Bài học từ khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long

Cập nhật, 06:19, Chủ Nhật, 26/01/2020 (GMT+7)

Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long tuy chưa đạt được mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân nhưng đã để lại nhiều bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng (1915-1992)- nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm- là người chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vũng Liêm.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng (1915-1992)- nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm- là người chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vũng Liêm.

Vì lý tưởng, không sợ gian khổ, hy sinh chiến đấu đến cùng

Hầu hết cán bộ, đảng viên, chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa đều xuất thân từ nông dân, trí thức, tiểu tư sản, không những am hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân mà chính bản thân mình cũng là dân nô lệ, căm thù đế quốc phong kiến, khao khát tự do, thoát khỏi ách áp bức bóc lột.

Sau 40 năm Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- nguyên Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp- chỉ huy đánh chiếm đồn bến Bắc Nước Xoáy đã kể lại: “Tôi được giác ngộ cuối trào Mặt trận Dân chủ. Cảnh nhà nghèo khổ, gia đình làm được mớ ruộng, đến mùa địa chủ coi như vét hết lúa.

Ức nhất là đám cường hào làng lộng hành ghê gớm, đám nịnh bợ dựa hơi phách lối, coi bọn trẻ đi ở đợ chúng tôi không ra gì cả. Bọn trẻ chúng tôi cảm thấy không thể nào sống với làng xóm như thế được. Đi chợ thấy anh “lơ” xe cũng khoái, thấy anh thợ hớt tóc cũng khoái, khao khát cuộc sống tự do, không ràng buộc, nhất là không bị khinh khi”.

Tình cảnh đó, người dân nghèo bị áp bức, bóc lột đến với cách mạng là lẽ tự nhiên, đón nhận cách mạng với tấm lòng hồ hởi như cá gặp nước, khô hạn gặp mưa”.

Bác Võ Văn Kiệt kể tiếp: “Năm đó tôi mới 16 tuổi, gặp người về gầy dựng cơ sở. Anh nói chuyện chống áp bức, bóc lột, nói chuyện thương yêu nhau, tôi nghe khoái lạ khoái lùng, bị hấp dẫn đến cùng cực. Từ đó mỗi lần anh đi về tôi cứ bám theo, nghe anh nói mà không biết chán, mỗi lần anh đi, lại mong anh về nữa”.

Tất cả cán bộ, đảng viên nhất là các đồng chí Tạ Uyên, đồng chí Quảng Trọng Hoàng, Trần Văn Bẩy, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Văn Nhứt, Phan Văn Đáng, Trần Vĩnh Miêng, Võ Văn Kiệt, những linh hồn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long quên ăn uống, lên kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo và trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng từng là Bí thư Quận ủy Vũng Liêm, kể: “Từ lúc họp hội nghị cho đến ngày khởi nghĩa, tôi quên ăn cơm. Khi chị em nhắc tới mới nhớ ăn, nhưng ăn không được, chỉ ăn một chén rồi thôi, uống nước cũng không được.

Lo lắng từ việc lớn đến việc nhỏ, bố trí phân công nhiệm vụ, kiểm tra động viên anh chị em quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vì từ nhỏ đến lớn chỉ có lần này nếu không quyết tâm khởi nghĩa thì còn lúc nào”.

Nhận lệnh khởi nghĩa, các đảng viên, chiến sĩ như mở cờ trong bụng, mặc dù với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ đã dũng cảm đứng lên khởi nghĩa, bất chấp kẻ thù có nhiều súng đạn và vô cùng tàn bạo.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm. Ảnh: Xuân Tươi
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm. Ảnh: Xuân Tươi

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long không thành, bị địch phản công đàn áp đẫm máu. Hơn 600 người bị địch bắt, 183 chiến sĩ khởi nghĩa bị đày ra Côn Đảo.

Nhiều người đã chiến đấu hy sinh trên chiến trận và trong tù ngục, nhưng các cán bộ, đảng viên chiến sĩ khởi nghĩa vẫn “thủy chung, như nhất” giữ vững khí tiết của người cộng sản, không đầu hàng khai báo tổ chức, cơ sở cách mạng. Vì lý tưởng sẵn sàng hy sinh thân thể, hạnh phúc của cá nhân mình.

Đồng chí Ngô Thị Huệ cho biết: Đồng chí Quảng Trọng Hoàng- Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ- trực tiếp chỉ đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long bị địch bắt, trước khi bị địch hành hình, đồng chí làm bài thơ “Gởi bạn tình chung” (gởi vợ là đồng chí Ngô Thị Huệ- Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long) trong đó có câu:

“... Thù quân đế quốc thù vô tận

Giận lũ tham tàn lũ bất công

Nhắn bạn tình chung nên gắng sức

Bền gan rửa sạch hận non sông

Thề cùng nhau vững bước đấu tranh

Phá tan xã hội bất bình

Dù cho thân thể tan tành cũng vui…”

Năm 1940, đồng chí Trần Văn Bẩy là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long trực tiếp chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long. Tháng 9/1940, đồng chí bị địch bắt, tra tấn đánh đập hết sức dã man, đồng chí quyết không khai báo gì cho địch.

Tên Chánh mật thám Cần Thơ hỏi: “Mày nhắm quan lớn có tiêu diệt được Đảng của chúng mày không?” Đồng chí Trần Văn Bẩy trả lời: “Khi nào người Việt Nam không có bao tử thì bây mới tiêu diệt được Đảng của chúng tao”.

Sau cuộc khởi nghĩa, các chiến sĩ còn lại vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng.

Bác Võ Văn Kiệt kể: “Mấy người trẻ chúng tôi dứt khoát tính với nhau. Cách mạng chưa thành quyết không về xứ, làm gì nữa đây, chưa biết, nhưng nhất định phải làm nữa. Chúng tôi ít ra cũng đã biết thế nào là giành chính quyền”.

Với ý chí quyết tâm đó, chỉ thời gian ngắn trong vòng 5 năm sau, cơ sở cách mạng được khôi phục, tổ chức Đảng được củng cố phát triển, lãnh đạo quần chúng nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.

Quần chúng nhân dân đoàn kết tin theo Đảng làm cách mạng

Tỉnh Vĩnh Long được vua nhà Nguyễn thành lập năm 1832. Trong quá trình khai hoang mở cõi, ông cha ta đã biến vùng đất hoang vu sình lầy thành nơi trù phú của đất nước.

Do sự phân hóa giai cấp, ruộng đất tập trung vào số ít người, đại bộ phận nông dân lao động trở thành kẻ ở đợ, làm thuê, cấy rẽ cho địa chủ,
phong kiến.

Đến năm 1867, thực dân Pháp chiếm cứ Vĩnh Long. Người dân Vĩnh Long một cổ hai tròng, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột. Đến những năm 1939-1940, Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ.

Pháp bị Đức chiếm đóng. Pháp xóa bỏ một số thành quả dân chủ mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Chúng khủng bố bắt bớ, bỏ tù những người cộng sản và quần chúng cách mạng.

Pháp ra sức vơ vét người, của đổ vào chiến tranh. Người dân Vĩnh Long phải đóng nhiều loại thuế mới, như thuế đảm phụ quốc phòng, thuế nền nhà, thuế đò, thuế giỗ kỵ, thuế hỏi vợ, tiền bạc lạm phát, nông sản sụt giá, lại bị ép mua nhiều loại quốc trái, nhiều thanh niên bị bắt lính làm bia đỡ đạn ở chiến trường Pháp- Đức, Pháp- Xiêm… Đời sống người dân vô cùng cực khổ, điêu đứng.

Cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra nên rất am hiểu cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Bác Võ Văn Kiệt kể: “Trong cuộc mít tinh, chị Hồng nói ruộng đất là hấp dẫn liền. Nông dân với đất là thèm muốn vô kể, nghĩ đến ruộng đất mình làm là của mình, thì ai cũng thấy sướng lạ lùng”.

Bác kể tiếp: “Ngày ấy chị Hồng cũng đã nói đến chính quyền Xô Viết, chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Liên Xô là thí dụ cụ thể đổi đời là điểm tập trung của bao nhiêu khát vọng, là tấm gương đầy sức cổ vũ”.

Với ta, chế độ Xô Viết, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa là viễn cảnh nhưng nhân dân ta đã coi như hiện thực ở trước mắt.

Cho nên khi bác Võ Văn Kiệt nói về thanh niên phản đế, nói đến đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ địa chủ, phong kiến giành bình đẳng tự do, không chịu áp bức, là thanh niên bật dậy, nhảy lên thét vang khẩu hiệu, ca bài ca cách mạng:

“Không có lẽ ta ngồi chịu chết

Phải cùng nhau cương quyết một phen

Tổng này xã nọ kết liên

Ta hò ta hét thét lên thử nào

Trên gió cả cờ đào phất thẳng

Dưới đất bằng giấy trắng tung ra

Giữa thành một trận xông pha

Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng”.

Thực hiện khẩu hiệu của Xứ ủy: “Không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc chiến tranh”. Sẵn sàng nghe theo lời kêu gọi của Đảng, phong trào binh lính phản chiến ngày càng cao. Thanh niên đạo Cao Đài kéo ra quận lỵ Vũng Liêm đấu tranh không đi lính làm bia đỡ đạn cho quân Pháp.

Mọi người hiểu rằng, muốn được độc lập, tự do, hạnh phúc không có con đường nào khác là phải đấu tranh.

Khắp nơi sục sôi không khí chuẩn bị khởi nghĩa. Nam nữ thanh niên luyện tập võ nghệ, may cờ đỏ sao vàng, lò rèn các địa phương rèn mác, kiếm trang bị cho du kích. Quần chúng nhân dân chế tác dao búa, gậy tầm vông vót nhọn tự trang bị cho mình sẵn sàng tham gia khởi nghĩa.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, mà Sài Gòn là trung tâm quyết định, kế hoạch bị bại lộ, Pháp chặn trước. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra với khí thế xung thiên khắp các tỉnh Nam Kỳ.

Ở Tây Nam Bộ, khởi nghĩa nổ ra mãnh liệt, cờ đỏ sao vàng tung bay trên các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá.

Được sự lãnh đạo của Đảng, bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, đêm 22 rạng 23/11/1940, các tầng lớp nhân dân người Kinh, người Hoa, người Khmer, đồng bào có đạo, không có đạo ở 3/4 quận lỵ trong tỉnh Vĩnh Long đồng loạt nổi lên khởi nghĩa.

Tuy không chiếm được tỉnh lỵ nhưng đã tiến công uy hiếp nhiều mục tiêu trên địa bàn, như tiến công quận lỵ Tam Bình, tiến công một số tề tổng, làng, nổi dậy giành quyền làm chủ thị trấn Cái Ngang 17 giờ.

Đánh chiếm các đồn: Trung Ngãi, Ngã tư Nhà Đài, Quới Thiện, Gò Ân, Nước Xoáy, Trà Luộc, Cái Ngang, Chánh Hội. Bắn bị thương chủ tỉnh Trà Vinh tại Giồng Ké và tên quan hai Pháp tại Cái Ngang, làm chủ cù lao Dài (làng Quới Thiện, quận Vũng Liêm) 3 ngày.

Được nhân dân che chở, nuôi dưỡng, quân khởi nghĩa quận Tam Bình rút về căn cứ Cây Điều, Cái Bân (Ấp 5, Phú Lộc Cựu), tiếp tục chiến đấu gần 2 tuần lễ (23/11- 4/12/1940). Giữ nghiêm kỷ luật, quân khởi nghĩa không xâm phạm tài sản của đồng bào, đối xử nhân đạo với bọn tề xã, lính quận, cho chúng biết tội và thả về với gia đình.

Riêng quận lỵ Vũng Liêm do nữ đồng chí Nguyễn Thị Hồng chỉ huy, nghĩa quân đã chiếm, làm chủ quận lỵ 8 giờ. Đây là quận duy nhất trong toàn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ta giành được quyền làm chủ.

Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long không thành, bị địch thẳng tay đàn áp, chúng lùng sục bắt bớ các chiến sĩ khởi nghĩa, đốt nhà cướp của, dọa nạt, đánh đập nhân dân. Nhưng đồng bào ta không nao núng, vẫn một lòng tin theo Đảng, nuôi giấu cán bộ, đảng viên.

Bác Võ Văn Kiệt kể: “Tôi chỉ thương ông già tôi, không hiểu ông nghĩ thế nào. Một tối tôi về gặp ông, ông lặng lẽ mài sẵn cái mác rồi đưa cho tôi. Thằng anh mày nó sợ, nó tính bắt mày. Nó có bắt, mày cầm ngay cái mác đâm nó cho tao. Ông già tôi ngon thế đấy. Tôi hiểu ý cha nên tụi lính càn tới, càn lui không hề nao núng”.

Bác Võ Văn Kiệt kể tiếp: “Những lúc phong trào khó khăn mới càng thấy rõ tinh thần anh em quần chúng. Từ trong đồng, chúng tôi liên hệ với một số anh em cảm tình với Đảng còn ở thể hợp pháp, như anh Tợi, anh Vẹn ở Trung Điền, các anh tham gia phong trào hồi công khai, nhà khá giả, có thế thần trong xóm làng.

Không sợ nguy hiểm, đêm nào các anh cũng nấu cơm gánh vào ruộng lúa cho chúng tôi. Vốn là chân lính tập, anh Tợi thạo về súng, rất ham dạy chúng tôi sử dụng những vũ khí mà chúng tôi có…

Đáng quý nữa là đêm nào các anh cũng đem vào cho chúng tôi những tin tức mới… Qua đó thấy được làn sóng khủng bố khốc liệt của quân thù, quy mô và sức mạnh nổi dậy trên toàn xứ”.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công vì nhiều nguyên nhân nhưng cho ta thấy đây là cuộc nổi dậy có nhiều tầng lớp, giai cấp dân tộc, tôn giáo tham gia, là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị, sự chỉ đạo của Xứ ủy.

Từ khi Pháp xâm lược, thống trị nước ta đến Cách mạng Tháng Tám 1945, chưa có cuộc khởi nghĩa nào nổ ra trên diện rộng và mạnh đến thế.

Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh tuyên dương “Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch” và đã biểu dương “ý chí quật cường của dân tộc” và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất, là huân chương cao quý nhất lúc bấy giờ.

Tóm lại, Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long diễn ra cách đây 75 năm, từ đấy đến nay, dân tộc Việt Nam ta đã tiến những bước dài. Nhưng những bài học về cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị, đó là:

- Vì lý tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không sợ gian khổ hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

- Từ nhân dân mà ra, Đảng am hiểu cuộc sống tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhân dân, được nhân dân tin theo, đoàn kết xung quanh Đảng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cách mạng.

Bác Hồ thường nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đảng vì dân, dân tin Đảng, theo Đảng đoàn kết thành một khối thống nhất là một trong những yếu tố quyết định biểu lộ tinh thần của Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, là nguồn gốc thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945; thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và mọi thành tựu của công cuộc bảo vệ xây dựng đất nước ta hiện nay.

TRƯƠNG CÔNG GIANG