Bệnh không lây nhiễm: Khống chế tốc độ gia tăng, giảm tỷ lệ mắc

Cập nhật, 14:48, Thứ Sáu, 29/05/2015 (GMT+7)

Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm. Trong đó ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Đó là mục tiêu chung của “Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015- 2025”, tại quyết định đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phê duyệt.

Bệnh nhân lão khoa tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh nhân lão khoa tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng!

Ở phạm vi rộng, hầu hết bác sĩ nhận định, nhiều bệnh không lây nhiễm đang có tốc độ gia tăng nhanh và ngày càng phức tạp.

Các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, đây là nơi tập hợp nhiều mặt bệnh không lây nhiễm phức tạp. Có thể kể như: nhồi máu cơ tim cấp, đái tháo đường, xuất huyết não, tăng huyết áp, các bệnh lý về tim... Ngay cả tự tử cũng thuộc loại bệnh không lây nhiễm mà khoa đã từng tiếp nhận điều trị. “Đời sống phát triển cả vật chất lẫn tinh thần, nhiều bệnh không lây nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng”- bác sĩ Chuyên khoa I Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc nhìn nhận. Bác sĩ cho biết, tại khoa hầu hết các trường hợp bệnh nặng đều tập trung về đây điều trị. Chiếm đa phần từ tuổi trung niên trở lên, có bệnh nhân “gánh” 3- 4 bệnh trong người như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận mạn tính.

“Việc điều trị tích cực, áp dụng các phương pháp y học hiện đại các năm qua đã được khoa triển khai thành công và có hiệu quả tốt. Rất nhiều bệnh nhân có một hoặc các mặt bệnh đã được cứu sống khi điều trị tại khoa”- bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc thông tin thêm.

Tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa, bác sĩ kể mặt bệnh không lây nhiễm cũng đa dạng: bệnh lý về khớp, rối loạn chuyển hóa (gút, rối loạn lipit máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ...) và thường kèm theo tăng huyết áp, đái tháo đường. “Bệnh rối loạn chuyển hóa với nhiều mặt bệnh khác nhau càng lúc càng gia tăng. Đa số bệnh này có ở người từ 40 tuổi trở đi”- bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương- Phó Khoa Nội tim mạch- Lão khoa giải thích.

Trao đổi thêm với bác sĩ ở đây, được biết khoa nào cũng có ít nhiều mặt bệnh thuộc bệnh không lây nhiễm, với mức độ nặng nhẹ khác nhau, cũng như đa dạng đối tượng. Các bác sĩ nhận định, chung quy các bệnh này ngày càng phức tạp hơn, gia tăng nhanh do các yếu tố cuộc sống, môi trường làm việc và chế độ sinh hoạt mang lại.

Quy về câu chuyện ăn uống, vận động

Đây là điểm mấu chốt được hầu hết bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, để phòng tránh, hạn chế mắc, giảm tốn kém, bảo vệ sức khỏe trước nhiều bệnh không lây nhiễm mang lại.

Vào giữa tháng này, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Thực trạng và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam”. Hội thảo đưa các con số: 90% người Việt Nam ăn nhiều muối hơn khuyến cáo, tỷ lệ nam giới uống rượu bia và hút thuốc lá vẫn cao, yếu tố môi trường, sinh hoạt, dinh dưỡng... đã làm bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam ngày càng tăng cao và phức tạp. “Nhiều người đồng thời mắc nhiều bệnh trong số các bệnh không lây nhiễm. Vài chục triệu người Việt hàng năm cần có can thiệp y khoa khi mắc các bệnh không lây nhiễm”- thông tin hội thảo cho hay.

Bác sĩ Huỳnh Kim Phương cho rằng, chính vì cuộc sống phát triển, điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn, và việc không hoặc khó tiết chế chế độ ăn uống, vận động,... sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. “Ngưng hút thuốc lá, tiết giảm rượu bia, có chế độ vận động, thể dục thể thao hợp lý, chế độ dinh dưỡng phù hợp để góp phần phòng tránh bệnh không lây nhiễm”- bác sĩ Huỳnh Kim Phương khuyên. Với người bệnh, ngoài cân đối những yếu tố này thì cần đảm bảo thăm khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.

Cụ thể hơn theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc, như bệnh đái tháo đường, người bệnh cần phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, ăn kiêng, tập thể dục, thường xuyên xét nghiệm theo dõi định kỳ lượng đường. Còn tăng huyết áp, phải tuân thủ dùng thuốc, tinh thần phải luôn thoải mái, tránh lo âu.

“Đa phần các bệnh không lây nhiễm liên quan nhau và có thể một người phải gánh nhiều mặt bệnh. Ngừa sớm bằng cách tuân thủ, tiết chế các chế độ sinh hoạt hàng ngày vừa nêu hoặc bệnh (nếu có) thì điều trị kịp thời là điều mà mọi người cần chú ý”- các bác sĩ khuyến cáo thêm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long qua quá trình học tập, chuyển giao các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại từ bệnh viện chuyên khoa và tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh, nay đã đảm nhiệm điều trị được và thành công nhiều bệnh lý phức tạp thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm. Lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế đã rất quan tâm đầu tư về vật chất lẫn nhân lực cho cơ sở điều trị tuyến cuối của tỉnh nhiều năm qua. Tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp (trong vòng 3- 6 giờ đầu, còn gọi “giờ vàng”), lọc máu liên tục cho bệnh nhân nhiễm trùng biến chứng suy đa cơ quan, chạy thận cấp cứu,... là một số trong rất nhiều kỹ thuật y tế cao, hiện đại mà bệnh viện tỉnh đã làm để cứu sống, đem lại sức khỏe cho bệnh nhân.

 

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN