Nhắc nhở trò đạo thơ bằng... thơ

Cập nhật, 09:54, Thứ Bảy, 14/12/2019 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Đình Quảng (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ông từng dạy học nhiều năm ở các trường: CĐ Sư phạm Hà Tây, PTTH Hà Đông (nay là quận Hà Đông- Hà Nội) cho đến lúc nghỉ hưu.

Ngoài viết thơ châm, truyện cười, Nguyễn Đình Quảng còn là tác giả của nhiều tập sách viết cho thiếu nhi. Vì vậy, các tác phẩm của ông rất hợp với thị hiếu lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Nhiều độc giả nhí cứ tưởng ông đang ở tuổi... nhí, nên có em viết thư cho ông cứ xưng mình mình, tớ tớ như những người bạn cùng trang lứa vậy.

Một lần, có một cô học trò nhí, vì quá mến mộ thầy, hay vì thích bài thơ “Bụt hiện” của thầy Nguyễn Đình Quảng đã được đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ (1997) và báo Công Lý (2002), nên đã chép nguyên xi bài thơ này gửi lại cho các báo và được đăng ở Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ (2006). Bài thơ như sau:

Gối đầu lên, giỏ tép không còn nữa

Ước mơ yếm đỏ tan, em Tấm khóc oà

Dù lệ chúng sinh tràn đầy bốn biển

Nghe tiếng nức nở này, Bụt vẫn hiện ra!

Bụt còn hiện, bảo Tấm chôn xương Bống,

Gọi bầy chim nhặt thóc gạo giúp người,

Cho Tấm ngựa hồng, áo quần rực rỡ

Và đôi hài, đến hội một chiếc rơi...

Truyện Tấm Cám ngàn đời ta yêu thích

Một lý do: Bụt hiện rất kịp thời,

Bụt ở trên cao, hồng trần xa tít

Vẫn nghe rành tiếng khóc trẻ mồ côi.

Một hôm đến thư viện, nhà văn Nguyễn Đình Quảng vô tình đọc được bài thơ của mình đăng nguyên trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, Nguyễn Đình Quảng hết sức ngỡ ngàng vì thấy dưới bài thơ này lại đề tên một tác giả nữ lạ hoắc: Nguyễn Thị V. (xin được viết tắt tên).

Về nhà, ông gọi điện cho toà soạn thì được biết tên và địa chỉ của cháu Nguyễn Thị V. là một học sinh lớp 8. Mặc dù rất bực, nhưng rồi ông nghĩ: Cháu V. chỉ bằng tuổi con cháu mình, nên đại lượng tha thứ cho qua. Nhưng để ngăn chặn sự tái diễn và nhắc nhở các trường hợp tương tự, ông đã làm một bài thơ “Gửi cháu N.T.V.”:

Rõ ràng bài “Bụt hiện”

Đã đăng trên báo rồi

Viết về truyện Tấm Cám

Tác giả chính là... tôi.

 

Nay “Bụt hiện” lại ... “hiện”

Trên mặt báo sáng ngời

Buồn cười lắm, tác giả

Sao chẳng phải là tôi?

Cháu N.T.V. ơi!

Đừng “cóp” thơ của người

Một lần này thôi nhé

Từ giờ, nhớ chừa thôi!

Khoảng 10 ngày sau, nhà văn Nguyễn Đình Quảng nhận được hồi âm của cháu N.T.V. với những dòng chữ nắn nót, lời lẽ chân thành, ngắn gọn, với 2- 3 lần “Cháu xin lỗi bác” và hứa sẽ không bao giờ lặp lại như thế nữa.

Đọc xong bức thư, Nguyễn Đình Quảng rất vui và thấy lòng thanh thản.

Dùng thơ để nhắc nhở việc đạo thơ như Nguyễn Đình Quảng quả là một cách hành xử đầy tính nhân văn và hiếm trong làng văn.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN-st