Nắng xuân lấp lóa, hoa dịu dàng hương

Cập nhật, 05:06, Chủ Nhật, 09/02/2020 (GMT+7)

Chiều lấp lóa nắng, cho muôn sắc hoa dịu dàng hương...

Chủ của khoảnh “hoa trước sân nhà” soạn sửa hoa kiểng bán tết cho người lại qua.
Chủ của khoảnh “hoa trước sân nhà” soạn sửa hoa kiểng bán tết cho người lại qua.

Tôi chọn buổi chiều để rong ruổi nẻo đường quê xem hoa lá. Bên hoa lá, có thể nắng sáng sẽ thong dong êm đềm hơn, nhưng nắng xiên chiều để thấy nhễ nhại công sức, tỉ mẩn chăm bẵm hơn. Và cũng để khách đường xa trên bận đi về thì dễ có hiệu ứng thu hút hơn...

Bà con mình ở nông thôn hầu như trước nhà cũng có vài khóm hoa chậu lá. Trồng hoa kiểng cho mình vui ngắm, cho người qua lại mục thị xuýt xoa, rồi sẻ chia nhau (nôm na mua bán) đem về đón tết. Ở ấp Thạnh Trí (xã Hòa Thạnh- Tam Bình) đoạn trên QL53 hướng Vĩnh Long đi Trà Vinh có “xóm” trồng hoa lá vậy.

Ở đây, ông Trương Văn Thẩm (chú Chín) nói trồng hoa đã mười mấy năm. Hoa trồng quanh năm, trong đó trồng và bán buôn nhiều nhất là 3 đợt rằm lớn (tháng Giêng, tháng 7, tháng 10) và dĩ nhiên là dịp Tết Nguyên đán. “Mùa tết này nhà mình ra bao nhiêu loại hoa, kiểng lá?”- tôi hỏi. “Không thể đếm chính xác được, không nhớ hết được, nhưng áng chừng hơn 20 loại hoa lá trước sân nhà”- chú Chín khà khà.

Cúc đồng tiền, vạn thọ Pháp, hoa bướm đêm, mào gà, bông bụp, bông giấy, sống đời, hướng dương, bông trang, tứ quý, lưỡi hổ, lưỡi mèo, xương rồng, bắp... Những thứ hoa kiểng lá không thể đoán hết chủng loại, định số lượng của chủ nhà ấy cứ bày biện “hầm bà lằng” ra trước khoảnh sân nằm cặp lộ đông đúc người xe. Chỉ sau nhà, với 2 liếp gần một công ruộng, chú Chín nói chính xác là trồng vạn thọ Pháp và cúc tiger. Tùy vòng đời của hoa, kiểng lá, kiểng trái... có loại trồng từ tháng 7 âm lịch, loại đến tháng 10 mới gieo hay tầm 2 tháng nữa tết mới xuống giống.

Còn bán, từ đầu tháng Chạp tới tết cứ lai rai suốt. “Người đi đường ngang qua thấy rộn sắc màu và ghé lại”. Bà Nguyễn Thị Em (thím Chín) trong khi đang vốc đất vào chậu cho mấy khóm lưỡi hổ nói cứ bày lan man, luông tuồng vầy nhiều khi lại... hay đó chú! Khách vào chọn hoa kiểng ngó tìm khóm hoa này, có khi nghiêng qua thấy chậu kiểng lá kia hay mà mua thêm...

Nắng xuân lấp lóa, hoa dịu dàng hương.
Nắng xuân lấp lóa, hoa dịu dàng hương.

Hoa lá ở đây chủ yếu là bán tại nhà, cả sỉ và lẻ. Không chỉ chú Chín mà trong khoảng 6 hộ trồng hoa ở xóm này như hộ ông Tài, ông Phèn cũng “hoa trước sân nhà” như vậy.

Cái hay của “hoa trước sân nhà” nôm na trước hết là cho chủ trồng hoa: đẹp nhà đẹp cửa cho mình. Tiện đường, cái hay đó được buôn bán với khách đường xa để mang hoa lá cành về trang trí nhà họ.

Tới điều được nữa là giá cả. Người trồng hoa lấy công làm lời, nhưng là khoản vui vầy cho tết. Còn khách mua hoa kiểng tại nhà dù gì cũng “nới” hơn so mua ở các chợ hoa kiểng dù ở nông thôn hay lên tận chợ trung tâm. Nói chung là vui và tiện đôi đường.

“Tầm 20 tháng Chạp đổ đi, hoa lá cứ trước sân nhà, người xe xôn xao lố nhố, vui lắm”- chú Chín mô tả và nói “bởi vậy tết nào mà không trồng hoa kiểng là thấy buồn”.

“Quanh năm, hễ thấy hoa lá nào mới lạ là tậu về trồng, gầy ra. Phải vui vẻ mới chăm bẵm cành hoa cây kiểng được chú”- thím Chín trả lời tôi rồi nói- “bao người đi ngang qua thấy hoa đẹp lựa chọn mua về, đó là vui nhất ở tấm lòng mình rồi”...

Tết Nguyên đán, lan man chuyện hoa lá chút cho vui. Như hoa lá vẫn muôn hương sắc vậy!

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN