4.879 ngày đấu tranh trong ngục tù Mỹ- Ngụy

10:02, 11/02/2020

"Chuồng cọp" 7 có 8 khu A, B, C, D, E, F, G, H gồm trên 500 phòng, tường xây trệt lợp tôn, cửa sắt chừa một lỗ 1 tấc vuông, để lọt không khí vào, khi cần chúng bít luôn.
 

“Chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo (nhìn từ trên xuống). Nguồn: Bookin.vn
“Chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo (nhìn từ trên xuống). Nguồn: Bookin.vn

 

(Tiếp theo kỳ trước)

“Chuồng cọp” 7 có 8 khu A, B, C, D, E, F, G, H gồm trên 500 phòng, tường xây trệt lợp tôn, cửa sắt chừa một lỗ 1 tấc vuông, để lọt không khí vào, khi cần chúng bít luôn.

Có tin đưa đến là chúng sẽ đưa anh em tôi về “chuồng cọp” 7 để đàn áp lập lại quy chế ác ôn ở “chuồng cọp” 1, 2, nghĩa là còng mỗi người 1 phòng, cấm nói chuyện, cấm liên lạc phòng bên, siết ăn, siết uống cho kiệt sức.

Hay tin, anh em chuẩn bị đối phó, không thể để nó dễ dàng điều anh em đi, và khi về “chuồng cọp” 7 (anh em gọi là “chuồng cọp” Mỹ), thì kiên quyết phá, không cho chúng thiết lập được quy chế “chuồng cọp”.

Tôi nhớ lúc 8 giờ sáng một ngày vào tháng 3/1972, bọn cảnh sát dã chiến từ Sài Gòn ra ập tới vây quanh “chuồng bò”, súng gắn lưỡi lê, cầm tay, đằng đằng sát khí. Bọn giám thị dẫn bọn trật tự đến ra lệnh: “Tất cả anh em phải ra xe dời về trại 7”. Tất cả các phòng đồng loạt trả lời không đi. Từ các phòng, chúng tôi dùng loa tự tạo kêu gọi anh em cảnh sát đừng nghe lời ban quản đốc mà đàn áp anh em tù bị bệnh tật. Một số khi nghe các anh thông báo và kêu gọi đã chĩa nòng súng xuống đất mặt có vẻ buồn bã.

Chúng ra lệnh lần hai rồi lần ba, anh em đều trả lời không đi. Chúng quăng vào mỗi phòng 2 trái lựu đạn cay, tiếng đả đảo đàn áp vang rền, các phòng hỗn loạn, nhưng rồi khói lựu đạn làm anh em nghẹt thở, chúng còng lại rồi chở về “chuồng cọp” 7, nhốt mỗi phòng một người.

Riêng “chuồng bò” lợp ngói, bọn trật tự tràn vào cửa bị anh em dùng khúc củi đánh bật, chúng chạy ra sân nhìn vào. Anh em lo tập trung đối phó ở cửa, nào ngờ một tốp ra sau trại bắc thang lên nóc, dỡ ngói rắc bột phốt pho rớt trên áo, trên vai bốc cháy. Anh em cũng không biết là phốt pho, nên tập trung dập tắt lửa, bỏ trống cửa, chúng tràn vào bắt anh em đưa ra xe về “chuồng cọp” 7.

Chúng đưa Chín Rong- giám thị khét tiếng ác ôn về làm trưởng trại này. Chín Rong quy tụ số trật tự có nợ máu với ta về đây sẵn sàng tư thế đàn áp, lập lại kỷ cương “chuồng cọp” 1, 2 theo ý đồ ác ôn của chúng. Chúng ra lệnh: “Đây là trại 7 chứ không phải “chuồng bò”, phải nằm yên, cấm nói chuyện, cấm quan hệ các phòng kế cận”.

Để đề phòng chúng tách anh em đi thủ tiêu, vừa vào phòng xong, anh em các phòng thông báo nhau tên tuổi, số phòng, kiểm tra coi có mất ai không.

Tiếng thông báo vừa vang lên, thì chúng đến đàn áp. Tiếng “đả đảo đàn áp” vang lên khắp trại. Vừa dứt khu này chúng sang đàn áp khu khác, tiếng “đả đảo đàn áp” và thông báo cho các phòng, các trại cứ tiếp tục suốt ngày đêm. Anh em không lùi bước, kiên quyết không để chúng lập lại nề nếp “chuồng cọp” của chúng. Ngày thứ hai, thứ ba, địch vẫn đàn áp. Đến ngày thứ tư có dịu đi, nhưng chúng vẫn lập lại trật tự theo ý chúng, còn ta thì cứ phá. Ròng rã đấu tranh cả tháng trời, chúng mới đổi tên Chín Rong, chấm dứt đợt đàn áp và cuộc đấu tranh của anh em đã thành công, anh em tự do nói và nói chuyền các phòng. Anh em tổ chức học văn hóa, dù mỗi người ở một phòng. Không giấy, không san hô thì để cái chơn đóng móc rồi lấy tăm tre nhọn vẽ viết, giải các đề toán. Phòng thầy giáo xướng lên: “x + y = 2” thì phòng kế chuyền phòng kế đến phòng chót, rồi từng phòng thông báo đáp số.

Anh em coi học văn hóa, học chính trị là nhiệm vụ lớn, rút ngắn thời gian để khi về đời chỉ lo chiến đấu, vì vậy lúc ở Chí Hòa dù không biết ngày nào mình bị chúng chém nhưng vẫn lo học. Ở khu tử hình hoặc cầm cố ở trại 2 Côn Đảo, tôi đã học toán hết đệ tứ. Anh Vịnh đề nghị tôi tìm được quyển sách toán tiếng Pháp “Algebre et Trigonometrie” dạy hết phần tú tài, tôi tìm được và anh Lê Quang Vịnh dạy tôi xong quyển sách. Lúc này dùng xi măng cục, san hô, gạch, viết trên nền phòng, có lúc phải dùng giấy chì của bao thuốc, lấy móng tay cái cà kéo xóa đi viết lại bài mới.

Đúng 7 giờ tối là giờ văn nghệ, kéo dài 30 phút, kết thúc là bài “Kết đoàn”. Một phòng lấy giọng, các phòng khác tiếp theo đồng thanh. Có lần tôi bị bệnh kiết lỵ, tiêu ra máu đã mấy ngày, tôi không ăn, không uống theo lời khuyên của anh em- đó là cách tự trị của anh em tù cầm cố. Y tá đến phòng chích thuốc, mũi Emétine thứ hai, khi y tá đi khỏi tôi bị phản ứng thuốc, giãy giụa, không nói gì được. Anh em phòng kế cận đập phòng kêu y tá cấp cứu. Y tá đến chích mũi thuốc dã, một lát sau tôi tỉnh dậy. Hôm sau, giờ ăn cơm bên ngoài đưa vào phòng tôi một chén cháo nóng trên mặt rắc một loại bột vàng sẫm, coi lại là vi vảy cá vụn anh em lượm gom đem rang cháy giòn, rồi nghiền thành bột cho anh em bệnh ăn cháo. Ăn chén cháo trong tình cảnh này đầy nghĩa tình mà tôi không bao giờ quên.

Có lần giám thị Sáu Long nói với tôi “Tôi thấy tinh thần thương yêu nhau của tù “Việt cộng” hết sức vĩ đại, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo, đó mới là nhà cách mạng chơn chính. Còn số tù tử hình Hồ Tửu Tường, Trần Văn Ân kia là tù “cải lương”. Ba thằng từng là bộ trưởng giành nhau một con khô cá lù đù, ở tù gì mà được tắm biển 1 tuần 2 lần, tỉnh trưởng đãi tiệc mỗi tuần 1 lần. Cách mạng gì mà thế?”

Ngoại vi của “chuồng cọp” 7 chúng cất một trạm xá nhỏ thường có 6 giường. Số y tá ở đây hầu hết là số tù có nghề và bọn trật tự. Chú Thạnh là tù trong số sinh viên Sài Gòn được chúng chọn ra làm y tá trại này. Hôm đó, khoảng cuối năm 1972, tôi bệnh được đưa xuống trạm xá, gặp ông thầy Thới cùng 5 anh em ta nằm trạm xá. Thầy Thới pháp danh Thích Hành Tuệ, giảng sư Viện Hóa Đạo Ấn Quang bị bắt đày ra Côn Đảo, rất giỏi võ Judo. Trong các cuộc bị đàn áp, ông chiến đấu với bọn địch hết sức quyết liệt. Ông bị bệnh cao huyết áp nặng. Sáng 8/1/1972, hôm đó ông lết ra giếng nước bị đứt mạch máu xỉu tại giếng nước. Chúng lôi ông vào trạm xá thì ông chết. Chúng tôi bàn cách giữ xác để đấu tranh. Chúng tôi chỉ có 7 anh em nằm bệnh xá lôi ghế lấp cửa ra vào rồi thông báo cái chết của ông Thới cho trại 7, trại 6. Các trại nghe hưởng ứng cuộc đấu tranh, mục đích cuộc đấu tranh là đòi giải quyết chế độ ăn uống, cung cấp thuốc trị bệnh cho tù nhân, cả phòng hô khẩu hiệu “Đòi gặp ban giám đốc”. Đúng 9 giờ trưa, ban giám đốc đến, hứa giải quyết các yêu sách và tổ chức mai táng ông Thới. Cuộc đấu tranh kết thúc.

Từ năm 1971, khẩu phần lương thực bị chúng cắt bớt chỉ còn 400g gạo mỗi ngày, so trước kia 700g. Nhiều cuộc đấu tranh đòi đủ cơm nổ ra liên tục, nhưng chúng làm ngơ. Nên mỗi lần ăn cơm là hô khẩu hiệu đòi nhà cầm quyền cấp đủ cơm vang dội 30 phút, ngày này qua ngày khác, riết rồi nó lờn, nhiều anh em muốn thôi không la nữa “nó đã cho ăn đói, càng la càng đói thêm”. Số khác lại nói “Ta la là tấn công chánh trị nó, tố cáo tội ác nó, có đói thêm chút ít không sao?”

Tin tức về Hội nghị Paris được anh em tù theo dõi, từ dự thảo Hiệp định 1972 bị lật lọng, chúng tiếp tục ném bom miền Bắc, phong trào chống chiến tranh dâng cao khắp thế giới, nhân dân Mỹ xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược bẩn thỉu, đòi chồng con bị bắt đi lính sang Việt Nam, trong số biểu tình có cả binh sĩ Mỹ từng tham chiến Việt Nam. Nội bộ mâu thuẫn, vụ Wategeat khoét sâu thêm sự chia rẽ, bọn chủ chiến bị cô lập. Trên chiến trường Việt Nam ta càng đánh mạnh, tin thất trận dồn về Quốc hội Mỹ.

Trong tù nhận định trước sau gì Mỹ cũng ký hiệp định đình chiến. Nhiệm vụ trong tù là chuyển từ đấu tranh dân sinh, dân chủ sang đấu tranh chính trị khi hiệp định được ký, đòi nhà cầm quyền miền Nam áp dụng Luật Tù binh quốc tế đối với tù chính trị Côn Đảo, chống tráo hồ sơ chính trị sang thường án, chống xé lẻ thủ tiêu cán bộ cốt cán, đòi trao trả tất cả anh em cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Tất cả trông chờ ngày ký hiệp định. Vì bị ngăn cách dữ dội, nên anh em quy ước: Nếu phòng anh Mười Hải ở phòng 11/G có tiếng hoan hô hòa bình thì ta biết rằng Hiệp định Paris đã ký xong. Đó cũng là mệnh lệnh mở ra cuộc đấu tranh.

Hôm đó, như thường lệ, chúng tôi đang hát, thì bên khu G có tiếng la lên là lạ. Tôi bảo: “Thôi nín đi, coi tiếng la gì ở phòng nào phát ra”. Anh em ngang phòng 11/G nói: “Hoan hô hòa bình”, phát ra từ phòng 11/G. Tôi mừng quá la lên: “Hiệp định Paris ký rồi, chấm dứt chiến tranh, hòa bình lập lại rồi”. Chúng ta hãy hoan hô. Các dãy “chuồng cọp”, các phòng như muốn vỡ tung bởi tiếng hoan hô hòa bình.

Bên ngoài bọn giám thị ngơ ngác, chắc chúng chẳng theo dõi tình hình. Còn đám trật tự thì càng ngu hơn, chúng chạy vào các phòng la lên: “Hòa bình con c., đ.m bị nhốt tối ngày không thấy mặt trời mà biết con c. gì mà hoan hô”.

Tôi chưa nắm nội dung bản hiệp định thế nào, có chấm dứt được nỗi khổ do chiến tranh xâm lược gây nên cho dân tộc ta hay con đường giải phóng hoàn toàn còn phải bước tiếp. Dù thế nào, tù binh, tù chính trị cũng được trao trả.

Niềm hân hoan tràn ngập trong lòng, có lẽ đó là ngày vui sướng nhất của đời tôi, “sống lại trong vinh quang từ cõi chết”.

Nằm trong phòng thao thức suốt đêm, tưởng tượng ngày mai về đời sẽ ra sao? Bạn bè kháng chiến ai còn, ai mất, gia đình hết lòng nuôi mình lúc hoạt động cách mạng còn hay bị hủy diệt bởi chiến tranh. Ước gì ba má tôi còn sống để ôm con khóc trong ngày sum họp, ước gì vợ tôi ráng chịu gian khổ để bây giờ tận hưởng phút đoàn viên! Còn con tôi ra sao? Tôi tin mẹ nó sẽ nuôi và dạy dỗ chúng.

Không biết vì sao trong tù tôi lại học thuộc lòng một bài thơ, có lẽ tác giả tôi không biết, cũng là người đồng cảnh ngộ với tôi, tôi đọc lên:

Rồi một hôm nào cởi áo xanh

Hết cùm hết xích hết roi canh

Nghiêng vai trút nhẹ đời giam cấm

Anh trở về anh của gia đình

 

Đây nẻo làng quen tự bé thơ

Tre thân ngoắt ngọn ý mong chờ

Mái nhà ai khói lam lên đó

Có phải nhà anh những thuở xưa?

 

Có lẽ con anh lớn lắm rồi

Chúng đang đùa nghịch hát vang cười

Anh về chắc chúng ngừng vui lại

Bỡ ngỡ rồi la “Cha! Cha ơi!”

 

Và vợ anh đang thổi lửa chiều

Vui mừng quăng đũa bỏ nồi niêu

Hai hàng tóc xõa tung không bới

Ôm lấy anh mà khóc giận yêu.

 

Nhưng ngỡ nhà xưa đã tới đây

Cột sơn đã đuổi liếp tre gầy

Bảng mờ ai khắc tên lên đó?

Anh thấy sao như kẻ lạc loài.

 

Chân muốn vô song lại ngập ngừng

Chó nhà đâu đã sủa người dưng

Anh nhìn len lét vườn cau mới

Và tấm bình phong đứng lạnh lùng.

 

Không, chính xưa anh ở chốn này

Tre già còn đó, miếu còn đây

Lòng bâng khuâng mãi ôn ngày cũ

Chợt tiếng người đâu: “Chú hỏi ai?”

 

Anh hỏi nhà anh: “Không phải đây”

Rồi thôi quay đóng cửa then gài

Để ngoài sương gió chiều nghe lạnh

Bên khóm tre già khách đứng ngây!(1)

Trong đêm đó chúng cho trật tự bít luôn lỗ thông gió của phòng, và hôm sau chúng hé cửa đưa chén cơm vào phòng rồi khép lại. Chúng nghi số anh em nhà bếp đem tin nên đổi một số ở nhà bếp và trật tự để bịt kín tin vào phòng. Tin tức vô phòng khó khăn.

(*) Bài thơ “Người về” của Tố Hữu viết vào 9/1941

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh