Con đường lúa gạo miền Tây- nếu nói cho có đầu có đuôi, đã cách đây hơn ngàn năm rồi. Tại Khu bảo tồn văn hóa Óc Eo, đã xác định được những vỏ trấu của lúa trời và vỏ trấu lúa trồng. Từ xa xưa đó, con người đã xây dựng hệ thống thủy lợi khổng lồ cho việc tưới tiêu, sinh hoạt và vận chuyển.
[links()]
Con đường lúa gạo miền Tây- nếu nói cho có đầu có đuôi, đã cách đây hơn ngàn năm rồi. Tại Khu bảo tồn văn hóa Óc Eo, đã xác định được những vỏ trấu của lúa trời và vỏ trấu lúa trồng. Từ xa xưa đó, con người đã xây dựng hệ thống thủy lợi khổng lồ cho việc tưới tiêu, sinh hoạt và vận chuyển.
Công cuộc khai mở lần thứ hai trên vùng đất này mang dấu ấn của người Việt với 2 kinh đào lịch sử ở đầu trên và đầu dưới dãy núi Thất Sơn (Châu Đốc và Thoại Sơn) còn ghi lại tên tuổi cụ Thoại Ngọc Hầu định danh cho tên sông, tên núi.
Nhưng hạt gạo trở thành thương phẩm nức tiếng xuất ra thế giới là câu chuyện sau này của những năm đầu thế kỷ XX mà trung tâm xứ cầm trâu vùng dưới là thương cảng Bãi Xàu (Sóc Trăng). Một xứ cầm trâu rộng lớn bao trùm toàn vùng miệt ngàn Hậu Giang, qua đến Sóc Trăng, Bạc Liêu dọc dài xuống tận vùng rừng U Minh- bán đảo Cà Mau.
Ông Trần Công Triết (xã Thạnh Tân- Thạnh Trị) thăm ruộng lúa. |
Gạo Bãi Xàu ngon nhứt Nam Kỳ lục tỉnh
Từ những năm đầu thế kỷ XX, Sóc Trăng được xem là trung tâm của xứ cầm trâu miệt dưới này, với hoạt động giao thương nhộn nhịp từ thương cảng Bãi Xàu, những chành lúa của người Hoa đưa hạt gạo miền Tây lên Sài Gòn, đi ra thế giới.
Một vùng đồng rộng bao la là không gian độc đáo nét văn hóa giao thoa đậm nghĩa tình Kinh- Khmer- Hoa in dấu trên hạt gạo Bãi Xàu ngon nhứt xứ Nam Kỳ lục tỉnh.
Những lung bàu rộng hàng ngàn mẫu đất, chính là xứ cầm trâu mỗi khi con nước thượng nguồn đổ về trắng xóa chỉ còn thấy bóng dáng những bầy trâu hàng ngàn con lặn hụp nhổ năn bộp mà ăn.
Nếu như miệt trên có dãy Thất Sơn với vùng bán sơn địa bao la nên mùa nước nổi bà con len trâu về đây đợi qua 3 tháng nước ngập, thì miệt dưới này biết đi đâu nên phải cầm trâu ngay trên đồng nước nổi, chiều họ lùa trâu về ngủ trên những cái độn rộng mấy công đất. Những cái độn đắp từ đất có độn cỏ cho trâu ngủ nên gọi là độn trâu.
Về Sóc Trăng muốn hiểu về xứ cầm trâu, về hạt gạo Bãi Xàu phải về vùng Phú Lộc- Thạnh Trị dài đến chợ nổi Ngã Năm, vì còn rất nhiều lão nông ngồi kể chuyện xưa.
Cũng để hiểu cái nghĩa tình giữa nông dân và thương lái hồi đó, tức giữa những người làm ruộng và các chành lúa của người Hoa. Họ không bắt chẹt, ép giá bà con đâu.
Thương nhau, giúp nhau không hết mà. Nhiều lần về cánh đồng Thạnh Trị, mới hiểu được không phải ngẫu nhiên mà Sóc Trăng ngày nay có được những giống gạo ST ngon nhất thế giới, chính nhờ “lộc trời” của giống lúa tổ tiên Bãi Xàu đã “neo duyên” trên đồng Thạnh Trị.
Đó cũng là sự tiếp nối hoàn hảo trên cái di sản nông nghiệp từ trăm năm trước ông bà mình đã gầy dựng nên.
Trò chuyện cùng thầy Sơn Sóc Hiên (xã Thạnh Tân- Thạnh Trị). |
Về Phú Lộc ngày nay, còn có cụ Trần Đại Hưng là thành viên của Hiệp hội Mễ cốc Sóc Trăng ngày xưa. Tuy gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn nhớ rành mạch về thời hoàng kim của hạt gạo Bãi Xàu.
Hồi ấy, An Giang nổi tiếng là vùng lúa dồi dào nhưng sản lượng và chất lượng gạo cũng chưa thể sánh được với Sóc Trăng.
Đó chính là nhờ hệ thống sông rạch phong phú của Sóc Trăng cùng với những con kinh đào được khởi công hồi đầu thế kỷ XX đã tạo nên những đồn điền trù phú, nức tiếng với gạo Bãi Xàu như: đồn điền Labater ở vùng Kế Sách, đồn điền Geise ở Châu Hưng- Phú Lộc… đã biến Sóc Trăng trở thành một trong những vùng trọng điểm cung cấp lúa gạo trong nước và
xuất khẩu.
Theo cụ Trần Đại Hưng, mỗi năm, cụ chỉ bán khoảng vài ngàn tấn gạo lên Sài Gòn, còn lại chủ yếu là xay gia công. Vào thời điểm này, số nhà máy xay xát không nhiều, nhưng số lượng chành lúa khá lớn, tập trung ở Phú Lộc, Châu Hưng, Ngã Năm…
Nổi tiếng nhất có thể kể đến chành ông Kho, chành của ông Trương Đức Ân ở Châu Hưng có cả nhà máy xay xát. Tới vụ thu hoạch, nếu nông dân bán thì chủ chành mua vào dự trữ, còn nếu nông dân không muốn bán ngay có thể gửi lúa tại chành với tỷ lệ hao hụt là 3%, chứ không có phí nào nữa hết.
Câu chuyện của cụ Trần Đại Hưng cho thấy, ngay ở thập niên 60 thế kỷ trước, một phương thức sản xuất, kinh doanh lúa gạo khá hiện đại đã xuất hiện và nó cũng là nét đẹp ứng xử nghĩa tình của con người trên vùng đất mới.
Con trâu và văn hóa lúa mùa
Đi dọc theo bờ bao, lão nông Trần Công Triết (76 tuổi, thường gọi là Bảy Triết, ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị) khoát tay chỉ mông lung những dây đất mà ông nội Trần Công Luật đưa gia đình chèo chống từ Long An xuống đây khai mở.
Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông nói cho dễ hiểu: “Tổng cộng trên 1.000 công tầm cắt, nếu mấy cháu chạy xe dọc con lộ này thì phải hơn 2 cây số, gần giáp mí xã Tuân Tuất mới hết đất của Trần Công. Giờ chia ra, gia đình chú chỉ còn 60 công hà”.
Sau khi khai hoang, đất đai phải cải tạo, trồng lúa hàng chục năm trời nó mới thuần, vậy nên cái cảnh phải bỏ đất, bán trâu là cảnh đau lòng nhất đối với nhà nông.
Ông Bảy Triết nhớ lại cái nạn: “Mấy năm tía tui tham gia kháng chiến, tụi Tây nó lùa nhốt hết gia đình hơn 1 tháng, tịch thu hết đất đai, lúa ngàn trong bồ nó xúc sạch không chừa một hột, lùa hết bầy trâu cả chục con trong chuồng.
Vậy là ròng rã 9 năm kháng chiến cả nhà phải chạy dạt xuống Hồng Dân (Bạc Liêu) lánh nạn. Đến 1954, gia đình mới trở lại Thạnh Tân, thì đất đã hoang vu, vậy là lại phải ra công khai phá
lại từ đầu”.
Ông Bảy Triết còn nhớ cái đoạn cả vùng này mới có được 3 chiếc máy xới của Nhựt Bổn, mà nhà ông có đầu tiên. Cả xóm xúm lại coi, ruộng rộng cả ngàn công “thả” cái máy xới vô chạy mút đồng thấy còn có chút éc, mọi người gọi nó là con chèn hen.
Mấy bà còn chế nhạo “để tui về thả bầy heo ra ủi còn nhanh hơn con chèn hen này nữa anh Bảy ơi!” Bây giờ thì máy móc tối tân quá xá rồi. Vậy nên, bao năm qua, sáng nào thức dậy ông cũng đánh bọc một vòng quanh khu ruộng, vừa nhìn ngó vừa để nhớ chuyện xưa, nhớ tình đất tình người của một thời gian khó.
Vất vả buổi đầu khai phá nhưng ruộng thuần rồi thì làm khỏe trân, như thầy Sơn Sóc Hiên trong ấp Tân Lợi (xã Thạnh Tân) kể: “Gieo cấy xong, rảnh rang thì rủ nhau đi săn bắt chơi. Có đám tiệc giỗ quảy nhà hàng xóm thì bơi xuồng đi, ai sang thì bận bộ đồ vía vô rồi cưỡi trâu đi.
Có khi “xà quầng xà quầng” (xỉn- PV) thì cứ ôm lưng trâu rồi nó đưa về tới nhà”. Bởi hồi xưa làm ruộng có xịt thuốc gì đâu, nếu có sâu chút đỉnh thì lấy đòn sóc quơ rồi gom lá mù u hay lá gì có mùi hôi đốt với rơm trên gió mà un như un muỗi vậy.
Chúng tôi hỏi chuyện cầm trâu, thầy Sơn Sóc Hiên bảo: “Đồng này có cái Bàu Còn hơn chục ngàn công, là nơi cầm trâu vùng Thạnh Trị, mà muốn biết chuyện này nên ra ngoài Ấp 21, cũng xã Thạnh Tân này hỏi lão Tâm, ông đó là tay cầm trâu nhứt vùng này nên còn được gọi là “lão đại”.
Thăm di tích cánh đồng Nọc Nạng (Bạc Liêu). |
Lão đại Sáu Tâm ngoài 80 tuổi rồi mà giọng còn rổn rảng, tướng to bè cao lớn dềnh dàng nhưng nói chuyện tếu táo vui lắm.
“Bập” vô chuyện là nói say sưa về chuyện nghĩa mục đồng, tình giữa người và trâu: “Hồi đó, bên Thạnh Tân này có tui là giữ trâu nhiều nhất, còn bên Vĩnh Thành thì có ông Sáu Thùng, Vĩnh Lợi có ông Năm Diệp, Tuân Tức có ông Tô Sua, Tân Long có ông Bùi Văn Đực, Lô Xiêm bên Lâm Tân… nên tới mùa, đội quân cầm trâu tụ họp lên đến cả ngàn con chứ đâu có ít”.
Mỗi năm, khi cây lúa mùa bắt đầu bám rễ cùng con nước thượng nguồn đổ về ngập trắng cánh đồng phèn trũng cũng là lúc khởi mùa cầm trâu. Hàng ngàn con trâu từ khắp nơi theo chân mục đồng đổ về đồng nước nổi mênh mông.
Tiếng đập nước ầm ầm của bầy trâu, tiếng nghé gọi mẹ làm khuấy động cả không gian tĩnh lặng. Cứ thế, mục đồng và đàn trâu gắn bó với nhau giữa đồng năn mênh mông nước cho đến khi cây lúa mùa vào vụ thu hoạch thì kết thúc một mùa cầm trâu.
Có chuyện Lô Xiêm nhớ con trâu mà lội mấy cánh đồng ngập nước đi thăm nó, khi chủ bán con trâu đi, ông về leo lên võng nằm gác tay lên trán, buồn cả tháng trời.
Con đường lúa gạo miền Tây là kết tinh từ bao nỗi nhọc nhằn, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt chan ngập cánh đồng.
Đó là con đường của sự cần cù, thông minh, sáng tạo mà cũng đầy ắp nghĩa tình, làm nên nét văn hóa độc đáo của người và đất đồng bằng từ cái thuở ban đầu khai mở; người nông dân tay cầm phảng, tay cầm dây vàm dắt con trâu đi qua năm tháng mà làm nên những cánh đồng bát ngát hôm nay.
Kỳ 4: Phận người trôi dạt cuối trời phương Nam
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY- MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin