Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.
Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia. Ảnh: TTXVN |
Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa và kết quả chính trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12/2021. Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước
Đây là chuyến thăm Vương Quốc Campuchia lần đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia cũng như tình cảm tốt đẹp của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia anh em.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Quốc vương Norodom Sihamoni cùng các vị lãnh đạo Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Campuchia đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn ta sự đón tiếp trọng thị với những nghi lễ cao nhất, cùng với tình cảm nồng hậu và thân tình, thể hiện sự coi trọng và ưu tiên cao của bạn đối với quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Campuchia và Việt Nam.
Chuyến thăm chỉ diễn ra trong hơn một ngày với chương trình rất phong phú, thực chất, gồm 16 hoạt động của Chủ tịch nước và các hoạt động của lãnh đạo một số bộ, ngành tham gia Đoàn. Thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao và trao đổi trực tiếp giữa các bộ, ngành, hai bên đã đạt được nhiều kết quả toàn diện và quan trọng:
Một là, chuyến thăm đã góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy giữa hai nước cũng như tình cảm gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, củng cố vững chắc nền tảng quan hệ và tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Hai là, lãnh đạo hai bên đã nhất trí cao về các chủ trương, biện pháp lớn nhằm tiếp tục đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; nhất là trong các lĩnh vực then chốt như quốc phòng, an ninh, hợp tác biên giới, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương... Trong dịp này, hai bên cũng ký 7 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, tư pháp, giáo dục, hợp tác biên giới và Biên bản của Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Campuchia.
Ba là, chuyến thăm là sự kiện khởi động cho “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam” để kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2022. Hai bên nhất trí thông qua chuỗi sự kiện trong khuôn khổ “Năm Hữu nghị" sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc gìn giữ và vun đắp cho quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai dân tộc, vì sự thịnh vượng của hai quốc gia, hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Bốn là, về hợp tác trong khuôn khổ đa phương, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là hợp tác trong ASEAN. Việt Nam ủng hộ tích cực và phối hợp chặt chẽ với Campuchia trong Năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia.
Năm là, trên tinh thần triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp, nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người người Khmer gốc Việt và doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia - điều này là nguồn khích lệ, động viên rất lớn đối với bà con trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Đồng thời, trong tất cả tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị bạn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng nâng cao địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Campuchia.
Nhìn chung lại, với các kết quả như trên, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia đã thành công hết sức tốt đẹp, góp phần quan trọng tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước.
Xin Thứ trưởng cho biết những phương hướng chính để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam- Campuchia trong thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Tại các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao Campuchia đã đạt được thống nhất cao về các phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới:
Thứ nhất, hai bên phối hợp triển khai hiệu quả các thoả thuận cấp cao, các hiệp định, văn kiện đã ký giữa hai nước, trong đó có các thoả thuận đạt được trong chuyến thăm lần này; tổ chức tốt các hoạt động trong khuôn khổ "Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022" để kỷ niệm 55 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thứ hai, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giữa hai nền kinh tế, trong đó có việc hoàn tất "Quy hoạch tổng thể Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030"; tích cực triển khai tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm và các dự án hợp tác trọng điểm, trong đó có các dự án đầu tư của ta tại Campuchia trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, viễn thông, ngân hàng...; thúc đẩy triển khai dự án đường cao tốc Bavet-Mộc Bài kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Phnom Penh; sớm ký kết Hiệp định Thương mại biên giới để tạo điều kiện cho hàng hoá hai bên tiếp cận thị trường của nhau; nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giáo dục-đào tạo…
Thứ ba là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia trong các vấn đề quốc tế và khu vực trong quá trình bạn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu đề ra./.
Theo BNG/Chinhphu.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin