Bỏ hút thuốc lá- lợi mình, lợi người

Cập nhật, 08:02, Thứ Sáu, 30/05/2014 (GMT+7)

Rất khó để bỏ thuốc lá, một khi đã hút thuốc lá và thành thói quen. Tuy nhiên, nếu nghĩ về những người thân và biết rằng hút thuốc lá sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh tật nguy hiểm khác nhau, làm giảm thọ so với người không hút thuốc lá tới 20 năm thì có thể đó là động lực để người nghiện thuốc lá tránh xa thứ “thuốc độc” này.


Ảnh minh họa: Truyền thông cần mạnh mẽ, đa dạng để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm thiểu tác hại do việc hút thuốc lá mang lại.

Người ta cũng hút (thuốc lá) như mình!

- Anh đi nuôi bệnh à?

- Ừa!

- Vào lâu chưa, bệnh người nhà thế nào?

- Đang đợi kết quả xét nghiệm!

- Ở đây thấy có biển đề “Cấm hút thuốc”, nhưng nhiều người vẫn hút?

- Bình thường thôi mà.

- Anh hút thuốc lá lâu chưa?

- Thì hồi đó tới giờ thôi.

- Chỗ đông người vậy, hút thuốc lá cũng phiền chứ?

- Thì nhiều người cũng hút như tui thôi...

Đó là lược ghi đoạn đối thoại giữa chúng tôi với một người nhà bệnh nhân đang cầm điếu thuốc lá, gương mặt âu lo trong lúc đợi kết quả khám bệnh của người thân tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Tại các bệnh viện, thường tại các khu ít người qua lại, rất dễ thấy nam thanh niên, trung niên tự nhiên cầm điếu thuốc hút trong khi chờ thăm bệnh, chờ người nhà xuất viện và cũng để “giết những rảnh rỗi, âu lo” trong thời gian nuôi bệnh,...

Theo cán bộ y tế một số bệnh viện, chính môi trường ồn ào, áp lực và lo âu về bệnh trạng, thời gian nhàn rỗi của người nuôi bệnh mà bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân “chống chế” bằng thuốc lá (đối với người hút thuốc lá).

Hệ quả, khói thuốc lá vẫn có trong hầu hết các bệnh viện- nơi thường đặt yêu cầu rất cao về việc không có khói thuốc lá.

Trao đổi với một số thanh niên, lao động, được biết người ta hút thuốc lá trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Anh Thuận (30 tuổi, công chức nhà nước) đã biết hút thuốc lá từ năm... học lớp 11, trong một lần “thử coi” với bạn bè.

Thế là sau lần ấy, khói thuốc quấn anh đến tận nay, đã hơn 12 năm. Chị vợ anh “nhằn” tối ngày, kêu bỏ thuốc lá, nhưng anh ậm ừ, rồi đâu vào đấy. Anh Liêm (32 tuổi, chủ đại lý bia, nước ngọt) thì cho rằng, thường khi công việc nhiều hoặc vào cuộc nhậu, đám tiệc thức khuya, anh hút thuốc lá rất dữ.

Những trường hợp này không lạ. Hiện nay hầu như ở đám tiệc bất cứ đâu, những chỗ công cộng hay vào một số cơ quan hành chính,... cũng rất dễ thấy người hút thuốc lá.

Hãy bỏ thuốc lá... vì người thân, vì chính mình

Những khuyến cáo y khoa, lời khuyên của bác sĩ, thậm chí là lời năn nỉ ỉ ôi của vợ, con, người thân gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục được gửi đến những người hút thuốc lá, nhằm hạn chế thực trạng hút thuốc lá trong cộng đồng, giảm nguy cơ bệnh tật...

Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: Về cơ bản hút thuốc lá thể hiện là hút thuốc chủ động và hút thuốc thụ động. Tác hại của 2 hình thái này gần giống như nhau.

Dẫn các nghiên cứu y khoa, bác sĩ Thu Hằng cho biết, có khoảng 40 hóa chất trong thuốc lá nguy cơ cao gây ung thư phổi, họng,... và là nguyên nhân của nhiều bệnh ung thư khác.

Ở lĩnh vực sản khoa, thai phụ không hút thuốc lá, nhưng do “hút thuốc thụ động”, tức bị ảnh hưởng khói thuốc lá từ người chồng, người thân gia đình, sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ sinh ra khả năng dễ bị sứt môi, hở hàm ếch, trầm cảm, các bệnh về chi,...

“Người hút thuốc lá đôi khi biết, nhưng không bận tậm nhiều đến sức khỏe và tác hại lâu dài đối với bản thân mình. Nhưng chính vợ, con, người thân trong gia đình động viên, chia sẻ mới là lý do để họ lo ngại cho chính mình và những người xung quanh, để giảm hút thuốc, hoặc bỏ hút hẳn”- bác sĩ Thu Hằng chia sẻ thêm về khả năng để giảm tỷ lệ hút thuốc lá.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nơi có lưu lượng bệnh nhân, thân nhân người bệnh ra vào đông đúc, lãnh đạo bệnh viện cho biết rất quan tâm đến vấn đề khói thuốc lá trong bệnh viện. Mỗi lần họp hội đồng người bệnh, bệnh viện đều tuyên truyền, nhắc nhở liên tục đến bệnh nhân, thân nhân người bệnh hãy giảm, bỏ thuốc lá khi vào môi trường bệnh viện.

Quy định cấm hút thuốc lá thì dán khắp nơi, nhằm tác động vào nhãn quan, ý thức người dân vào viện. “Dù chỉ dừng lại ở tuyên truyền nhắc nhở, chứ không ban hành hay thực thi chế tài pháp luật, chúng tôi làm tất cả khả năng để kéo giảm thực trạng người dân khi vào viện có hút thuốc lá”- theo bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng.

 

Kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt. Chiến lược với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá (từ năm 2013- 2020) trong các nhóm đối tượng thanh niên (15- 24 tuổi) từ 26% xuống 18%; nam giới 47,4% xuống 39%; nữ giới xuống dưới 1,4%. Đồng thời tăng cường ý thức chấp hành luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc lá.

Bài, ảnh: AN DĨ HIÊN