
Mặc dù thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều biện pháp tích cực, song chất lượng hoạt động Đoàn vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để nâng cao hoạt động Đoàn?
>> Kỳ 1: Nâng chất hoạt động Đoàn khóm- ấp
Mặc dù thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều biện pháp tích cực, song chất lượng hoạt động Đoàn vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để nâng cao hoạt động Đoàn?
Để thanh niên đến với tổ chức Đoàn, các hoạt động phong trào cần phù hợp với từng đối tượng đoàn viên.
Nắm bắt tư tưởng, đáp ứng nhu cầu thanh niên
Để tập hợp thanh niên (TN) nhiều cơ sở Đoàn đã chủ động xây dựng mô hình kinh tế tập thể, nhiều đội TN tình nguyện chung sức vì cộng đồng. Điển hình như Chi đoàn ấp Phú Thạnh B (xã Nhơn Phú- Mang Thít) với việc xây dựng chi đoàn kiểu mẫu.
Bằng cách lồng ghép sinh hoạt Đoàn với sinh hoạt tiền hôn nhân đã mang lại hiệu quả. Bí thư Xã Đoàn- Phạm Thị Mỹ Dung cho biết: “Chúng tôi còn triển khai chương trình góp vốn xoay vòng cho đoàn viên (ĐV) phát triển kinh tế. Bên cạnh còn kết hợp giới thiệu những mô hình làm ăn có hiệu quả cho ĐV học hỏi, tăng thu nhập”.
Cụ thể như mô hình nuôi ếch của anh Võ Triều Hải Phương- mô hình kinh tế tiêu biểu của xã bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nhờ được hỗ trợ vốn mà anh đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế với lợi nhuận ít nhất 1.500.000đ trong 3 tháng.
“Phải có việc làm và thu nhập ổn định thì TN nông thôn mới đến được với Đoàn và mới làm cho tổ chức Đoàn mạnh lên được”- Bí thư Xã Đoàn- Phạm Thị Mỹ Dung nói. Cũng theo chị, nhu cầu vui chơi giải trí của thanh niên là rất lớn, trong khi xã chỉ có 1 sân bóng chuyền và bóng đá. Đây chẳng những là sân chơi bổ ích, tăng cường sức khỏe mà còn giúp TN gắn bó hơn nữa với Đoàn.
Ở xã Loan Mỹ, tổ chức Đoàn đã cố gắng xây dựng nhiều mô hình thu hút được đông đảo TN. Đặc biệt việc thành lập đội TN tình nguyện đã phát huy hiệu quả thiết thực. Bởi “không chỉ tập hợp, đoàn kết được lực lượng TN mà đội góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương”- anh Nguyễn Văn Huân- Đội trưởng đội TN tình nguyện nói.
Với mục tiêu “cuốn hút TN tham gia vào các hoạt động có ích” nên hầu như những công trình tại địa phương như đào hố rác tự hoại, làm đường, trồng cây xanh đều được TN phấn khởi thực hiện. “Với những hành động tưởng chừng như đơn giản, nhưng đã giúp các TN tích lũy được kinh nghiệm, biết sống vì cộng đồng”- anh Thạch Hoàng Minh nói. Năm qua, các bạn trẻ đã đào hơn 30 hố rác, trồng hơn 300 cây xanh, nâng cấp trên 1.200m tuyến đường giao thông, vận động hỗ trợ hơn 8 triệu đồng cho TN…
Theo Bí thư Thị Đoàn Bình Minh Nguyễn Văn Xinh, để TN nông thôn mặn mà với chi đoàn phải: mở nhiều lớp kỹ năng cho bí thư chi đoàn ấp- khóm; tạo ra nhiều chương trình thiết thực đến cuộc sống của TN và gia đình; tăng phụ cấp và hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Thủ lĩnh Đoàn- người “giữ lửa” phong trào
Nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ Đoàn là một trong những yếu tố quyết định hàng đầu.
Là thủ lĩnh Đoàn hơn 9 năm, Bí thư Xã Đoàn Trung Thành Đông (Vũng Liêm) Võ Ngọc Loan luôn biết cách “thắp lửa” cho phong trào tuổi trẻ ở địa phương. Chính nhờ sự năng nổ, đầu tàu gương mẫu của chị mà đã thu hút được ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn và các phong trào.
Chị luôn sâu sát cơ sở và có nhiều sáng kiến để tạo thuận lợi cho các chi đoàn hoạt động. Nhờ đó, các phong trào Đoàn đã góp phần khơi dậy, thúc đẩy tinh thần tự nguyện của tuổi trẻ và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo chị, bên cạnh bản lĩnh thì cán bộ Đoàn phải có tâm huyết, nhạy bén và phải luôn tìm việc để làm. Có như thế thì phong trào mới phát triển được.
Không chỉ thế, chị còn thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của ĐVTN, thành lập các tổ vốn xoay vòng, tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt phải kể đến sự vận động làm nhà kịp thời cho anh Nguyễn Kết Đoàn (ấp Hòa Thuận) có nơi ở vào dịp tết; vận động xây nhà cho anh Trần Văn Khương (ấp Phú Nông)... Nhờ vậy, mà phong trào của tuổi trẻ xã nhà ngày càng khởi sắc.
Bí thư Chi đoàn ấp Quang Trạch (xã Trung Chánh- Vũng Liêm) Lê Thị Kim Phương cũng đồng thời là người thành lập đội cắt lúa thuê, giải quyết việc làm cho TN, từng được giải thưởng cán bộ xuất sắc, tiêu biểu,… Qua đó cho thấy, nắm được tâm lý của ĐVTN, có cách sinh hoạt phù hợp thu hút là điều kiện quan trọng giúp cho ĐV mặn mà với Đoàn cơ sở.
Theo ông Phạm Minh Hoàng- Chủ tịch UBND thị trấn Vũng Liêm, nguyên Bí thư Huyện Đoàn Vũng Liêm: Để tập hợp TN cần có biện pháp phù hợp từng khu dân cư. Bên cạnh việc tuyên truyền, tổ chức Đoàn phải sâu sát nguyện vọng của ĐVTN, nhất là về vấn đề thu nhập việc làm. Ông cũng cho rằng: “Giải quyết việc làm cho ĐVTN không chỉ là việc của tổ chức Đoàn mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức ban ngành trong xã hội”.
Để thu hút, tập hợp được ĐVTN, thiết nghĩ, các cấp bộ Đoàn cần tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Đoàn cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế để tìm ra những phương thức giải quyết hiệu quả, đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ hoạt động Đoàn. Chỉ có như thế mới cuốn hút được ĐVTN.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên: Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho TN trong việc xây dựng các mô hình hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các nguồn vốn giải quyết việc làm cho TN, hỗ trợ cho TN lập thân và lập nghiệp, định hướng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ tạo điều kiện cho TN tiếp cận, trang bị những kiến thức làm kinh tế, tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động Đoàn, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động Đoàn.
|
Bài, ảnh: CẨM HUỆ- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin