Cầu nối chia sẻ giữa người bệnh và bác sĩ

Cập nhật, 15:18, Thứ Năm, 18/06/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Việc duy trì đều đặn các buổi họp Hội đồng người bệnh cấp khoa hàng tuần và cấp bệnh viện mỗi tháng được coi là cầu nối chia sẻ giữa bệnh nhân, thân nhân người bệnh với đội ngũ y- bác sĩ, điều dưỡng. Qua đó, đôi bên thấu hiểu, cảm thông với nhau hơn. Theo quy định Bộ Y tế, nội dung trên nhiều năm nay được tổ chức khá quy củ, chặt chẽ và ngày một hiệu quả ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long.

Đại diện Phòng Điều dưỡng kết hợp điều dưỡng trưởng các khoa đến kiểm tra thường kỳ công tác của điều dưỡng viên tại Khoa Nhi.
Đại diện Phòng Điều dưỡng kết hợp điều dưỡng trưởng các khoa đến kiểm tra thường kỳ công tác của điều dưỡng viên tại Khoa Nhi.

Họp Hội đồng người bệnh: kênh thông tin, chia sẻ

Chị Võ Thị Út Chín (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) đưa con trai 16 tháng tuổi lên khám bệnh, sau đó nhập viện điều trị tại bệnh viện tỉnh sáng 9/6. Cháu bệnh tiêu chảy cấp. Trưa cùng ngày, trong đợt kiểm tra thường xuyên của Phòng Điều dưỡng (đại diện Phòng Điều dưỡng và một số điều dưỡng trưởng ở các khoa luân phiên tham gia) tại Khoa Nhi, điều dưỡng hỏi mẹ cháu bé này cách sử dụng thuốc men thì mẹ của bé trả lời rành mạch. Để nhớ và nói được vậy, chị phải được hướng dẫn kỹ từ điều dưỡng, y tá tại khoa. “Tui thấy các chị điều dưỡng ở đây dặn dò thuốc men cẩn thận”- chị Út Chín nói. Chúng tôi hỏi chị Võ Thị Yến Tuyết (xã Thanh Đức- Long Hồ) là mẹ bé Đặng Thanh Tâm đang ở một buồng bệnh Khoa Nhi thì chị nói: “Tui cũng thấy việc khám bệnh, thuốc men được hướng dẫn tận tình”.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, thông tin chia sẻ qua lại giữa bệnh nhân và nhân viên y tế một phần có từ các cuộc họp Hội đồng người bệnh cấp khoa, cấp bệnh viện mà các khoa, bệnh viện duy trì. Bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long- cho hay, hầu hết các khoa lâm sàng, không chỉ duy trì họp Hội đồng người bệnh hàng tuần, mà cần thiết bác sĩ, điều dưỡng có thể hội ý trao đổi, chia sẻ đối với bệnh nhân về một loại bệnh hay quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nào đó.

Theo bệnh viện, họp Hội đồng người bệnh bắt buộc phải có trưởng khoa, điều dưỡng trưởng để giải quyết vấn đề đặt ra tại khoa, ý kiến phản ánh của bệnh nhân và người nhà. Còn họp Hội đồng người bệnh cấp bệnh viện (mỗi tháng một lần) thì có hiện diện của đại diện Ban giám đốc, lãnh đạo Phòng Điều dưỡng và các khoa liên quan để tiếp thu đóng góp, trả lời phản ánh từ người nhà bệnh nhân.

Cuộc họp Hội đồng người bệnh cấp bệnh viện gần nhất diễn ra ngày 26/5, ngoài Phòng Điều dưỡng (nhiệm vụ tổ chức), Ban giám đốc, đã có 72 đại diện bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ 16 khoa lâm sàng tham dự. Tháng trước đó có 65 người, tháng trước nữa có 99 người. Tùy số lượng bệnh nhân, mặt bệnh trong tháng mà số bệnh nhân, người nhà dự họp đông hay ít. Quá trình họp Hội đồng người bệnh trước hết là sinh hoạt nội quy, quy chế của ngành, của bệnh viện đối với cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân; nhắc nhở chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên; tuyên truyền giáo dục phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà.

Bệnh viện- người bệnh: đã hiểu nhau hơn

Theo điều dưỡng Đỗ Thị Lệ Thu- Phó Phòng Điều dưỡng- BVĐK tỉnh Vĩnh Long, tùy từng thời điểm mà nội dung tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khác nhau. Không có dịch bệnh mới nổi, “nóng” thì tuyên truyền cho họ cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long- nói lúc nào bệnh viện cũng thông tin, tư vấn, hướng dẫn tình hình diễn biến bệnh tật hiện tại và cách phòng bệnh cho bệnh nhân và người nhà của họ. Cuộc họp tháng 5 vừa rồi ghi nhận 5 ý kiến: bệnh nhân yêu cầu nhưng nhân viên y tế trả lời chưa rõ ràng; người nhà bệnh nhân gửi lời cảm ơn bác sĩ đã điều trị thân nhân họ khỏi bệnh; nhà vệ sinh vào ngày cuối tuần không được sạch;... Những phản ánh, đóng góp này, Ban giám đốc bệnh viện và điều dưỡng tại buổi họp ghi nhận và trả lời, giải quyết rốt ráo.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, buổi họp Hội đồng người bệnh có thể coi như một “diễn đàn” để bệnh viện lắng nghe bệnh nhân. Nghe họ đóng góp về tinh thần, thái độ phục vụ của mình, cách điều trị bệnh, cơ sở vật chất,... để từ đó bệnh viện có phương án giải quyết thấu đáo. Bằng cách kịp thời uốn nắn, hoàn thiện mình trong khám bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân có ý kiến, có đóng góp với những thiếu sót của mình thì mình xác minh, chấn chỉnh ngay. Sau khi phản ánh, họ sẽ được phục vụ tốt hơn chứ không tệ hơn. Quan trọng là hướng bác sĩ, điều dưỡng, y tá tại các khoa, phòng đến việc phục vụ bệnh nhân tốt hơn. “Hai bên (bệnh viện, người bệnh), qua các buổi họp như vậy đều thấy hiểu, thông cảm và hài lòng nhau hơn. Đó cũng là cách tạo sự thân thiện, gần gũi giữa người làm công tác khám chữa bệnh với bệnh nhân”- bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến nhận định.

Điều dưỡng Đỗ Thị Lệ Thu chia sẻ: “Những tháng gần đây, các buổi họp Hội đồng người bệnh cấp bệnh viện ít nhận được phản ánh về tinh thần thái độ phục vụ của y- bác sĩ, điều dưỡng”. Minh chứng thêm cho hiệu quả từ các cuộc họp Hội đồng người bệnh, bác sĩ Yến nói: “Đường dây nóng bệnh viện rất ít tiếp nhận cuộc gọi, đơn thư phản ánh không có”. Có kết quả được vậy, y đức, quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân đã nâng cao hơn, đem lại hiệu quả cao trong khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân.

Lãnh đạo BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho rằng không thể nào tốt hết và đâu đó vẫn còn số ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hài lòng với đội ngũ nhân viên y tế, nhưng điều đó ngày càng giảm và cải thiện đáng kể. Bởi từng khoa, phòng; từng cán bộ, nhân viên y tế luôn trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của bệnh nhân, sau đó giải quyết phản hồi kịp thời, hợp tình hợp lý. 

 

Bài, ảnh: MINH THÁI