Nâng chất hoạt động Đoàn khóm- ấp

Cập nhật, 06:53, Thứ Sáu, 19/09/2014 (GMT+7)

Hoạt động Đoàn ngày càng đa dạng, phong phú thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. Tuy nhiên, những ĐVTN này đa phần là học sinh, sinh viên hoặc cán bộ viên chức. Còn việc tập hợp TN khóm- ấp vào tổ chức Đoàn đã khó thì việc nâng chất hoạt động Đoàn ở các đơn vị này càng khó khăn hơn.

K 1: Thanh niên có “mặn mà” với hoạt động Đoàn?

Nếu như trước đây, nông thôn có lực lượng TN đông đảo, từ phụ đám tiệc đến việc làng việc xóm “đâu cần TN có” thì nay thôn xóm hầu như vắng bóng TN. Không có tay nghề, ít ruộng đất, vốn liếng làm ăn,… khiến nhiều TN rời địa phương tìm việc. Một số TN còn lại thì chưa mặn mà với tổ chức Đoàn.


Hoạt động Đoàn cần có sự đổi mới để thu hút ĐV tham gia.

Khó khăn tập hợp

Hiện nay, việc tập hợp ĐVTN tham gia vào tổ chức Đoàn và sinh hoạt thường xuyên gặp không ít khó khăn, bởi số lượng ĐVTN còn ở địa phương rất ít.

Là khu vực nông thôn, nhưng đa phần TN ở xã Phú Thành (Trà Ôn) đều thoát ly nông nghiệp để đi làm ở các khu công nghiệp.

Xã Đoàn có gần 2.000 TN, trong đó TN đi làm ăn xa là 1.185, có mặt thường xuyên tại địa phương là 419 và tổng số TN được tập hợp trong các tổ chức Đoàn là 173 ĐV. Tuy số lượng ĐVTN quản lý nhiều nhưng việc tập hợp ĐVTN vào các phong trào còn nhiều khó khăn, chỉ khoảng 40% là thường xuyên tham gia.

Theo Bí thư Xã Đoàn- Nguyễn Thế Phụng, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nổi lên là nhiều TN rời quê đến các thành phố lớn làm ăn. Tình trạng thiếu ĐVTN dẫn đến không tổ chức sinh hoạt Đoàn định kỳ đang diễn ra phổ biến ở rất nhiều chi đoàn hiện nay.

Nói về khó khăn này, chị Lê Thị Tuyết Lan- Phó Bí thư Xã Đoàn Thuận An (TX Bình Minh) cho biết: Vì số lượng ĐV ít nên nhiều chi đoàn không thể tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, chỉ tổ chức theo quý hoặc các chiến dịch tình nguyện, tháng TN.

Xã Đoàn Nhơn Phú (Mang Thít) cũng gặp khó khăn trong tập hợp TN. Toàn xã có 214 ĐV, trong đó hơn phân nửa là ĐV ở các điểm trường, cơ quan. Xã có 9 ấp, mỗi ấp bình quân có khoảng 10 ĐV. Bí thư Xã Đoàn- Phạm Thị Mỹ Dung cho biết: “Trước đây, xã có hàng ngàn ĐVTN nhưng chủ yếu là lao động ở các lò gạch. Nay, nhiều lò gạch ngừng hoạt động hoặc làm cầm chừng nên TN cũng bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống”.

Tình trạng TN ly hương đi làm công nhân, làm thuê là thực trạng chung của các xã nông thôn hiện nay. Thiết nghĩ, ngoài tạo việc làm cho TN các cấp bộ Đoàn cũng cần dựa trên lượng ĐV sẵn có để thực hiện những phần việc vừa sức, thiết thực hơn.

Chưa đáp ứng nhu cầu ĐVTN

Qua khảo sát tại một số buổi sinh hoạt Đoàn cũng như hoạt động Đoàn ở các khu dân cư, chúng tôi thấy ít bạn trẻ tham dự.

Bởi các bạn cho rằng một số phong trào Đoàn còn hình thức, chưa có chiều sâu, mô hình tập hợp TN ở cơ sở còn cứng nhắc, thiếu hấp dẫn. Bên cạnh đó, không ít cơ sở Đoàn còn hoạt động không hiệu quả, năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở hạn chế nên không thu hút được ĐVTN.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đến xã Thới Hòa (Trà Ôn). Bí thư Xã Đoàn- Nguyễn Văn Phúc cho biết: TN còn lại ở địa phương quá ít là do công việc ở địa phương không đủ cho TN làm, thu nhập lại bấp bênh không đáp ứng được nhu cầu TN.
 
Bên cạnh, các hoạt động Đoàn- hội chưa được đổi mới nhiều chủ yếu mang tính chất phong trào. Mọi hoạt động TN chủ yếu trông chờ vào khối các trường học và khối cơ quan trên địa bàn.

Nguyễn Văn Phú- ĐV xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) hiện đang làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Một số TN không tha thiết với Đoàn, một là vì mưu sinh phải xa xứ, hai là những hoạt động chưa vui, chưa thu hút và thích hợp”.

Một trong những nguyên nhân khiến Đoàn chưa tập hợp được nhiều TN là do hoạt động còn khuôn mẫu. Trong khi, ĐVTN ở nông thôn sẽ có tâm lý, sinh hoạt,… khác hơn so với ĐVTN ở các đơn vị trường học. “Không thể xem TN nông thôn giống TN trường học được”- anh Nguyễn Văn Phú nói.

ĐVTN nông thôn không hoạt động phong trào được thường xuyên do phải đi làm nên mọi sinh hoạt thường chuyển sang buổi tối. Bên cạnh, các buổi sinh hoạt cần nhẹ nhàng, vui mà ý nghĩa và không hình thức.

Bí thư Huyện Đoàn Mang Thít- Ngô Hùng Nhân cho rằng: Hiện nay tập hợp TN ở nông thôn còn nhiều hạn chế.

Tổ chức Đoàn còn hạn chế trong định hướng, hướng dẫn nội dung hoạt động, cán bộ Đoàn cơ sở ấp- khóm yếu về kỹ năng tập hợp TN, chế độ phụ cấp, kinh phí hoạt động còn rất hạn chế (phụ cấp bí thư chi đoàn 200.000 đ/tháng), chưa được nhiều chương trình để thu hút TN tham gia đồng hành như việc làm tại chỗ, vốn làm ăn, các dịch vụ mạng lưới.

Tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012- 2017, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức Đoàn. Đồng chí chỉ đạo: Trong nhiệm kỳ tới, Tỉnh Đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “5 đồng hành với TN trên con đường lập thân, lập nghiệp” và “5 xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; cần tăng cường việc giáo dục hoài bão, lý tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng nếp sống văn hóa trong TN; không ngừng xây dựng, củng cố Đoàn các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CẨM HUỆ-CAO HUYỀN