người chị thân yêu của mình.

Bí danh “Sáu Dân” thật ý nghĩa, tròn đầy với ông, với gia đình, với cách mạng và với mọi người, cái bí danh đã hòa thành tên chung để tất cả người dân Việt Nam ngưỡng vọng. Bởi, ông “Sáu Dân” đã sống, đã cống hiến cả một đời mình cho cách mạng, một lòng vì nước, vì dân.

DUY DẪN