Tập trung các giải pháp vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế

06:01, 31/01/2022

Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021 góp phần thiết thực đưa tỉnh Vĩnh Long trở lại trạng thái bình thường mới.

 

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm tiếp xúc cử tri tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long

(VLO) Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021 góp phần thiết thực đưa tỉnh Vĩnh Long trở lại trạng thái bình thường mới. Trước thềm năm mới, Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về những kết quả đạt được trong năm 2021 và giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2022.

*Trong năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và đời sống người dân. Tỉnh Vĩnh Long đã rất nỗ lực thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ 4 và đạt những kết quả tích cực. Xin đồng chí đánh giá khái quát những nguyên nhân quan trọng giúp Vĩnh Long kiểm soát được dịch bệnh?

- Đồng chí Bùi Văn Nghiêm: Với sự lây nhiễm của biến chủng Delta, thời gian qua dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 lan rộng cả nước gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi hoạt động của đời sống.

Vĩnh Long là một trong những địa phương chịu nhiều tác động nặng nề của đợt dịch bùng phát lần này; đến nay Vĩnh Long đã kiểm soát được dịch bệnh. Nguyên nhân quan trọng giúp tỉnh nhà kiểm soát được dịch bệnh, đó là:

1. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế, các bệnh viện của Trung ương, trực tiếp là lực lượng y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương.

2. Sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu. tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, vai trò giám sát của người dân, tổ COVID cộng đồng.

3. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Khi tổ chức thực hiện, xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K + vắc xin.

4. Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo vận động, thuyết phục và kêu gọi người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, xem công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ mình, cho gia đình mình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

5. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, người khó khăn, lao động mất việc làm ổn định đời sống trong thời gian giãn cách xã hội.

6. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời, khắc phục hạn chế, khó khăn, bất cập và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm tiếp xúc cử tri tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm tiếp xúc cử tri tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp.

* Song song với công tác kiểm soát dịch bệnh, Vĩnh Long đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an sinh cho người dân kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều này có ý nghĩa quan trọng thế nào trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường mới thưa đồng chí?

- Đồng chí Bùi Văn Nghiêm: Sự xuất hiện làn sóng COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, với phương châm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, tỉnh Vĩnh Long phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2021, Vĩnh Long chỉ đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm kiểm tra trong ngày bầu cử.
Trong năm 2021, Vĩnh Long chỉ đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm kiểm tra trong ngày bầu cử.

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà và người dân Vĩnh Long đang sinh sống, học tập, làm việc ngoài tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp đoàn kết chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

- Mở đợt cao điểm vận động quyên góp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, trường học ủng hộ tiền, vật chất, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, bổ sung nguồn lực y tế để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người nghèo khó khăn trong tỉnh và người dân đang sinh sống, học tập, làm việc ngoài tỉnh đang gặp khó khăn ở vùng dịch; tổ chức đón và cách ly người từ địa phương khác về sau khi hết thời gian giãn cách xã hội.

Tổng cộng đã vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ kinh phí, nguồn lực, vật chất cho công tác phòng, chống dịch được trên 300 tỷ đồng.

- Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thời gian qua rất nhiều lực lượng tuyến đầu ngay ở cơ sở, mỗi địa bàn dân cư, nhiều đêm miệt mài tham gia phòng, chống dịch, đi chợ thay cung cấp hàng thiết yếu đến từng nhà, thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân dân.

- Nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng nhân ái đã có cách làm sáng tạo, thiết thực giúp đỡ cho người dân. Trong xã hội, nhiều tấm gương tiêu biểu làm việc quên mình vì nhiệm vụ thiêng liêng trong thời khắc cam go “sinh – tử” của cuộc sống; không chỉ người dân trong tỉnh, bà con ngoài tỉnh cũng hướng về quê hương với tinh thần “tương thân, tương ái”.

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Song với truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết một lòng đã và đang tạo ra niềm tin cho xã hội nhất định Vĩnh Long sẽ đạt được mục tiêu phòng, chống dịch, góp phần đưa tỉnh Vĩnh Long trở lại trạng thái bình thường mới.

* Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt được trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và những giải pháp tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong năm 2022 thưa đồng chí?

- Đồng chí Bùi Văn Nghiêm: Trong điều kiện bị ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2021 Vĩnh Long tập trung chỉ đạo và đạt được một số thành tựu:

1. Về kết quả thực hiện Nghị quyết năm 2021 của Tỉnh ủy

Năm 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh tuy có một số chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng những nỗ lực, cố gắng và hành động quyết liệt của hệ thống chính trị, với kết quả đạt được là đáng ghi nhận và có nhiều điểm sáng về ổn định kinh tế.

Thực hiện cả năm có 9/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu đề ra. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế đảm bảo lương thực, xây dựng xã nông thôn mới và đô thị văn minh có nhiều tiến bộ, hoàn thành mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công đạt khá.

Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, tỉnh tổ chức đón công dân ở các tỉnh trở về. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm thăm hỏi công dân Vĩnh Long vừa đón về từ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH THÁI (TL)
Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, tỉnh tổ chức đón công dân ở các tỉnh trở về. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm thăm hỏi công dân Vĩnh Long vừa đón về từ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH THÁI (TL)

- Những tháng vừa qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp sau thời gian giãn cách xã hội, Vĩnh Long đã kiểm soát tốt dịch bệnh ngoài cộng đồng, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được người dân, doanh nghiệp đồng tình thực hiện, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới chuyển nặng, tử vong tăng cao. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác phải quyết tâm cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch.

- Các hoạt động văn hóa xã hội được tổ chức theo hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; nhất là, tăng cường các hoạt động trực tuyến. Trong khó khăn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái của người dân, doanh nghiệp càng được phát huy, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được triển khai tích cực, hiệu quả, nhất là, kết nối với doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động mất việc làm sau đại dịch COVID-19. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm.

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tội phạm, tai nạn giao thông được kéo giảm.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Hoàn thiện và triển khai thực hiện nhiều chương trình thực hiện ba khâu đột phá Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt 4 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. 

Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình tốt tạo sức lan tỏa trong Đảng và xã hội. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.

2. Về nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh ủy

Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ biến chủng Omicron tiếp tục lan ra nhiều nơi trên thế giới, tác động biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khô hạn, xâm nhập mặn mức độ cao hơn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn bùng phát; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục khó khăn, giá đầu vào tăng, thiếu nguyên liệu, lao động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm tặng quà cho các em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm tặng quà cho các em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 2022 đề ra, Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phòng, chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của các ngành, các cấp trong năm 2022 phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của tình hình dịch, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân; nâng cao năng lực y tế xã, phường, thị trấn, tăng cường giám sát sức khỏe người dân, đảm bảo cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị và nguồn lực phòng, chống dịch.

Thứ hai, tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, có cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã và các tổ hợp tác.

Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, chú trọng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết năm 2022, huyện Bình Tân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có 100% các xã trong tỉnh, huyện Tam Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.

Thứ ba, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng thêm nguồn lực cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, ưu tiên chi đầu tư, phục vụ phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng khác.

- Hoàn thành việc lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng huyện. Triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Đông Bình, An Định, Bình Tân. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng: giao thông, đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nhất là các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, chào mừng các ngày lễ lớn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo. Chuẩn bị tốt các điều kiện đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại, gắn với bảo đảm an toàn, đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài; nghiên cứu có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Thực hiện tốt chính sách người có công, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm mới cho lao động sau đại dịch COVID-19, giảm nghèo đa chiều bền vững, hoàn thành mục tiêu cất mới 1.573 căn nhà cho đối tượng nghèo khó khăn về nhà ở; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân gắn với xây dựng thiết chế khu công nghiệp; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.

Tổ chức các hoạt động và lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và các ngày lễ quan trọng khác trang trọng, thiết thực, an toàn; tiến hành lập quy hoạch Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế các xã, phường, thị trấn, tập trung hoàn thiện Đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long lên Bệnh viện hạng I sau năm 2022; tổ chức tiêm phòng vắc xin an toàn, hiệu quả.

Thứ năm, hoàn thành công tác gọi thanh niên nhập ngũ, huấn luyện, diễn tập. Triển khai các giải pháp đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kéo giảm tội phạm và tai nạn giao thông; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối thoại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra điểm nóng.

Thứ sáu, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự vững mạnh về tư tưởng, đạo đức, lối sống và tổ chức. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ 2025 - 2030; kiên quyết sàng lọc, xử lý cán bộ, đảng viên làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng về cơ sở, vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của người dân, khu dân cư, tổ COVID cộng đồng thực hiện và giám sát công tác phòng, chống dịch tại hộ gia đình, các khu dân cư.

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

 THANH TÂM (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh