Cùng hành động vì cộng đồng không thuốc lá

Cập nhật, 15:14, Thứ Sáu, 26/06/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tuy việc tuyên truyền ở các bệnh viện về tác hại của thuốc lá đối với nhiều mô hình bệnh tật, ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh là thường xuyên liên tục nhưng hiệu quả vẫn chưa cải thiện là bao. Ai sẽ phạt người hút thuốc lá ở những nơi cấm hút thuốc, người bị phạt sẽ đóng phạt ở đâu,... là một số vấn đề đặt ra đối với thực trạng hiện nay.

Hình ảnh không khó thấy ở những nơi công cộng.
Hình ảnh không khó thấy ở những nơi công cộng.

Vò đầu véo tai... cũng khó bỏ được thuốc lá

Anh Hùng (33 tuổi, ngụ xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) có thói quen hút thuốc lá. Trước đây mỗi ngày anh “làm” hết nửa gói thuốc lá hiệu Jet. Cũng có ý định giảm để có thể tiến tới bỏ thuốc lá, anh chuyển sang hút một loại thuốc lá nhẹ “đô” hơn. Thế nhưng khi chuyển loại thuốc thì anh phát hiện... khả năng đốt thuốc trong một ngày của mình nhiều hơn! Anh than: “Biết vậy chứ làm sao được bây giờ?” Đó là một trong rất nhiều trường hợp hút thuốc lá: vì ghiền, vì công việc, giao tiếp hàng ngày, vì… bắt chước ở một bộ phận thanh thiếu niên,...

Biết phiền hà vợ và đứa con nhỏ ở nhà do khói thuốc lá gây ra, anh Thuần (ngụ Phường 9- TP Vĩnh Long) nhiều lần vò đầu véo tai nói “sẽ bỏ hút thuốc”, nhưng vẫn chưa bỏ được. Hút thuốc lá hơn chục năm nay, từ tập tành theo đám bạn, với trường hợp này giờ như thành nghiện.

Quyết định 229/QĐ-TTg (ngày 25/1/2013) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, nêu mục tiêu chung: giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Cụ thể, chiến lược đặt kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong các nhóm đối tượng (thanh thiếu niên 15- 24 tuổi: từ 26% ở năm 2011 xuống 18% vào năm 2020; nam giới: từ 47,4% ở năm 2011 xuống 39% vào năm 2020; nữ giới: xuống dưới 1,4% vào năm 2020); tăng cường ý thức tuân thủ của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc.

Nhiều cá nhân, đơn vị biết và được triển khai chiến lược này cũng như Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của Quốc hội (Luật số 09/2012/QH13) ban hành nhưng một khi đã hút thuốc lá thì phần lớn vẫn giữ việc hút thuốc lá hàng ngày như một thói quen khó bỏ.

Cơ sở y tế- nan giải với nạn hút thuốc lá

Ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế (cơ quan thường trực BCĐ Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Vĩnh Long)- chia sẻ về kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá năm 2015: Chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình cụ thể trong năm nay để giúp việc thực hiện kế hoạch hiệu quả. Đó là hợp tác chặt chẽ giữa BCĐ phòng chống thuốc lá các cấp, BCĐ các sở ngành; tổ chức tập huấn rộng rãi công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát phòng chống tác hại thuốc lá, và thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; đề xuất tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn, ngoài kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế).

Chia sẻ với phóng viên về thực trạng người nuôi bệnh hút thuốc lá trong bệnh viện hiện nay, bác sĩ Mai Hữu Tiều- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết họ vẫn tự do, thoải mái hút thuốc lá đấy thôi. “Chúng tôi tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá; về việc không hút thuốc lá trong bệnh viện, cơ sở y tế mà Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã nói;... nhưng nhiều người nhà, thân nhân bệnh nhân vẫn vô tư hút thuốc”- bác sĩ Mai Hữu Tiều cho biết.

Theo bác sĩ Mai Hữu Tiều, nhân viên y tế đâu phải ai cũng theo sát nhắc nhở hoài được hành vi người dân hút thuốc lá tại bệnh viện. Nên thực tế người nhà bệnh nhân, người đi thăm bệnh vẫn hút thuốc và quẳng tàn thuốc lá đầy sân, trên bãi cỏ và cả mái nhà trong khuôn viên bệnh viện.

“Hút thuốc lá khi qua cánh cổng bệnh viện là coi như hút thuốc lá trong bệnh viện. Theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP (ngày 14/11/2013) của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có vi phạm trong hút thuốc lá ở nơi cấm hút thuốc lá như trường học, bệnh viện...) thì hành vi đó sẽ bị phạt. Nhưng ai phạt? Và nếu phạt rồi thì người bị phạt đóng tiền ở đâu?”- đó là số vấn đề bác sĩ Mai Hữu Tiều đại diện cơ sở khám chữa bệnh này đặt ra. Đó cũng là vấn đề nhiều bệnh viện thắc mắc và lãnh đạo bệnh viện đều chung nhìn nhận: “Còn nhiều bất cập trong phòng chống tác hại thuốc lá hay để kéo giảm tình trạng hút thuốc lá nói chung và trong cơ sở y tế nói riêng”.

Hút thuốc lá khi qua cánh cổng bệnh viện là coi như hút thuốc lá trong bệnh viện. Theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP (ngày 14/11/2013) của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có vi phạm trong hút thuốc lá ở nơi cấm hút thuốc lá như trường học, bệnh viện...) thì hành vi đó sẽ bị phạt.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI