Tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế

05:05, 28/05/2020

Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ xã Tân Ngãi (nay là phường Tân Ngãi) đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng…

Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ xã Tân Ngãi (nay là phường Tân Ngãi) đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng…

Ông Phan Văn Chẩn phấn khởi giới thiệu mô hình hoa lan cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phan Văn Chẩn phấn khởi giới thiệu mô hình hoa lan cho hiệu quả kinh tế cao.

 “Điểm sáng” trong phát triển kinh tế

Đến khóm Tân Thuận An, chúng tôi được nghe người dân nơi đây kể chuyện “làm nông sao cho phù hợp với tình hình phát triển đô thị mà lại hiệu quả”.

Bên tách trà thơm tỏa khói, ông Phan Văn Chẩn- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khóm Tân Thuận An cũng là Tổ trưởng Tổ hoa lan- cho biết: Mấy năm trở lại đây, mô hình trồng hoa lan đang phát triển mạnh ở khu vực thành thị. Mô hình này không những góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân ít đất sản xuất mà còn tạo cảnh quan tươi đẹp.

Đưa chúng tôi tham quan vườn lan 700m2 của gia đình, bên những chậu hoa lan đang nở hoa rực rỡ sắc đỏ, vàng, ông giới thiệu: “Vườn lan này được trồng cách đây vài năm, chủ lực là loại Mokara. Trồng lan tuy chăm sóc cực nhưng giá cả ổn định.

“Mỗi lần cắt tùy theo nhu cầu ít nhiều khoảng 1.200- 2.000 cành. Mỗi cành hoa lan có giá từ 7.000- 9.000 đồng. Tính ra, từ vườn lan này, tui thu nhập mỗi tháng cũng gần chục triệu đồng”- ông nhẩm tính.

Tổ hợp tác hoa lan là một trong 9 tổ hợp tác sản xuất đang hoạt động có hiệu quả, thu hút gần 830 hộ nông nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, người dân còn phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập khả quan.

Đến thăm gia đình chú Lê Văn Ngon (khóm Tân Thuận An), chúng tôi không khỏi khâm phục lão nông giỏi làm ăn, biết tận dụng hiệu quả diện tích đất. Dù thu nhập trên 250 triệu đồng/năm từ 6 công nhãn Ido, bưởi da xanh nhưng chú vẫn phát triển thêm mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Chỉ với 200m2 nhưng chú trồng nào là rau muống, cải xanh, cải bẹ dún, xà lách…

Bên luống cải ngọt xanh mơn mởn, chú chia sẻ: “Mô hình này chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, công chăm sóc cũng không cực lắm mà cho hiệu quả khả quan.

Mỗi tháng thu được cũng khoảng 4- 5 triệu đồng. Theo chú, ở đô thị, gia đình nào cũng có thể làm một vườn rau nhỏ phù hợp với từng diện tích gia đình để có thêm thu nhập.

Nhiệm kỳ qua, “điểm sáng” trong phát triển kinh tế ở địa phương còn thể hiện rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, quy mô của các ngành thương mại- dịch vụ, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp năm sau cao hơn năm trước.

Các cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Các cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Các loại hình dịch vụ phát triển mạnh như ăn uống, giải khát, nhà trọ, nhà cho thuê... cùng với hơn 110 cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tuy mới đi vào hoạt động nhưng cơ sở gia công áo mưa của anh Nguyễn Anh Tuấn (khóm Tân Vĩnh Thuận) đã giải quyết việc làm cho hơn chục lao động thời vụ tại địa bàn. Hôm chúng tôi ghé thăm cơ sở của anh Tuấn, có gần chục lao động vừa làm việc vừa hỏi thăm nhau chuyện cuộc sống gia đình.

Tay thoăn thoắt đóng nón cho những chiếc áo mưa gần hoàn chỉnh, chị Nguyễn Thị Hà cho biết, công việc này cũng đơn giản nên mỗi ngày chị vô nón cho hơn 2.000 áo mưa. Gia đình chị không có ruộng vườn, chồng chị thì làm công nhân nên chị đi làm để kiếm thêm tiền nuôi đứa con đang ăn học. Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 150.000đ.

Còn cơ sở gia công thủ công mỹ nghệ của cô Đặng Thị Hiệp (khóm Tân Vĩnh Thuận) cũng góp phần giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Theo cô Hiệp thì từ nghề đan thảm, chậu, lục bình này chị em có thể làm để kiếm thêm thu nhập khoảng 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Ngoài mức thu nhập khá ổn định, chị em vẫn chủ động được việc gia đình, nhất là chăm sóc con cái…

Phát triển kinh tế là trọng tâm

Địa phương phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nấm bào ngư, nấm mèo, rau mầm baby.
Địa phương phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nấm bào ngư, nấm mèo, rau mầm baby.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Ngãi Phan Văn Đầy, nhiệm kỳ 2015- 2020, Nghị quyết Đảng bộ phường Tân Ngãi xác định kinh tế phát triển theo hướng thương mại- dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp theo hướng đô thị.

Trong chỉ đạo điều hành, Đảng bộ phường Tân Ngãi đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ phường Tân Ngãi đã tập trung lãnh đạo thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chủ yếu. Điển hình, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 42 triệu đồng/người/năm (đạt 105%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17 hộ (giảm 40 hộ so với năm 2015); kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội...

Cùng với đó, vận động các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đổi mới trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất... Từ đó, kinh tế phường phát triển năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả…

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa thương mại và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2020 là trên 1.966 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 10,69% (vượt 0,69%); quy mô tăng 66,13% so với năm 2015. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 trên 257 tỷ đồng; bình quân hàng năm tăng 6,10% (vượt 1,10%)…

Bên cạnh đó, Đảng bộ phường đã chỉ đạo thực hiện tốt sản xuất nông nghiệp và kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao và phát triển bền vững.

Song song với việc chú trọng thực hiện công tác phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập khả quan cho người dân như: trồng nấm bào ngư, nấm mèo, rau mầm baby, nuôi gà,…

Cùng với đó, các công trình giao thông nông thôn được duy tu, sửa chữa; các tuyến đê bao được khép kín 100% đảm bảo nước tưới tiêu cho đồng ruộng, vườn cây ăn trái và hệ thống giao thông thông suốt đảm bảo phục vụ nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi cả 2 mùa mưa nắng.

Hệ thống điện được chú trọng cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Đến nay, 100% hộ dân có điện trong bán kính cho phép; 100% hộ dân sử dụng nước sạch phổ thông…

Bí thư Đảng ủy phường Tân Ngãi cho biết: Nhờ vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước vào thực tế điều kiện của địa phương cùng với tinh thần đoàn kết, cần cù lao động của nhân dân mà kinh tế địa phương không ngừng phát triển, người lao động ngày càng có thêm việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo…

Song song với phát triển kinh tế, địa phương đã vận động cất và sửa chữa trên 30 nhà đại đoàn kết và vận động mạnh thường quân tặng trên 7.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho trên 3.000 lượt hộ vay vốn phát triển kinh tế, với tổng vốn vay ưu đãi trên 10 tỷ đồng...

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh