Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

4.879 ngày đấu tranh trong ngục tù Mỹ- Ngụy (tt)

Cập nhật, 05:09, Chủ Nhật, 09/02/2020 (GMT+7)

 

Những phòng giam có mái che được xây dựng với diện tích nhỏ, rộng 1,45m, dài 2,5m (khoảng 3,6m2). Toàn bộ tù nhân đều bị xiềng xích, ăn, ở, vệ sinh trong buồng giam. Ảnh mô hình tái hiện nhà tù ở Côn Đảo.Nguồn: Internet
Những phòng giam có mái che được xây dựng với diện tích nhỏ, rộng 1,45m, dài 2,5m (khoảng 3,6m2). Toàn bộ tù nhân đều bị xiềng xích, ăn, ở, vệ sinh trong buồng giam. Ảnh mô hình tái hiện nhà tù ở Côn Đảo.Nguồn: Internet

Một hôm, có một tên Trưởng trật tự đến phòng hỏi:

- “Các anh có cần radio không? Tôi ngơ ngác, bọn ác ôn này bộ thử mình sao? Hắn
nói tiếp:

- Tôi tin các anh là thứ thiệt, tôi mới giao cho các anh, bộ các anh sợ tôi à!

- Nếu trong phòng có radio, khi xét phòng thì làm sao?- tôi hỏi nó.

- Tôi là Trưởng trật tự, có xét phòng thì tôi vào lấy radio ra chớ có gì mà lo!

Thấy nó nói thật, chúng tôi đồng ý nhận radio và nhờ nó mua một keo mủ đựng nước tương rồi lấy ny lông bó chặt cái radio bỏ vào keo mủ đựng nước tương. Tối lại lấy radio ra trùm mền lại mở đài. Anh em rà nhiều lần mà không bắt được đài Hà Nội, đành trả lại cho nó. Dù sao cũng cảm ơn lòng tốt của nó.

Suốt thời gian ở Chí Hòa, gia đình anh em thăm nuôi đều đặn. Thỉnh thoảng, chúng cõng anh em đến trạm xá khám bệnh qua loa rồi trả về phòng.

Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5) đã đến. Anh em bàn, năm nay phải làm công khai và lớn để động viên anh em các phòng vừa bị chúng đàn áp và tách số lãnh đạo đày đi Côn Đảo.

Có 1 trong số 40 anh em không chịu làm lễ và dọa sẽ la lên tố cáo với Ban Giám đốc. Nhóm trẻ đòi bẻ cổ nó, tôi cản lại để giáo dục. Sau nhiều người phân tích nó nằm êm. Tới kỳ thăm nuôi, anh em dặn người nhà lấy giấy màu đỏ và vàng gói thức ăn, để anh em lấy làm cờ đỏ sao vàng treo ở bàn thờ
Tổ quốc.

Đúng 4 giờ sáng, cả khám Chí Hòa còn im trong giấc ngủ, thì tại phòng OG4, OG3 chúng tôi đang làm bàn thờ Tổ quốc, lá Quốc kỳ đỏ chói với ngôi sao vàng thiêng liêng làm sao! Tất cả ăn mặc đồ mới chỉnh tề ngồi hàng tư, hướng về bàn thờ Tổ quốc. Sau vài lời khai mạc, một tiếng vang lên “Tất cả chuẩn bị, nghiêm... chào cờ, chào - Quốc ca”. Bài “Tiến quân ca” vang lên xé tan bầu không khí tĩnh mịch ở khám Chí Hòa. Anh em càng hát lớn hết sức để đánh thức anh em còn đang say ngủ.

Bọn trật tự hoảng hốt chạy ra ngoài báo cáo. Một tốp giám thị cùng mấy mươi trật tự chạy vào. Tôi đứng ra nói:

- Hôm nay là ngày sinh nhật Bác Hồ, lãnh tụ của chúng tôi. Các ông để chúng tôi làm lễ xong, chúng tôi sẽ dẹp, nếu các ông tràn vào, chúng tôi sẽ
tử chiến!

Một tên giám thị nói:

- Ở ngoài đời, các anh cũng bí mật làm lễ, chớ đâu phải công khai thế này! Các anh làm vậy là đập nồi cơm gia đình tôi rồi!

- Thì các ông cứ đi báo cáo với Ban giám đốc! Một anh được phân công nói tiểu sử Bác, sau cùng tất cả cúi đầu mặc niệm Bác và liệt sĩ. Chúng tôi làm xong rồi dẹp bàn thờ, đốt lá cờ, nhất định không cho chúng lấy. Ban giám thị và Ban giám đốc thấy êm rút lui, còn để bọn trật tự ở lại gác.

8 giờ sáng, chúng tôi dọn bánh, cà phê sữa, thuốc thơm và thức ăn mà gia đình gởi vô thành mâm, mời 2- 3 trật tự ngồi mỗi mâm ăn “Lễ sinh nhật Bác”, nghe anh em kể cuộc đời và sự nghiệp cách mạng
của Bác.

2 ngày sau là ngày gia đình thăm nuôi. Anh em ngồi chờ đến 10 giờ trưa mà không thấy giám thị kêu anh em đi thăm nuôi. Anh em sinh nghi, đòi gặp gia đình. Bọn giám thị vào phòng nói “Ban Giám đốc phạt các anh về việc các anh làm lễ sinh nhật, không cho các anh được gia đình thăm”. Anh em phản đối lết khỏi phòng chiếm hành lang và la khẩu hiệu đòi được gặp gia đình. Chúng đóng cửa hành lang và ta vẫn la đến hết 5 giờ, mục đích la là đấu tranh, đồng thời tạo điều kiện cho gia đình đấu với nó. Rốt cuộc nó cho lò than vào phòng nấu thức ăn, còn ta thấy trời tối có lẽ gia đình đi về nên kết thúc đấu tranh.

Nhiều lần Ban giám đốc mời chúng tôi và hăm “đưa các anh về trị bệnh, dưỡng sức các anh, nhưng các anh cứ quậy mãi, hết trận này đến trận khác, chắc chúng tôi phải trả các anh về Côn Đảo”.

Chúng tôi vẫn biết, trước sau gì chúng cũng đưa chúng tôi đi, nên quyết định chuẩn bị mặt nạ giả, chanh đối phó với lựu đạn cay khi chúng đàn áp bắt đi. Anh em cũng chuẩn bị cả dây kẽm cột cửa không cho chúng mở vào.

Đúng như dự đoán, thứ hai ngày 25/6/1971, sau khi kết thúc thăm nuôi, vào buổi trưa thì có tin nó đưa chúng tôi ra đảo chuyến tàu chiều nay. Tất cả được chuẩn bị tác chiến, nhất định không đi nếu nó bắt đi được cũng phải đổ máu, gây tiếng vang cho các phòng giam khác ủng hộ.

Trước tiên chúng đưa trên 40 tên trật tự dưới sự chỉ huy của bọn giám thị ập vào phòng OG3 bắt anh em. Anh em đánh trả quyết liệt. Ở OG4, chúng tôi thông báo các nơi “Mỹ- ngụy đàn áp bắt anh em bại xuội đày đi Côn Đảo- đả đảo đàn áp”. Các phòng hưởng ứng, tiếng la đả đảo đàn áp vang từ khám Chí Hòa đến vùng dân cư
lân cận.

Cuộc xô xát của anh em OG3 hết sức quyết liệt, vũ khí của anh em là các hộp sữa vừa được gia đình gởi khi thăm nuôi. Một tên trật tự bị đánh bể xương mắt té nằm xoãi không cục cựa. Bọn trật tự la “nó đánh mình chết một đứa rồi”. Bọn còn lại hoảng hốt bỏ chạy ra khỏi phòng, địch bỏ lại một xác trong phòng, anh em ta bị thương một số, nhưng vẫn còn đủ sức chiến đấu.

