Đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông gắn với thủy lợi; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo- nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; xúc tiến tìm hướng liên kết tiêu thụ hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung. Đó là 3 khâu đột phá trong thực hiện chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện Trà Ôn những năm qua.
NGUYỄN THANH TRIỀU
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn
Đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông gắn với thủy lợi; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo- nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; xúc tiến tìm hướng liên kết tiêu thụ hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung. Đó là 3 khâu đột phá trong thực hiện chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện Trà Ôn những năm qua.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông gắnchặt với công tác thủy lợi. Trong ảnh: Hệ thống giao thông- thủy lợi ở xã Thuận Thới. Ảnh: HÙNG HẬU |
Huyện ủy Trà Ôn lãnh- chỉ đạo thực hiện một trong số các chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết năm 2019 với kết quả giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản ước đạt trên 3.590 tỷ đồng (100,5%); trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 3.304 tỷ đồng (100,9%).
Kinh tế nông nghiệp- nông thôn phát triển theo hướng tích cực; giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,79%; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng (trồng trọt chiếm 57,35%, chăn nuôi 34,41% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,24%).
Trà Ôn hiện có diện tích vườn cây ăn trái hơn 12.223ha; trong đó, cây cam sành có hơn 4.356ha và trong số đó có 3.142ha cam sành thâm canh trên đất lúa, tập trung ở các xã Thới Hòa, Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn, Tân Mỹ. Cam sành trên đất lúa là mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và tác động lan tỏa, được chính quyền và ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo.
Dù giá xuống thấp, cam sành vẫn cho lợi nhuận khá từ 140-180 triệu đồng/ha. Cũng cây có múi trong kinh tế vườn, huyện có diện tích bưởi Năm Roi hơn 932ha ở các xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành, Thiện Mỹ, cho năng suất 30- 35 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 180- 220 triệu đồng/ha, đóng góp lớn vào thu nhập người dân.
Kinh tế nông nghiệp mà chủ đạo là kinh tế vườn đã đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của huyện Trà Ôn trong năm 2019. ẢNH: HÙNG HẬU |
Điểm sáng kinh tế nông nghiệp năm 2019 của huyện còn ghi nhận ở cây lúa. Ngành chức năng và người trồng lúa đã xúc tiến ký kết bao tiêu sản phẩm cho 200ha lúa với sản lượng 1.300 tấn tại xã Thiện Mỹ và Xuân Hiệp.
Theo đó Viện Lúa ĐBSCL tiêu thụ 50ha lúa OM5451 với giá 6.700 đ/kg (cao hơn thị trường 800 đ/kg); Công ty Lương thực Vĩnh Long tiêu thụ 150ha lúa OM5451 và OM4900 với giá 4.900 đ/kg (cao hơn thị trường 200 đ/kg). Đó có thể coi là bước chuyển liên kết tiêu thụ- một trong các khâu đột phá gồm hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ tạo đầu ra và nâng giá trị hàng hóa nông sản.
Năm qua, xã Thiện Mỹ và xã Xuân Hiệp được bao tiêu 200ha lúa với sản lượng 1.300 tấn. Thiện Mỹ cũng là vùng sản xuất lúa thơm Jasmine có tiếng trước nay. ẢNH: MINH THÁI |
Ở công tác giảm nghèo, Nghị quyết Huyện ủy năm 2019 đề ra chỉ tiêu giảm nghèo 1,48% và tập trung triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Kết quả ước cả năm đã giảm 1,48% hộ nghèo (550 hộ), còn 3,4% (1.272 hộ); trong đó giảm nghèo đồng bào dân tộc Khmer đạt 5,3% (135 hộ, đạt 106%), còn 19% (482 hộ).
Báo cáo kết quả tạo việc làm mới cho lao động so chỉ tiêu nghị quyết đạt 1.227/1.100 người, trong đó chỉ tiêu xuất khẩu lao động đạt 317/310 người và đều cùng đạt 102% so với nghị quyết. Trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động cũng được xem là khâu đột phá của huyện.
Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi không ngừng được các cấp đầu tư triển khai thực hiện trong các năm qua. Nhiều con đường nhựa mới liên xã (thường trồng hoa dọc tuyến đường); những con đường đan hoặc đá dăm liên ấp đã góp phần để các xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, huyện có 6 xã đạt nông thôn mới. Đi cùng với thủy lợi phục vụ sản xuất, tiêu chí “cứng” giao thông đã mở ra “đường hướng” đi lại dễ dàng, thông thương thuận tiện cho người dân, đóng góp lớn vào phát triển đời sống kinh tế - văn hóa xã hội ở các địa bàn...
Từ kết quả của các khâu đột phá trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trà Ôn tiếp tục phát huy các mặt tích cực, khắc phục tồn tại hạn chế để tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ qua. Trước hết định hướng năm 2020, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp- nông thôn toàn diện; củng cố và nâng hiệu quả hoạt động làng nghề hiện có; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.
Tập trung huy động, khai thác mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn chặt với thủy lợi. Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo- nhất là giảm nghèo trong đồng bào Khmer được đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Người dân ấp Mỹ Định (xã Tân Mỹ) với nghề đan đát. ẢNH: MINH THÁI |
Huyện sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đặc biệt quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, xem đó là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin