Việc xây dựng luật phải bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Cập nhật, 16:46, Thứ Năm, 04/11/2021 (GMT+7)

Ngày 3/11/2021, Thường trực Ban Bí thư và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu Vĩnh Long.
Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu Vĩnh Long.

Theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Bộ Chính trị lưu ý: việc xây dựng, ban hành luật phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khắc phục tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”. Đồng thời, quan điểm xây dựng pháp luật có sự thay đổi căn bản, xác định trọng tâm là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thay vì phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được Bộ Chính trị thông qua, Đảng đoàn Quốc hội đã xác định 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện, 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021- 2026; thứ tự ưu tiên và các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi. Đề án là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng nhằm góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Tin, ảnh: BÙI THANH