Tất cả giám thị và trật tự rút đi, anh em chuẩn bị đối phó đợt tấn công mới. Độ 10 phút sau, chúng kéo đến, không phải đánh mà năn nỉ anh em “các anh đánh chết nó rồi, cho chúng tôi vào lấy xác nó ra”.

Anh em đặt điều kiện cho nó, đồng thời cho vài tên vào khiêng xác. 2 tên vừa chen cửa vào thì bọn còn lại ập vào, bất ngờ anh em đánh trả lại nhưng nó đông quá, bắt còng anh em đem đi.

Giải quyết xong phòng OG3, toàn bộ chúng dồn về OG4 của chúng tôi. Nãy giờ chúng tôi vừa la đả đảo đàn áp, vừa lấy dây kẽm quấn nhiều lần cột chặt cửa phòng. Tất cả tròng mặt nạ giả, cắt chanh để đó đề phòng lựu đạn cay.

Tên giám thị ra lệnh mở cửa, bọn trật tự bảo: “Nó quấn dây chì cứng ngắt, mở không ra”. Chúng quăng vào 3 quả lựu đạn cay, khói nghi ngút, trong phòng ta cứ la đả đảo đàn áp, bọn chúng liệng thêm 2 quả lựu đạn cay nữa.

Tốp lính leo lên tường nhắm vào phòng phóng 5 trái phi tiễn, tất cả nghẹt thở chết giấc. Chúng đem hàn xì phá cửa vào còng anh em khiêng lên xe để sắp lớp, người này chồng lên người kia. Độ 10 phút, anh em tỉnh lại, nhiều anh đề nghị tiếp tục bạo động.

Tôi không cho và nói: “Cứ giả ngất xỉu, chờ xe đến cửa khám, có quần chúng, ta bất ngờ bạo động có tác dụng hơn”. Anh em đồng ý. Xe vừa qua cổng, anh em đồng loạt ngồi dậy la “Đả đảo nhà cầm quyền Sài Gòn đày tù nhân bại xuội đi Côn Đảo”. Xe bị phủ vải mui, nên không thấy bên ngoài.

Anh Chín Phương còn giấu trong lai áo nửa miếng lưỡi lam, móc ra rọc miếng vải mui, anh em tập trung giật mạnh miếng vải. Miếng vải tung ra khỏi mui xe, anh em đưa hai tay bị còng lên tố cáo tội ác của chúng.

Xe cảnh sát rúc còi dọn đường, các xe chở tù chạy sau vang tiếng đả đảo, quần chúng đổ xô ra đường, nhất là qua các ngã tư nhìn xem đoàn xe với vẻ mặt buồn bã căm hờn. Từ Chí Hòa đến Bạch Đằng, biến thành cuộc tuần hành.

Xe vừa đậu trên bến tàu, bọn cảnh sát tay cầm ba trắc tràn lên xe đánh túi bụi. Anh em vừa đánh trả vừa la “đả đảo đàn áp”. Số anh em tù bị chúng còng chân dưới tàu nghe nó đàn áp anh em bại xuội, đồng loạt đứng lên khua còng rổn rảng vừa la “đả đảo đàn áp”. Dưới tàu trên xe hợp đồng ăn khớp. Một số anh em bị thương trên đầu máu chảy đầy mặt.

Tên thiếu tá- thuyền trưởng từ tàu chạy lên la: “Ngưng lại, ngưng lại, đừng đánh nữa. Chúng nổi dậy phá tàu dưới kia kìa. Tôi không chịu trách nhiệm đâu nhé!”

Nghe vậy, bọn cảnh sát lùi ra. Ta tiếp tục đấu tranh đòi trị bệnh 3 anh bị thương nặng, chúng hứa, nhưng rồi cũng đưa anh em xuống tàu còng lại sau khi ta băng bó anh em. Trong xô xát, ta giựt được hai cây ba trắc. Bọn cảnh sát xin lại, anh em không cho và quăng tuốt xuống sông.

Trời tối dần, tàu tách bến Bạch Đằng, bóng đèn điện dần mất, còn lại những ngôi sao trên trời xẹt qua xẹt lại theo mức lắc lư của con tàu đang nhảy sóng. Gió thổi mạnh, hơi lựu đạn cay còn trong các xấp quần áo, bốc ra nồng nặc.

Gió càng to, sóng càng to, chiếc tàu nhỏ nhào lộn lên sóng, nước tạt vào ướt hết anh em. Nhiều anh em ói mửa trên đầu, trên mặt bạn bè. Suốt ngày đêm chiến đấu, anh em mệt nhừ người nằm thiếp đi. Chiều hôm sau (26/6/1971) tàu đến Côn Đảo, chúng đưa anh em bại xuội về ở cùng phòng ở trại 4. Số anh em còn mạnh trong chuyến tàu này chúng nhốt ở các phòng trong trại 4.

Để đồ đạc xong, trời gần xẩm tối. Bọn giám thị mở cửa phòng chúng tôi và bắt lết đến giếng nước cách đó độ 100m, có trật tự gác và phân phối mỗi người 2 lon nước để tắm.

Đầu bị dính cơm mửa ói, áo quần tả tơi đầy cơm cá, bùn đất, hết sức hôi tanh, anh em đề nghị cho anh em tắm để rửa sạch hôi tanh. Chúng kiên quyết không cho, anh em giành giựt nước với nó, nó xô ngã anh em lăn ngửa lăn nghiêng.

Một anh nóng vừa chửi, vừa rút ghế lết tới bửa vào đầu tên trật tự. Bị đòn bất ngờ, bọn nó la lên, bọn đầu trâu mặt ngựa ùa vào rút đòn gánh (đòn bằng gỗ lớn bằng cùm chân, dài 2,5m) đánh anh em túi bụi. Anh em móc đá xanh làm vũ khí, vừa liệng vừa đánh, vừa la “đả đảo đàn áp”. Tất cả anh em các phòng ùa ra cửa, vừa đả đảo, vừa xô cửa sắt (đã bị khóa) rầm rầm.

Tốp thì lấy hộp sữa liệng, tiếp sức với anh em. Anh em nóng lòng thét to “đả đảo bọn giết người” và thông báo các phòng. Bọn trật tự được lệnh lui ra. Ta giữ 3 người bị đánh nặng, đòi gặp mặt Ban quản đốc tại trại, anh em ở ngoài sân không vào phòng đến khi Ban quản đốc giải quyết các yêu sách. Ta nêu các yêu sách.

- Đưa điều trị anh em bị thương.

- Trừng trị bọn trật tự và giám thị ác ôn có nợ máu với anh em.

- Cho anh em được tắm rửa, giặt giũ.

Đến 9 giờ tối, Ban quản đốc xuống đồng ý giải quyết các yêu sách. Ta chấm dứt đấu tranh và vô phòng. Qua mấy ngày sau, chúng đưa anh em bại xuội chúng tôi về “chuồng bò”
trại tôn.

Nơi đây, anh em tiếp tục học văn hóa, học chánh trị, người khá dạy người kém. Tôi cũng vừa học văn hóa lớp 10 vừa dạy lại anh em lớp đệ ngũ về
môn Toán.

Chúng hòa hoãn với chúng tôi ở “chuồng bò”, để ra sức xây dựng “chuồng cọp” 7. “Chuồng cọp” 7 nằm giữa “chuồng cọp” 2 và trại câu lưu mà anh em thường gọi là trại 1.

(Mời xem tiếp trên số báo tới)