Xây dựng nông thôn mới sẽ không có điểm cuối

Cập nhật, 04:33, Thứ Năm, 05/07/2018 (GMT+7)

Báo cáo về kết quả phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 8 cho thấy, kinh tế trong tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2020.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc liên kết hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế ảnh hưởng đến việc sản xuất người dân.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành chức năng cần dự báo, khuyến cáo nông dân kịp thời, hạn chế rủi ro nhất là tự phát trong sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành chức năng cần dự báo, khuyến cáo nông dân kịp thời, hạn chế rủi ro nhất là tự phát trong sản xuất nông nghiệp.

Kinh tế tăng trưởng khá

Báo cáo kết quả phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2018, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh- cho biết:

Bước vào năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

Các nhiệm vụ trong tâm là ổn định các hoạt động kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;

khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Kết quả đạt được, kinh tế trong tỉnh đang trên đà phục hồi, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý là 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp được mùa, tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản 6 tháng tăng 3,71% (mục tiêu năm 2018 tăng 1,32%) so với cùng kỳ năm 2017.

Theo ông Lê Quang Trung, với kết quả đó, kinh tế trong tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2020 và các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ.

Kết quả đó thể hiện sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và các địa phương trong giải quyết những vấn đề cấp bách.

Bởi vì, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Nông thôn mới không có điểm cuối

 

Để xây dựng NTM đúng nghĩa rất cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận cao của người dân.Ảnh: VINH HIỂN
Để xây dựng NTM đúng nghĩa rất cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận cao của người dân. Ảnh: VINH HIỂN

Tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc liên kết hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế ảnh hưởng đến việc sản xuất, thu nhập người dân.

Theo một số đại biểu, hiện nay các hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, phân tán; liên kết sản xuất tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân chưa nhiều.

Đại biểu Nguyễn Bá Tòng (đơn vị huyện Tam Bình) cho rằng, để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đẩy mạnh liên kết “6 nhà”.

Trong đó, nhà nông, nhà khoa học, nhà băng, nhà phân phối phải bắt tay kết hợp chặt chẽ hơn và ngành nông nghiệp tỉnh phải tham mưu tích cực về quy hoạch, kế hoạch sản xuất phân vùng cụ thể, có theo dõi dự báo khuyến cáo nông dân kịp thời tránh hạn chế rủi ro nhất là tự phát trong sản xuất nông nghiệp.

Xung quanh việc người dân trồng tự phát vẫn còn diễn ra phổ biến, nhiều đại biểu cho rằng bởi vì Nhà nước chưa có cơ chế ràng buộc người dân.

Đại biểu đặt vấn đề, chẳng hạn mình yêu cầu người dân trồng cây này, nuôi con kia; người dân hỏi ngược lại mai mốt Nhà nước có thu mua lại không thì không có, nhưng nếu Nhà nước có quy hoạch, rồi có chính sách đi kèm theo thì lại là chuyện khác.

Theo đại biểu Nguyễn Hiếu Nghĩa (đơn vị TX Bình Minh), việc sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn bấp bênh, khi thì giá lên cao, khi thì xuống thấp và người dân thì vẫn còn thói quen trồng tự phát.

Để giải quyết căn cơ, tới đây đối với những vùng, cây trồng thuộc thế mạnh thì chúng ta tiếp tục giữ vững, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể vùng này sản xuất cây con gì và phải đảm bảo sản xuất theo quy hoạch.

Theo đại biểu Nguyễn Hiếu Nghĩa, để xây dựng NTM thành công thì tiêu chí thu nhập người dân phải là ưu tiên hàng đầu, bởi nếu đã hoàn thành NTM mà thu nhập người dân không tăng thì không có ý nghĩa gì. Do vậy, theo quy định đến năm 2020 thu nhập người dân phải 49 triệu đồng/người/năm, như vậy tính ra thu nhập tăng trung bình mỗi năm là 4 triệu đồng, đây là vấn đề không đơn giản do đó chúng ta phải có định hướng ngay từ bây giờ.

Đi đôi với quy hoạch thì cần có chính sách đi kèm, cần sự hỗ trợ các nhà khoa học về kỹ thuật, doanh nghiệp để bao tiêu và hướng tới sản xuất sạch.

Một vấn đề trong báo cáo của UBND tỉnh đánh giá là việc xây dựng nông thôn mới (NTM) có dấu hiệu chậm lại, có nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng không duy trì được các tiêu chí theo quy định (trong 39 xã NTM có 13 xã giảm từ 1- 5 tiêu chí).

Theo đại biểu Nguyễn Bá Tòng, để giữ vững các tiêu chí NTM liên quan đến địa phương cần phải tiếp tục phát huy nội lực, nhất là quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giới thiệu, giải quyết việc làm cho người dân; tăng cường, vận động người dân tích cực tham gia BHYT toàn dân…

Theo đại biểu Lê Văn Lập (Vũng Liêm), BCĐ cần chỉ đạo các xã phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đăng ký. Riêng các xã đạt cần phải không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, trong đó quan tâm đầu tư nhiều vào các chỉ tiêu như: môi trường, thu nhập, nhà ở,…

Theo đại biểu Nguyễn Hiếu Nghĩa, muốn giải quyết tốt tiêu chí thu nhập, cần phải tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm, tham gia xuất khẩu lao động,… địa phương cũng cần có những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để mời gọi cũng như khuyến khích các nhà đầu tư đến.

Các đại biểu cho rằng, để có thể xây dựng NTM đúng nghĩa rất cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị- nhất là người đứng đầu và phải làm với tinh thần trách nhiệm cao, làm tới nơi tới chốn và phải nhận thức được việc xây dựng NTM sẽ không có điểm kết thúc.

Đại biểu Võ Ngọc Thơ (đơn vị huyện Bình Tân), để cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới tỉnh cần quan tâm theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp công nghệ cao để góp phần gia tăng giá trị và bảo đảm tính cạnh tranh, bền vững. Bên cạnh, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, góp phần giảm chi phí trung gian để tăng thu nhập cho nông dân.

Song song đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân không sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển đổi mùa vụ sản xuất, cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện canh tác từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn sản xuất cho một số ngành nông nghiệp sạch, vì đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất, mang lại kinh tế cao cho nông dân.

Bài, ảnh: THANH TÂM- CẨM HUỆ