Ban Chấp hành TƯ đã thống nhất trình Đại hội 13 số lượng khoảng 200 Ủy viên Trung ương, trong đó khoảng 180 chính thức và 20 dự khuyết.
Ban Chấp hành TƯ đã thống nhất trình Đại hội 13 số lượng khoảng 200 Ủy viên Trung ương, trong đó khoảng 180 chính thức và 20 dự khuyết.
Sáng 27/5, thông tin tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương đột xuất để thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 12, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất trình Đại hội 13 số lượng khoảng 200 Ủy viên Trung ương, trong đó khoảng 180 chính thức và 20 dự khuyết. Ủy viên Bộ Chính trị sẽ giữ như khóa 12, từ 17 - 19 người, Ban Bí thư từ 12 - 13 người.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 sẽ có 3 độ tuổi, số Ủy viên Trung ương dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15 - 20%, từ 50-60 tuổi có khoảng 70%, từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%. Trung ương cũng thống nhất tăng Ủy viên Trung ương ở các địa bàn, công tác trọng yếu, chú ý tăng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, tại Hội nghị Trung ương 12, bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác nhân sự, trong đó có 3 bất cập chủ yếu.
Thứ nhất, quy trình giới thiệu nhân sự BCH Trung ương có điểm còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò cấp ủy tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng trong giới thiệu nhân sự; chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đề cử hoặc cá nhân nhận đề cử tại Đại hội cũng như tại Hội nghị.
Chính điều này đã dẫn đến tình huống, những cán bộ không có trong phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí không trúng cử ở Đại hội cấp dưới nhưng lại trúng cử ở Ban Chấp hành Trung ương; hoặc không có trong phương án nhân sự Đại hội đã thông qua nhưng vẫn được giới thiệu, nhận giới thiệu và được bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là hạn chế lớn nhất Trung ương đã chỉ ra.
Thứ hai là công tác thẩm định đối với một số nhân sự còn thiếu chặt chẽ, chưa khoa học, cá biệt còn để sót, lọt những người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thậm chí không có trong phương án nhân sự vào Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị.
Thứ ba là hiện tượng vận động tranh thủ phiếu bầu, giới thiệu diễn ra khá phức tạp, từ khi làm quy trình nhân sự và ngay trước thềm Đại hội.
Như vậy là nhiều quy chế, nội quy của Đại hội chưa được thực hiện nghiêm túc. Đại biểu giao lưu, gặp gỡ khá nhiều, trong những cuộc giao lưu đó xuất hiện những nhân tố chưa từng xuất hiện, điều đó thể hiện việc chưa nghiêm túc hoặc tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của một số đại biểu chưa cao./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin