Nỗi lo trẻ đuối nước

Cập nhật, 06:57, Thứ Tư, 01/03/2023 (GMT+7)

Mặc dù các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức phòng, tránh đuối nước ở trẻ, tuy nhiên hàng năm tình trạng trẻ bị đuối nước vẫn xảy ra, nhất là ở vùng nông thôn. Trẻ tử vong do đuối nước đã để lại nỗi đau lâu dài cho các gia đình và xã hội.

Mỗi lần có dịp ra các vùng ngoại thành, hay đi về vùng nông thôn, tôi thường thấy các nhóm trẻ rủ nhau tắm sông mà không thấy có người lớn trông chừng. Dù những đứa trẻ ấy biết bơi hay không biết bơi, tôi vẫn thấy nguy hiểm rình rập các em, bởi không may có tai nạn xảy ra, các em có thể không đủ kỹ năng để xử lý tình huống nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân phổ biến do sự chủ quan của người lớn khi để trẻ tự ý vui chơi gần bờ sông... Các trường hợp đuối nước xảy ra phần lớn là do trẻ không biết bơi. Có những trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình do chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Bên cạnh đó, một số trường hợp, các em thấy bạn bị đuối nước liền nhảy xuống cứu trong khi chưa hề được trang bị kỹ năng cứu người bị nạn.

Do đó, để chủ động phòng, tránh đuối nước ở trẻ em thì bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần giáo dục trẻ ý thức tự bảo vệ, dạy kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn. Ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ và người lớn cần quan tâm phòng, chống tai nạn đuối nước cho con em mình. Phụ huynh cần chỉ dẫn cho trẻ biết vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn, tránh xa nơi nguy hiểm. Đồng thời, người lớn thường xuyên giám sát trẻ, không để trẻ vui chơi gần ao, hồ, sông rạch... Trường hợp cho trẻ tắm ở những nơi này hoặc tắm ở hồ bơi, thì dù trẻ biết bơi, cũng rất cần sự giám sát của người lớn.

NGUYỄN THỊ LOAN