Sứ mệnh bảo tồn di sản nông nghiệp ĐBSCL

Kỳ 2: Dành một đời để bảo tồn cây lúa

Cập nhật, 11:48, Thứ Ba, 11/08/2020 (GMT+7)

Ông Hoa Sĩ Hiền bên bức ảnh Bác Hồ đọc báo.
Ông Hoa Sĩ Hiền bên bức ảnh Bác Hồ đọc báo.

Hạt lúa trời sinh ra để cứu đói bà con mình từ thuở lịch sử sơ khai của vùng đất Nam Bộ. Nhưng khi nông dân xứ này đã trồng được nhiều giống lúa cao sản gần 10 tấn/ha, thì còn “mắc mớ gì” nhắc đến lúa trời nữa.

Vậy mà ở nơi đầu nguồn An Giang có gã “gàn sĩ” đang tính chuyện “động trời” với giống lúa cổ xưa, cải biến nó thành cây lúa đủ sức chống chọi với biến đổi khí hậu khốc liệt của vùng hạ lưu sông Mekong.

Còn về phía cuối nguồn miệt thứ Kiên Giang, lại có thêm một “ông gàn” bỏ tiền tỷ để khôi phục lại cả một nền văn hóa lúa mùa cạn.

Vì đâu mà họ dành cả một đời, bao nhiêu vốn liếng chắt chiu để làm cuộc phiêu lưu như vậy? Riêng chúng tôi muốn tôn vinh họ là những “ông thần lúa”, với lòng biết ơn những người đang lặng lẽ thực hiện sứ mệnh cao cả là bảo tồn di sản văn hóa nông nghiệp của vùng đất phương Nam này.

“Ông thần lúa” mưu chuyện lớn với cây lúa trời

Căn nhà gọn lỏn có 17m2 nằm lọt thỏm giữa miếng ruộng 4 công, lại chính là cái “viện lúa” nổi tiếng trong giới khoa học và sinh viên ngành nông nghiệp đồng bằng.

Ở đây, hơn 20 năm qua ông đã nghiên cứu lai tạo ra những giống lúa quý chỉ để… cho không. Gọi ông là “gàn sĩ”, là “gã khùng”, là gì cũng được, ông chẳng quan tâm, nhưng tên ông là Hoa Sĩ Hiền (xã Tân An, TX Tân Châu- An Giang)- người đã lai tạo hơn 50 giống lúa đặc biệt, đã hướng dẫn hơn 600 sinh viên, thạc sĩ đến từ các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Nông lâm TP Hồ Chí Minh.

Nơi đây cũng đón tiếp nhiều nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước. Ông còn được Viện IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế) trao tặng giấy chứng nhận “Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học”.

Nhưng ông chẳng mưu cầu gì, danh hiệu cao quý, tiền bạc cũng chẳng màng, “đến với cuộc đời này thế nào thì ra đi y chang vậy”- ông Hoa Sĩ Hiền chia sẻ thật lòng...

Những suy nghĩ của ông thật lạ, nhưng càng hiểu hơn về việc ông làm trong 20 năm qua: không “bán lúa giống để làm giàu”.

Xuất thân nông dân rặt ròng, đã trải qua những ngày cơ cực, hiểu được nỗi khổ của nông dân những khi cần giống lúa tốt mà hổng có tiền mua, thấy “người ta” làm giống bán cho bà con giá đắt đỏ mà xót xa, mà ấm ức. Nên ông ấp ủ giấc mơ lớn là làm được điều gì đó cho bà con xứ sở này, làm gì đó có lợi cho đất nước này.

Ông Hoa Sĩ Hiền nhớ những năm 1980- 1990: “Thời còn xạ Thần Nông 8 với IE732, vùng này bà con mần bị rầy nhiều, xịt Basudin ngoẻo tại đồng luôn, tui bị 2 lần “sụm bà chè” mà hổng chết đó, người ta đi nhà thương liền liền luôn.

Lúc đó, tui mới hơn 20 tuổi, ngửa mặt mà than có giống lúa nào không bị bệnh để bà con trồng không hở ông trời?”

Vậy là, lúc cưới vợ dành dụm mua được 18 công đất, vợ buôn bán nhỏ, ông giao 14 công đất cho vợ từ năm 2008 để nuôi 3 đứa con ăn học. Đứa lớn học sư phạm, đứa giữa học công nghệ thông tin, lập gia đình bên Singapore và con gái út mới học lớp 10.

Ruộng lúa giống của ông Hoa Sĩ Hiền.
Ruộng lúa giống của ông Hoa Sĩ Hiền.

“Đời tui như “ra riêng” với căn nhà nhỏ này rồi, gắn bó với 4 công đất từ năm 2000 đến giờ. Mùng 1 tết còn ngồi ngoài này “nói chuyện” với lúa. Cuộc đời tui như hòa nhập với lúa, với cỏ cây vậy đó, hổng tách rời ra được”.

Đến khi được tập huấn dự án lai tạo giống lúa ở Viện Nghiên cứu ĐH Cần Thơ là “lên đời” luôn. Những giống lúa “đứa con lai” đời đầu TC1, TC2 (TC- viết tắt của Tân Châu) của ông Hoa Sĩ Hiền đã giải quyết ngoạn mục bệnh rầy, lúa bị sập của giống lúa cũ. Tới khi ra đời giống TC6 không bị sâu rầy, đạo ôn, năng suất đạt 9 tấn/ha thì niềm vui đã quá lớn.

Đến năm 2009, lại phát sinh thêm nạn hạn mặn và cứ mỗi lần nhìn lúa bà con dọc miền duyên hải vàng ẻo, chết khô trên mặt ruộng nứt nẻ, ông Hiền lại như đứt từng đoạn ruột. “Lai tạo ra giống chịu hạn nó dễ ùi hà, còn mặn thì khó à nghen”.

 5- 6 năm qua, ông bảo mình “như tên ma đầu đụng đâu oánh đó”, sử dụng gien lúa trời, lúa rừng, lúa cỏ, dùng mọi cách để khai thác khả năng chịu mặn của nó.

Thấy ai đi biển là nhờ người ta… xách nước biển về dùm. Rồi mang tiền ra chợ vác mấy giạ muối về, mấy bà hỏi “mua muối chi dữ vậy ông thần?” thì ông nói như cà rỡn: “Về trồng lúa mấy bà ơi”. Cả chợ tụ lại xầm xì “thiệt là khùng tới nơi rồi”.

Ông Hoa Sĩ Hiền chỉ cười tủm tỉm “để coi!”, rồi vác bao muối đi te te. Vậy mà từ những chậu lúa trời đầu tiên, giờ ông đã có những cây lúa sống tốt trên ruộng nhiễm mặn đến 10‰ rồi.

“Mấy ông chuyên gia ở Viện IRRI Philippines nghe tui nghiên cứu thành công giống lúa chịu mặn được 5‰, đạt năng suất cao còn “hết hồn” chứ hổng vừa. Cả đời tui mà giải quyết được giống lúa hạn mặn nữa cho bà con thì “về quê” là vừa rồi”- ông Hoa Sĩ Hiền cười khà khà.

Ứng xử cho hợp lẽ với di sản của tiền nhân

Hiện cùng với việc giải quyết giống lúa chịu hạn, mặn cao (đã đạt trên 10‰, nhưng năng suất thì chưa đạt) ông cũng đang cho ra đời các giống lúa có giá trị dinh dưỡng, có thành phần dược phẩm. Gạo tím, gạo đỏ giàu dinh dưỡng đã có.

Cách đây mấy năm “ông thần lúa” Hoa Sĩ Hiền cũng đã tìm ra loại gạo mầm dành cho người bệnh tiểu đường luôn rồi.

“Từ những đứa con có họ TC1, TC2… đến TC30, giờ này tui cho những đứa con đời sau mang họ mình luôn, từ SH31 đã đến SH54 rồi (SH là viết tắt tên Sĩ Hiền), để sau này chết đi cũng có cái ở lại với đời mang họ tên mình”- ông giải thích.

Lỉnh kỉnh dưới sàn là các bịch gạo, nếp, đủ các giống lúa mà chỉ cần bốc lên ngửi ngửi là đọc tên vanh vách; giống như cái cách mà ông từng ngậm đất trong miệng để áng chừng độ mặn hồi không có máy đo.

Trên vách treo tấm bảng dành để thuyết trình cho sinh viên nghe, còn lại trong nhà ông Hiền chỉ treo tấm hình Bác Hồ đọc báo thời còn ở Việt Bắc, đó là vật quý giá nhất mà ông Hiền được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng. 

Ông nói mình yêu quý Bác Hồ và ông cũng học theo Bác, một đời Bác chỉ lo cho dân, cho nước. Giấc mơ cháy bỏng làm ra giống lúa để cho không bà con là một tâm nguyện chân thành và lớn nhất cuộc đời ông.

Cái ý niệm cuối đời hiến tặng cho Nhà nước, cho bà con những thành quả “làm thất kinh” các chuyên gia hàng đầu thế giới, mà ông Hiền nói cứ nhẹ như cơn gió lùa qua đọt mạ.

Anh Tư Việt (bên phải) đập lúa trên bàn đập lúa mùa “cổ xưa”. Ảnh: Chí Kông
Anh Tư Việt (bên phải) đập lúa trên bàn đập lúa mùa “cổ xưa”. Ảnh: Chí Kông

Sứ mệnh bảo tồn di sản không phải của riêng ai, sao vẫn có những kẻ “độc hành” cao cả vậy! Suy nghĩ này đưa chúng tôi trở lại thăm một người anh ở xã Minh Lương (huyện Châu Thành- Kiên Giang)- anh Tư Việt (Lê Quốc Việt)- đã bỏ tiền tỷ để khôi phục lại gần như trọn vẹn những chuyện xưa của giống lúa mùa cạn.

 Cứ mỗi lần gặp lại, thấy anh đầu tư cái này, cái nọ với số tiền nghe mà cứ giật thon thót; nội chuyện anh “tha dần” về những nông cụ lúa mùa cũng là cả một vấn đề.

Nhưng cái khó nhất mà chúng tôi vô cùng nể phục anh Tư Việt là tìm ra được những người còn biết cách làm nông đúng như ông bà mình thuở trước, từ cách sử dụng ghế nhổ mạ, nọc cấy, đánh trâu cày bừa, trục trạc, cắt lúa bằng liềm vòng, đập lúa bồ, cho đến giê, sẩy, giần, sàng…

Trong khi giờ này máy móc chạy ù một cái là xong; thì đúng là “đam mê cho thỏa” hay vì văn hóa tri ân của nền văn minh lúa nước?

Trong cái không gian đầy tiếng nhóc nhen, tiếng cá quẫy trên đồng, anh Tư Việt nhắc về từng giai đoạn mùa vụ nghe mà thương đứt ruột. Anh nói về văn hóa ứng xử với cánh đồng, với con trâu, mùa nước nổi…

Làm chúng tôi bắt nhớ về những nông dân miệt trên và hàng trăm mẫu lúa mùa nổi đang hồi sinh từ việc khôi phục nguyên trạng văn hóa mùa nước nổi nơi đầu nguồn các xã Vĩnh Phước, Trà Lương (huyện Tri Tôn- An Giang).

Chợt thấy thấm thía câu nói gan ruột của “ông thần lúa” Hoa Sĩ Hiền: “Những cái được gọi là di sản văn hóa dân tộc, tui nghĩ nếu có điều kiện thì nên gìn giữ lại. Bởi vì con người cho dù sống trong thời đại nào đi chăng nữa, nếu không có phát minh, phát kiến ra cái gì mới giúp ích cho đời, thì ít nhất cũng phải biết giữ gìn di sản của tiền nhân”.

Kỳ 3: Con đường lúa gạo miền Tây

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY- MINH THÁI