Trà Ôn hướng tới phát triển nông nghiệp- nông thôn toàn diện

Cập nhật, 05:06, Thứ Năm, 28/11/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, huyện Trà Ôn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Những mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả từng bước được lan tỏa, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đoàn giám sát của Tỉnh ủy tại vườn cam sành trồng trên đất lúa của anh Bùi Thanh Nhàn (xã Thới Hòa- Trà Ôn).
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy tại vườn cam sành trồng trên đất lúa của anh Bùi Thanh Nhàn (xã Thới Hòa- Trà Ôn).

Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

Theo báo cáo của Huyện ủy Trà Ôn, kinh tế nông nghiệp- nông thôn huyện năm 2019 phát triển theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,79%.

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng. Trong đó, trồng trọt chiếm 57,35%, chăn nuôi chiếm 34,41% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,24%.

Theo đó, những mô hình sản xuất hiệu quả có sức lan tỏa tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, điển hình là mô hình trồng cam sành trên đất lúa, tập trung tại các xã Thới Hòa, Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn và Tân Mỹ… với 3.142ha, nâng tổng số diện tích cam sành toàn huyện là 4.356,6ha, tăng 454ha so với năm 2018. Từ các mô hình này, nông dân thu lợi nhuận từ 140- 180 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra còn có mô hình trồng bưởi Năm Roi, mô hình chôm chôm cho hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể đời sống của người dân.

Được mùa lại được giá, 10 công cam sành trồng trên đất lúa đã đem đến niềm vui cho gia đình anh Bùi Thanh Nhàn (ấp Tường Thịnh- xã Thới Hòa) trong 2 năm qua. Anh Nhàn cho biết, từ lúc thu hoạch đến nay, doanh thu từ 10 công cam sành khoảng 800 triệu đồng.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, căn nhà đang xây bên cạnh vườn cam sành của anh Nhàn góp phần cùng địa phương xây dựng bộ mặt nông thôn mới.

Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở địa phương cần gắn liền với xây dựng kinh tế hợp tác hiệu quả.
Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở địa phương cần gắn liền với xây dựng kinh tế hợp tác hiệu quả.

Nhiệt tình bày tỏ niềm vui của bản thân, anh Nhàn vui vẻ nói: “Thấy cam sành cho lợi nhuận cao, tui phấn khởi lắm! Mới đầu tui trồng có 2 công thôi. Thấy hiệu quả rồi mở rộng từ từ. Trồng cam sành cho lợi nhuận gấp 10- 12 lần so với trồng lúa, vừa cải thiện đời sống cho gia đình vừa làm theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, về phía cây lâu năm, bên cạnh chôm chôm thì cam sành là lợi thế hàng đầu của huyện Trà Ôn. Diện tích trồng cam sành tại Trà Ôn chiếm gần 50% diện tích cả tỉnh.

Tuy nhiên, cam sành hiện cũng đang gặp khó về giá cả vì vậy cần có giải pháp đảm bảo ổn định chất lượng cam sành và đầu ra. Huyện cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tạo hướng ra bền vững cho sản phẩm.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

Là một trong số 17 hợp tác xã hiện đang hoạt động trên địa bàn huyện, HTX Cam sành Phú Nông (ấp Tường Nghĩa- xã Thới Hòa) “khởi sắc” với những chuyến xe tải thường xuyên đến vận chuyển hàng. Thành lập năm 2017, đến nay HTX Cam sành Phú Nông có 18 thành viên với tổng diện tích canh tác 60,4ha.

Nhiều hộ gia đình tại Thới Hòa “thay da, đổi thịt” nhờ vườn cam sành thâm canh trên đất lúa.
Nhiều hộ gia đình tại Thới Hòa “thay da, đổi thịt” nhờ vườn cam sành thâm canh trên đất lúa.

Trong đó, 20,5ha trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Lợi nhuận của các thành viên đạt từ 20- 30 triệu đồng/công. Không chỉ vậy, HTX đang giải quyết việc làm cho khoảng 30 người, góp phần tạo thêm việc làm mới cho lao động địa phương.

Thoăn thoắt kiểm tra chất lượng cam sành vừa về đến, chị Nguyễn Thanh Trúc- Giám đốc HTX Cam sành Phú Nông- cười nói: “Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô HTX, thu hút thêm hội viên tham gia. Hiện HTX đã có nhà kho tập kết hàng thuận tiện giao thương, tôi sẽ tiến hành tìm kiếm để mở rộng đầu ra cho cam sành, không dừng lại ở các siêu thị và thị trường miền Trung trở vào”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Ôn- Lê Thanh Vũ cho biết: Huyện đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp- nông thôn toàn diện.

Quan trọng là đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; thường xuyên quan tâm theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là phòng chống hạn, xâm nhập mặn.

Từ đó, tiếp tục thực hiện đề án “thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016- 2020”.

Trong đợt khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2019 của Tỉnh ủy, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- lưu ý huyện Trà Ôn cần tiến hành tổng kết, đánh giá thực chất kết quả, kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong đó, quan tâm đến vấn đề nhân rộng, lan tỏa mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thông qua kinh tế hợp tác, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA