Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật, 16:45, Thứ Hai, 08/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Ngày 8/11/2021, trong phiên thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có một số ý kiến về các báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: nghiên cứu thực hiện các chính sách an sinh xã hội một cách toàn diện và dài hạn

Trước những tác động lớn của đại dịch COVID- 19, đề nghị Chính phủ cần có cách tiếp cận mới, đánh giá một cách toàn diện và về lâu dài cần quan tâm một số vấn đề:

Thứ nhất là, quy hoạch, tạo cơ hội phát triển vùng miền nhất là những vùng khó khăn; xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực trong và ngoài nước, hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân tại địa phương; cần có giải pháp trong đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để người lao động được có việc làm phát triển cuộc sống ngay trên quê hương mình.

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng: hỗ trợ tương xứng với ảnh hưởng nặng nề và dài hạn của dịch bệnh; cân đối và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tránh dàn trải; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Song song đó, quan tâm tập trung ưu tiên, cân đối nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội một cách đầy đủ, kịp thời để thực hiện các chương trình tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững.

Thực tế, trong thời gian qua, mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.  

Thứ hai là, nghiên cứu thực hiện các chính sách an sinh xã hội một cách toàn diện và dài hạn hơn đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng như: nâng cao phúc lợi cho người già, những người yếu thế; tăng cường hỗ trợ lao động di cư từ các thành phố lớn.

Trong đó cần đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến quyền trẻ em và các mục tiêu trung, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em, làm cơ sở xây dựng các chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sau đại dịch. Đặc biệt hỗ trợ lâu dài trẻ em mồ côi do cha, mẹ mất do đại dịch.

Thời gian qua những trẻ mồ côi này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, tuy nhiên sự hỗ trợ về tiền và vật chất chỉ là giải pháp kinh tế tạm thời, giúp giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài cần có giải pháp toàn diện, đảm bảo sự phát triển của trẻ phải được đặt vào trọng tâm, được ưu tiên trong mọi chính sách.

Thứ ba là, định hướng giáo dục nghề đảm bảo cho người dân được tiếp cận với việc làm cơ bản; đẩy mạnh giáo dục trình độ cao để nâng cao về năng suất, thu nhập, sẵn sàng về lao động với kỹ năng nghề nghiệp gắn với thích ứng, an toan, linh hoạt và hiệu quả. Tạo điều kiện để lao động nữ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận việc làm vì đây là nhóm người dễ bị tổn thương hơn cả.   

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết và các chính sách phòng chống dịch COVID-19

Hiện nay đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực phía Nam dẫn đến tình trạng dịch chuyển lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về nông thôn.

Các tỉnh phía Nam đang đối diện với thực trạng dịch bệnh bùng phát ở mức độ cao và những thách thức lớn khi cùng lúc phải xử lý, giải quyết những vấn đề khó về kinh tế, y tế, giáo dục, lao động, việc làm… 

Từ thực tế trên, trước hết kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 và các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; ưu tiên phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó có nhiều người cao tuổi, phụ nữ và hơn 2.000 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ trong thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế, nghiên cứu rà soát cắt giảm những dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết, cân đối ngân sách, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhất là các địa phương khó khăn phải bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương.

Chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời (nhất là các chính sách tín dụng, phục hồi sản xuất).

Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế tài chính đặc biệt để tập trung huy động, phân bổ nguồn lực ưu tiên thực hiện những chính sách ưu đãi đặc thù hơn nữa cho lực lượng tuyến đầu của ngành y tế, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng để nâng cao năng lực đáp ứng toàn diện yêu cầu đảm bảo an toàn tín mạng, sức khỏe nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện chủ trương quy hoạch, liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, trân trọng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó ưu tiên cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với các giải pháp hỗ trợ nông dân khu vực đồng bằng giải bài toán khó về giá cả, chất lượng đầu vào nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ đang xuống cấp, các dự án đường bộ cao tốc tại ĐBSCL đang chậm tiến độ và triển khai sớm các dự án thủy lợi, công trình cống đập chống sạt lỡ bờ sông kết hợp với ngăn mặn trữ ngọt, giúp khu vực ĐBSCL phát huy được những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

TÂM THI (ghi)