Khi tham gia giao thông, tôi thấy có người dùng xe máy kéo theo xe khác, mặc dù xe phía sau gặp trục trặc nhưng như vậy rất nguy hiểm cho cả 2 phương tiện và những người khác. Vậy trong trường hợp này họ có vi phạm không?
Khi tham gia giao thông, tôi thấy có người dùng xe máy kéo theo xe khác, mặc dù xe phía sau gặp trục trặc nhưng như vậy rất nguy hiểm cho cả 2 phương tiện và những người khác. Vậy trong trường hợp này họ có vi phạm không?
Võ Minh Chí
(Tam Bình)
Trả lời:
Theo điểm d, khoản 3, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh. Như vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi người đi xe máy sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh. Do đó, người đi xe máy kéo xe khác là trái quy định và vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo điểm k, khoản 3 và điểm c, khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b, khoản 4, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Trong đó, phạt tiền từ 400.000-600.000đ đối với người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái xe từ 2-4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
NT. PHÒNG BẠN ĐỌC