Từ nhiều năm qua, sạt lở bờ sông, nhất là trên các tuyến sông lớn, là nỗi lo của hộ dân ở ven sông và bất an của chính quyền địa phương.
(VLO) Từ nhiều năm qua, sạt lở bờ sông, nhất là trên các tuyến sông lớn, là nỗi lo của hộ dân ở ven sông và bất an của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là công tác dự báo thường xuyên về loại thiên tai này ở Vĩnh Long hay ở vùng ĐBSCL chưa thực hiện được như dự báo các loại thiên tai khác, như: bão, áp thấp nhiệt đới, xâm nhập mặn, triều cường, lũ hay giông, mưa lớn.
Những năm qua đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng các đề tài, công trình nghiên cứu về sạt lở và phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng ĐBSCL của các đơn vị chuyên môn thuộc các cơ quan chủ quản như các bộ: TN-MT, Nông nghiệp-PTNT, KH-CN, GD-ĐT… đã được nghiệm thu, trong đó có những ứng dụng mô hình toán, phần mềm công nghệ hiện đại để nghiên cứu quy luật diễn biến lòng dẫn, hỗ trợ dự báo xói lở và đề xuất các giải pháp chỉnh trị cho nhiều khu vực xói lở trọng điểm trên các tuyến sông lớn trong vùng.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, thì các đề tài, công trình nghiên cứu, các dự án, mô hình toán... sau khi nghiệm thu không được hoặc ít được các cơ quan chủ quản, đơn vị nghiên cứu tiếp tục đầu tư thực hiện dự báo về sạt lở bờ sông.
Có một số mô hình, dự án được chuyển giao về cho các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL “ứng dụng”, nhưng các tỉnh, thành phố khó triển khai sử dụng vào thực tế dự báo, vì thiếu kinh phí thực hiện.
Do vậy, hiện tại, công tác “dự báo sạt lở” ở cấp tỉnh chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, bằng cách lắp biển báo nguy hiểm tại những nơi đã bị sạt lở và những khu vực có nguy cơ cao!
Theo các chuyên gia, việc dự báo sạt lở bờ sông có thể thực hiện được thông qua các mô hình toán về dự báo sạt lở, nhưng đòi hỏi kinh phí lớn (nhất là khâu khảo sát địa hình, địa chất, dòng chảy…), cần nguồn nhân lực trình độ cao, kỹ thuật, công nghệ cao, phức tạp và cần nguồn kinh phí đều đặn để thực hiện.
Cũng theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định phần lớn thành công của công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai của mỗi địa phương.
Vì vậy, để giúp cộng đồng dân cư và chính quyền trong vùng ĐBSCL ứng phó hiệu quả với thiên tai sạt lở bờ sông ngòi, kinh rạch, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản do sạt lở gây ra, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản cần sớm có chính sách đầu tư, triển khai ứng dụng các đề tài, công trình nghiên cứu, mô hình dự báo về sạt lở phổ biến hơn cho vùng ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long).
Trước mắt cần triển khai dự báo tại các khu vực thường xuyên bị sạt lở hoặc khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao ở các tuyến sông lớn, nơi có đông dân cư ở gần khu đô thị hoặc khu trọng điểm về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh... để thông báo rộng rãi về diễn biến sạt lở bờ sông cho cộng đồng dân cư biết mà chủ động phòng, tránh.
Đến hết tháng 4 là thời kỳ chuyển sang mùa mưa ở Nam Bộ. Thông thường, vào đầu mùa mưa (tháng 5-6) hay đầu mùa lũ (tháng 8) ở tỉnh Vĩnh Long hay xảy ra sạt lở bờ sông. Mong cơ quan chức năng sớm triển khai dự báo để an lòng dân vùng sạt lở.
TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin