Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tết Canh Tý

12:01, 26/01/2020

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đã đón hai dịp Tết Canh Tý. Đó là Tết Canh Tý năm 1900 khi Người còn niên thiếu và Tết Canh Tý năm 1960 khi Người trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đã đón hai dịp Tết Canh Tý. Đó là Tết Canh Tý năm 1900 khi Người còn niên thiếu và Tết Canh Tý năm 1960 khi Người trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết GS. Đinh Văn Thắng và gia đình vào đêm giao thừa Tết Canh Tý (27/1/1960). Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết GS. Đinh Văn Thắng và gia đình vào đêm giao thừa Tết Canh Tý (27/1/1960). Ảnh tư liệu lịch sử

Tết Canh Tý năm 1900

Đặt chân đến làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế), mọi người như hồi tưởng được không khí đón Tết Canh Tý năm 1900 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở Người còn niên thiếu. Hiện nay, nơi đây có Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ khoảng ký ức đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi Người sinh sống và được cha dạy học trong 2 năm 1898- 1900”- anh Lê Văn Cường là hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên- Huế cho biết.

Tết về, làng Dương Nỗ hiện vẫn duy trì việc lên nêu, hạ nêu. Nhiều hộ gia đình vẫn đỏ lửa nấu bánh chưng, bánh tét. 120 năm trước, khi còn là cậu bé 10 tuổi với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón Tết Canh Tý năm 1900 bên người thân và bạn học bên dòng sông Phổ Lợi.

Ngày xưa, Huế có 2 hình thức lễ tết, đó là Tết dân gian và Tết cung đình. Đối với Tết dân gian, những lễ nghi thường được người Huế chú trọng, duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản và có phần cầu kỳ như cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng tất niên, lễ lên nêu, rước ông bà về ăn tết, cúng giao thừa…

Bên cạnh đó, có những nét văn hóa truyền thống tết đặc trưng của Huế mà không thể tìm thấy ở bất cứ vùng miền nào như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) và phiên chợ Gia Lạc (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang).

Những địa điểm này đều cách làng Dương Nỗ- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời còn niên thiếu- không xa.

Đặc biệt nhất là phiên chợ Gia Lạc (nghĩa là “Tăng thêm niềm vui”), được duy trì đến năm 1945. Chợ chỉ diễn ra trong 3 ngày Tết Nguyên đán, ban đầu chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau mở rộng cho cả dân thường đến tham gia vui chơi.

Hàng hóa trong chợ khá phong phú như chén bát, ly cốc, áo quần, trang sức, hoa tươi, rau củ quả... và các đặc sản của Huế như phấn nụ, hoa giấy, bún bò giò heo, bánh canh Nam Phổ; các loại bánh bèo, nậm, lọc, ít, ram, ướt, khoái,...

Trẻ con thì mua tượng bà Trưng cưỡi voi, ông Trạng cầm quạt, gà đất, lung tung ngũ sắc, tò he, kẹo cau, kẹo gừng… Chợ còn thu hút đông đảo người đi chơi tết nhờ hàng loạt trò chơi thú vị như hò giã gạo, bài chòi, bài vụ, bầu cua, ném vòng vịt, leo cột mỡ, đu tiên, kéo co, vật võ…

Trong ký ức của bà Nguyễn Đình Chi (1909-1997), Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình TP Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhớ về Huế. Đặc biệt, những món mứt Huế là ký ức đẹp của Người về những ngày tết ở Huế thuở còn niên thiếu.

Sau này, bà Nguyễn Đình Chi kể lại: “… Đoàn chúng tôi được Bác cho vào Phủ Chủ tịch chúc tết Bác, chúng tôi biết Bác đã từng ở Huế nhiều năm và thích dùng những món Huế nhân ngày tết...

Vào khoảng 10 giờ 30 ngày 28 tết năm ấy (15/2/1969), Đoàn liên minh chúng tôi vào chúc tết Bác. Chúng tôi kính dâng 4 thẩu mứt, mứt bí, mứt cam, mứt chanh và mứt cam quật... Bác rất vui vẻ mời mọi người cùng ăn”.

Tết Canh Tý năm 1960

Ngày 18/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tỉnh Kiến An (một phần của TP Hải Phòng ngày nay). Tại đây, Người nói chuyện với đồng bào và cán bộ trong tỉnh. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người chúc tết đồng bào, bộ đội, cán bộ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” (báo Nhân Dân số 2132) nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn tết vui vẻ, tiết kiệm.

Người nhận định: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết gia đình ông Trần Công Tốt- công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội vào đêm giao thừa Tết Canh Tý (27/1/1960). Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết gia đình ông Trần Công Tốt- công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội vào đêm giao thừa Tết Canh Tý (27/1/1960). Ảnh tư liệu lịch sử

Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Và Người kêu gọi: “Mừng xuân, xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”.

Ngày 19/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” (báo Nhân Dân số 2133) nêu gương một số địa phương đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia “Tết trồng cây”, đồng thời, nhắc nhở mọi người phải “xem trọng chất lượng”, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây và “thực hiện “Tết trồng cây” (cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước) một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc”.

Từ ngày 26/1- 3/2/1960, đúng dịp Tết Nguyên đán, gia đình luật sư Francis Henry Loseby tới thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày ở Hà Nội, gia đình luật sư H. Loseby đã đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của Thủ đô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình luật sư khá thường xuyên, nói chuyện rất chân tình. Trong buổi đến thăm và gặp gỡ cán bộ công nhân Nhà máy Cơ khí Trung quy mô ở Hà Nội ngày 2/2/1960, Người giới thiệu luật sư Loseby và khẳng định: “Bác xin giới thiệu với các cô chú, đây là luật sư Loseby, ân nhân của Bác”. Khi gia đình luật sư Loseby đến Việt Nam và sau đó rời đi, đích thân Người đã tiễn tận sân bay Gia Lâm.

Ngày 27/1/1960 (ngày 30 tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Mừng xuân vĩ đại” (báo Nhân Dân số 2141). Người nhấn mạnh “mùa xuân thống nhất và tự do nhất định sẽ đến”. Vào buổi tối, Người đi thăm và chúc tết, tặng quà 5 gia đình cán bộ, nhân dân ở Hà Nội.

Người hết sức xúc động khi thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh. Vì chồng mất nên gần đến giao thừa nhưng chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê, đổi gạo để sáng mồng 1 tết có cơm ăn cho 4 đứa con của mình.

Tết Nguyên đán ở Huế. Ảnh minh họa
Tết Nguyên đán ở Huế. Ảnh minh họa

Sau khi trở về, Người căn dặn các đồng chí trong Bộ Chính trị phải sâu sát, quan tâm hơn nữa đời sống của nhân dân lao động.

Ngày 28/1/1960 (mùng 1 tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Đá Chông (Công trường 5) thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân làm việc trên công trường.

Ngày 29/1/1960 (mùng 2 tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc tết Người. Người thân mật nói chuyện với các đại biểu về tình hình trong nước, những khó khăn của ta trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhắc nhở kiều bào cố gắng làm việc, học tập để góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước.

Ngày 3/2/1960, tròn 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Mùa xuân quyết thắng” (báo Nhân Dân số 2147) với nhận định: “Tục ngữ có câu: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa xuân”.

Thật đúng như vậy. Mùa xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt”.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh