Phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Vĩnh Long xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội theo lộ trình

Cập nhật, 18:24, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

Ông Lữ Quang Ngời Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long
Ông Lữ Quang Ngời Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

(VLO) Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đoàn thể đã chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Với chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội, Vĩnh Long cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng nhìn lại một năm “nhiều khó khăn, thách thức”, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm lớn của chính quyền và người dân chung sức đồng lòng đã góp phần cùng tỉnh thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- nhận định:

- Năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025 trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự xuất hiện của biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng trước đó và xảy ra trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công tác phòng chống dịch COVID-19 được UBND tỉnh, các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; người dân, cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, chung tay cùng Nhà nước phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.

* Thưa ông, việc kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong những tháng cuối năm đem lại nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng dịch bệnh đã tác động thế nào đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của cả năm?

- Ông Lữ Quang Ngời: Ngay khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát hiệu quả, tỉnh Vĩnh Long dần thích ứng an toàn, linh hoạt. Các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh được tỉnh triển khai, thực hiện thường xuyên, hiệu quả; sản xuất công nghiệp và thương mại đang dần phục hồi trở lại; các kênh phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản, tiêu dùng sau thời gian giãn cách xã hội đã được khai thông. Sản xuất nông nghiệp- thủy sản khá ổn định (tăng 1,76%), tiếp tục là nền tảng, trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trong điều kiện sản xuất công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ chịu tác động, suy giảm sâu (giảm lần lượt 1,36% và 3,51%) do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến 12/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. GRDP năm 2021 ước đạt trên 34.305 tỷ đồng, giảm 1,05% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng nhưng tốc độ còn chậm. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ sụt giảm mạnh trong quý III/2021 đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021. Thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán, đặc biệt là một số nguồn thu quan trọng.

* Trước những khó khăn, thách thức như vậy, tỉnh Vĩnh Long đã có những giải pháp gì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- thăm vùng khoai lang Bình Tân và sản xuất chế biến nông sản tại Công ty TNHH Đông Phát Food vào tháng 6/2021.
Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- thăm vùng khoai lang Bình Tân và sản xuất chế biến nông sản tại Công ty TNHH Đông Phát Food vào tháng 6/2021.

- Ông Lữ Quang Ngời: Tỉnh đã kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; triển khai miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, hỗ trợ tín dụng;... để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh ổn định trở lại và có mức tăng trưởng khá cao so với thời điểm dịch bệnh.

Song song đó, công tác khám, điều trị bệnh cho người dân được tập trung duy trì, các hoạt động phòng chống và điều trị bệnh cho người mắc COVID-19 đạt kết quả tốt. An sinh xã hội được chú trọng, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công được đầy đủ.

Hỗ trợ người dân, lao động gặp khó khăn do dịch bệnh được kịp thời, đúng đối tượng. Hoạt động giáo dục và đào tạo được triển khai thực hiện theo kế hoạch, tổ chức khai giảng năm 2021- 2022 chu đáo, đảm bảo cho tất cả học sinh có điều kiện tiếp cận các hình thức học tập trong điều kiện dịch bệnh.

* Vâng, với sự chủ động, hỗ trợ kịp thời đó đã góp phần đưa các hoạt động dần trở lại “bình thường mới”. Và trong lộ trình phục hồi, phát triển kinh tế, Vĩnh Long đã có những phương án, kế hoạch gì cho giai đoạn hậu COVID-19, thưa ông?

- Ông Lữ Quang Ngời: Vĩnh Long chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Theo đó, tỉnh xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế- xã hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát có sự phân chia theo từng lộ trình, giai đoạn cụ thể để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Đây là cơ sở để các đơn vị, từng địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, khống chế có hiệu quả dịch bệnh và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Hoạt động kinh doanh dần thích ứng bình thường mới.
Hoạt động kinh doanh dần thích ứng bình thường mới.

* Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm cũng như lộ trình phục hồi đó sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Lữ Quang Ngời: Chúng tôi nhận thấy rằng, cần cân bằng tối ưu giữa nhiệm vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, song cũng không hoang mang, mất bình tĩnh khi có dịch. Chống dịch và phát triển kinh tế phải chú trọng khía cạnh xã hội, tâm lý của người dân và phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh phải phù hợp với tình hình kiểm soát dịch địa phương, khu vực trên cơ sở đánh giá cấp độ nguy cơ, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin, số liệu giám sát dịch tễ và khả năng đáp ứng quy định của ngành y tế trong từng thời điểm nhất định; phù hợp với điều kiện của từng ngành, lĩnh vực, đối tượng cá nhân và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Từ quan điểm đó, lộ trình mở cửa khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 30/11- 31/12/2021): Các cấp, các ngành triển khai các kế hoạch, phương án khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với cấp độ nguy cơ ở từng địa bàn.

Giai đoạn 2 (từ 1/1- 30/6/2022): Tỉnh cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh; 100% người lao động có tiêm vắc xin mũi 2. Giai đoạn 3 (sau ngày 1/7/2022): Mở rộng các hoạt động sản xuất, phục hồi hoàn toàn các hoạt động thương mại, dịch vụ.

* Cùng với những bước đi cụ thể như vậy, mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Ông Lữ Quang Ngời: Mục tiêu chung của tỉnh là chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh; kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

Đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi, phát triển kinh tế số, chuyển sang tăng trưởng xanh, đẩy mạnh cấu trúc lại nền kinh tế; rà soát tăng cường năng lực quản lý và năng lực thực thi chính sách của các cấp, các ngành trong tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Vĩnh Long kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội một cách linh hoạt, hiệu quả.

Cùng với các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, tỉnh chú trọng chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Tiến độ thi công các công trình giao thông được đẩy nhanh vào các tháng cuối năm. Ảnh: Tư liệu
Tiến độ thi công các công trình giao thông được đẩy nhanh vào các tháng cuối năm. Ảnh: Tư liệu

* Với khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi tính kịp thời để các chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn và mang tính khả thi cao, như vậy sẽ đặt ra những yêu cầu gì trong triển khai thực hiện, thưa ông?

- Ông Lữ Quang Ngời: Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới của Trung ương.

Trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nỗ lực cao nhất để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bên cạnh đó là cụ thể hóa và triển khai kịp thời, hiệu quả các Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội với trọng tâm là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, kết nối và không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo lực lượng lao động làm việc.

* Xin trân trọng cảm ơn ông! 

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)