Đề xuất bổ sung biển số xe qua đấu giá vào thu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng

09:11, 07/11/2022

Do biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản, có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng, đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá vào thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe.

 

Do biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản, có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng, đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá vào thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá ngày 7/11, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) cho biết, biển số trúng đấu giá được xác định là một tài sản cố định, được phép giao dịch dưới hình thức chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế kèm theo ô-tô đang đăng ký biển số đó.

Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết còn thiếu các quy định liên quan việc xác định giá trị tài sản, mức thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ khi chủ sở hữu thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế đối với tài sản đặc thù.

Theo đại biểu, thực tiễn thời gian tới có thể xảy ra trường hợp giá trúng đấu giá của biển số xe ô-tô cao hơn giá trị của chiếc xe đang đăng ký biển số đó khi thực hiện chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế. Bởi việc đã xác định đây là tài sản cố định thì khi chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, pháp luật hiện hành quy định phải xác định giá trị tài sản đó để quy ra mức thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ mà những người thực hiện giao dịch phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Do vậy, đại biểu Khang Thị Mào kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc định giá để xác định mức thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi có sự chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá kèm theo xe ô-tô đang đăng ký biển số đó.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nhấn mạnh do biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản, có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng, nên cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá vào thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe.

Quy định này nhằm bảo đảm công bằng xã hội, tránh các hành vi lợi dụng, trục lợi khi kê khai tài sản, kê khai lệ phí trước bạ khi đăng ký xe, kê khai thu nhập của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

Phân chia hai cấp ngân sách từ nguồn thu thông qua đấu giá

Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) chỉ ra rằng, trong dự thảo Nghị quyết không đề cập đến phân chia nguồn thu cho nên số thu sẽ về ngân sách Trung ương 100%.

Theo đại biểu, nguồn thu từ đấu giá quyền chọn biển số nên phân chia hai cấp ngân sách trung ương và địa phương theo tỷ lệ 60-40.

“Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá chọn biển số sẽ vui hơn khi biết được số tiền mình nộp cho ngân sách sẽ được điều tiết một phần về địa phương, tức là sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của quê hương nơi mình đang sinh sống” - đại biểu Thịnh nói.

Đại biểu cho rằng, điều này cũng công bằng giữa các địa phương, nơi đăng ký nhiều xe thì nhu cầu đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn giao thông lớn hơn. Việc phân chia hai cấp ngân sách cũng là cách thức để khoản thu này được tăng tính minh bạch.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị trong dự thảo Nghị quyết quy định phân bổ theo hướng 70% nộp ngân sách Trung ương và 30% nộp ngân sách của địa phương.

Đề xuất áp dụng giá khởi điểm ở mức thấp hơn

Về mức giá khởi điểm của một biển số ô-tô đưa ra đấu giá, đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành việc áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm chung trên toàn quốc như đề xuất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô-tô là rất khó, vì biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau. Đây cũng chính là điểm khác biệt với quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 (40 triệu đồng) và Vùng 2 (20 triệu đồng) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2.

Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng. Con số này cũng nhận được sự nhất trí của nhiều đại biểu.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp hơn, qua đó thu hút nhiều người dân hơn quan tâm và tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn không phải là biển số “đẹp” (vì khái niệm “đẹp” tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền) mà để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô-tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.

“Làm như vậy sẽ thực hiện được mục tiêu đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời thu hút đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước” - đại biểu Cầm cho hay.

Theo VĂN TOẢN/NDO

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh