Thơ chúc Tết mừng Xuân năm Dần của Bác Hồ

Cập nhật, 05:56, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận Biên giới (Thu Đông năm 1950).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận Biên giới (Thu Đông năm 1950).

Thế kỷ XX có hai năm Dần, Canh Dần và Nhâm Dần. Hai bài thơ chúc Tết- mừng Xuân năm Dần của Bác Hồ là hai bài thơ chúc Tết- mừng Xuân ở hai năm Dần khác nhau, hai thời điểm, hai thời kỳ của hai cuộc kháng chiến cứu nước chống kẻ thù xâm lược của toàn dân tộc ta. 

Năm mới Canh Dần- 1950 đến giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược Pháp quyết liệt, chuẩn bị chuyển giai đoạn, Bác chúc đồng bào cả nước:

Kính chúc đồng bào năm mới

Mọi người càng thêm phấn khởi

Toàn dân xung phong thi đua

Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới

Chuyển mau sang tổng phản công

Kháng chiến nhất định thắng lợi 

Do nắm chắc tình hình thực tế cả ở tiền tuyến và hậu phương, cảm nhận nhạy bén và sâu sắc hiện thực, nắm vững quy luật phát triển cùng với những dự tính chính xác và sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, Bác chúc đồng bào năm mới “Mọi người càng thêm phấn khởi”.

Chữ càng trong lời chúc vừa như khẳng định vừa như đoán định, mừng cái đã đạt được vần mở ra cái sẽ đến. Quả là từ chiến thắng Việt Bắc Thu- Đông 1947 đến năm 1950, cuộc kháng chiến đã vượt qua bao thử thách cam go, toàn quân toàn dân đồng tâm hiệp lực, chiến đấu anh dũng, chắc chắn năm 1950 sẽ thu nhiều thắng lợi, Mọi người càng thêm phấn khởi là vậy.

Lời chúc năm mới Canh Dần- 1950 của Bác cũng đồng thời là lời nhắc nhủ, lời chỉ dẫn tập trung cho hai nhiệm vụ trọng tâm của năm và của thời gian tiếp theo là Toàn dân xung phong thi đua và đẩy mạnh chuẩn bị Chuyển mau sang tổng phản công.

Bác là người đề xướng, là kiến trúc sư phong trào thi đua ái quốc và đưa phong trào vào quần chúng sâu rộng. Ngày 1/6/1948, Bác ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Thi đua Ái quốc ở Trung ương và các cấp, ngày 11/6/1948 Bác ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Năm 1949, trong bài thơ Chúc Tết Kỷ Sửu- 1949 Bác chúc “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Năm 1950, một lần nữa, Bác nhấn mạnh, Bác kêu gọi, Bác động viên Toàn dân xung phong thi đua.

Thi đua ái quốc đã trở thành một động lực, một quy luật tất yếu để giành thắng lợi, lập những chiến công. Một khi lòng yêu nước của mỗi người, được khơi dậy đúng lúc thì chính nhân dân là nhân tố, là nguồn sức mạnh vạn năng tạo nên những thắng lợi to lớn cho dù hoàn cảnh, tình thế, điều kiện lịch sử khó khăn đến mấy.

Năm 1950, để đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới Chuyển mau sang tổng phản công, Bác và Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân toàn dân tiến công mạnh mẽ trên các mặt trận và đã thu nhiều thắng lợi.

Ở hậu phương phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến trường; về chính trị và ngoại giao, từ chiến khu Việt Bắc, Bác bí mật đi thăm Trung Quốc và Liên Xô từ tháng 1- 3/1950 để gặp gỡ trực tiếp các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và chính phủ hai nước, bàn bạc, trao đổi và hội đàm chính thức về việc giúp đỡ, chi viện cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Kết quả Trung Quốc và Liên Xô công khai ủng hộ cách mạng Việt Nam và cùng chuẩn bị cho sự kiện quan trọng thiết lập quan hệ nhà nước hai nước với Việt Nam; về quân sự, tháng 6/1950, Bác và Trung ương quyết định mở Chiến dịch Biên giới (tức chiến dịch Cao- Bắc- Lạng).

Ngày 16/9/1950 quân ta nổ súng mở màn chiến dịch. Ngày 17/10/1950, kết thúc chiến dịch quân ta tiêu diệt hoàn toàn hai binh đoàn tinh nhuệ của địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, giải phóng một vùng biên giới dài rộng với 30 vạn dân, nối liền nước ta với các nước anh em xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Biên giới mở ra một bước ngoặt từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chính quy, đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về tư tưởng quân sự và trình độ tác chiến tập trung của quân đội, đưa cuộc kháng chiến vào giai đoạn mới, giai đoạn quân đội ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, chủ động tiến công với quy mô lớn và phản công giành thắng lợi cuối cùng.

Và không lâu, chỉ sau gần 4 năm, đầu năm 1954 quân và dân ta đã làm cuộc tổng phản công ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Khi lá cờ Quyết chiến quyết thắng mà Bác trao cho quân đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ ca-xtơ-ri, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã chấn động địa cầu, đã làm xoay chuyển hoàn toàn cục diện chiến tranh, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Genève kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, anh dũng và vẻ vang của quân và dân ta đúng như lời Chúc năm mới- 1950 của Bác: Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Năm 1962, thế giới có nhiều chuyển biến. Ở nước ta, miền Bắc thi đua thực hiện năm thứ hai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961- 1965 “Phấn đấu bước đầu cơ sở vật chất- kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ III); miền Nam đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, anh dũng trên tuyến đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tết Nhâm Dần- 1962 đến trong sự hồ hởi của toàn dân, Bác chúc:

Năm Dần, mừng xuân thế giới,

Cả năm châu phất phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,

Sức triệu người hơn sóng Biển Đông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,

Hòa bình thống nhất quyết thành công.

Bác mừng thế giới, Bác chúc hai miền.

Bác chúc miền Bắc: Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi/ Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong. Vẫn xuất phát từ tư tưởng lớn, từ nguồn mạch thi đua cuồn cuộn về phía trước, liên tục không ngừng không nghỉ, ngày càng rầm rộ, nổi lên những đỉnh cao điển hình: Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất.

Đây là những bông hoa tươi thắm rực rỡ, trong vườn hoa nhiều sắc hương, đua nở cả bốn mùa của phong trào thi đua ái quốc mà Bác biểu dương.

Bác chúc miền Nam: Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới/ Sức triệu người như sóng Biển Đông. Những năm 60, đế quốc Mỹ điên cuồng ào ạt đưa quân vào miền Nam hòng đè bẹt cách mạng miền Nam, tiếp tục chia cắt nước ta nhưng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, phong trào đồng khởi như nước vỡ bờ lan rộng toàn miền cả ở thành thị, nông thôn và miền núi.

Để đối phó, Mỹ- Diệm tập trung lực lượng tiến hành dồn dân lập ấp chiến lược theo kế hoạch Stalây- Taylo nhưng chúng đã thất bại với “Sức triệu người như sóng Biển Đông, tính đến cuối năm 1962, quân và dân miền Nam đã phá tan 2.665 trong tổng số 4.000 ấp chiến lược, tiêu diệt 60 ngàn tên địch tạo thế và lực cho việc đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” trong năm 1963, 1964 và lần lượt đánh thắng các chiến lược “chiến tranh phá hoại”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, giang sơn quy về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn tất cả vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Hiện thực đã đến đúng như lời Bác chúc: Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/ Hòa bình thống nhất quyết thành công.

Năm 1942, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác có bài thơ chúc Tết đầu tiên Mừng Xuân 1942. Từ năm 1946 đến năm 1969, gần như năm nào (ngoại trừ năm 1955, 1957, 1958) Bác đều có thơ chúc Tết- mừng Xuân.

Dễ thường trên thế giới ít có lãnh tụ nào hàng năm chúc Tết- mừng Xuân đồng bào bằng thơ. Đây là một hiện tượng rất dân tộc, độc đáo. Mỗi bài thơ chúc Tết- mừng Xuân là tình cảm chân thành, trung hậu của Bác đối với đồng bào, đối với dân tộc, đối với con người; mỗi bài thơ của Bác là đường lối cách mạng cụ thể của một năm, một giai đoạn.

Nếu tổng hợp toàn bộ những bài thơ chúc Tết- mừng Xuân của Bác theo trật tự thời gian, thì một hiện tượng hết sức diệu kỳ hiện ra, đó là đường lối cách mạng của Đảng, của Bác qua những chặng đường cụ thể và đường lối cách mạng chung được thể hiện bằng hình thức giản dị, dễ hiểu.

Trong những bài thơ chúc Tết- mừng Xuân này, cái tình và đường lối cách mạng thẩm thấu, quyện chặt vào nhau, cũng như là tư tưởng, nhà chính trị và nhà thơ thống nhất là một. Đường lối nâng cái tình lên mức cao quý thiêng liêng, cái tình đưa đường lối đi vào quần chúng nhẹ nhàng, thấm thía.

Năm mới Nhâm Dần- 2022, đọc hai bài thơ chúc Tết- mừng Xuân Canh Dần- 1950 và Nhâm Dần- 1962 của Bác Hồ, chúng ta càng nhận rõ những gì đã qua vẫn còn để lại nguyên vẹn, đồng thời giúp ta ôn cố tri tân, ôn cũ để càng hiểu mới sâu hơn, càng thấm đẫm hòa quyện giữa truyền thống và hiện tại để đi tới tương lai tươi đẹp hơn.

PV (Tổng hợp)