Nhà quê

Cập nhật, 11:26, Thứ Hai, 03/08/2020 (GMT+7)

 

Niềm vui về quê. Ảnh: VINH HIỂN
Niềm vui về quê. Ảnh: VINH HIỂN

Đứa cháu ngồi nhổ tóc bạc cho bà ngoại. Mấy thuở được như vậy…

Nhìn cảnh hai bà cháu già trẻ bên nhau, tôi hình dung những lần về quê dạo trước…

Mỗi lần về đều gấp gáp. Thời điểm về luôn vào những tối thứ bảy, vợ chồng con cái đèo nhau trên xe máy. Vừa tới nhà là quăng vội ba lô vào phòng, ngồi vào bàn ăn cơm với bộ quần áo đi đường chẳng cần thay ra. Cơm nước xong dọn vội chén bát ra sàn nước để đó sáng rửa.

Sáng dậy thì mặt trời lên cao, cả nhà lại ăn vội vàng, tìm ngoại để biết được quà gì mang về phố. Đi để kịp chuẩn bị cho tuần làm việc mới. Trước sự bận rộn của chúng tôi, ông bà ngoại luôn tìm cách thu xếp để con cháu thuận tiện.

Hầu như chuyện cơm nước là không cần lo. Đồ ăn luôn có sẵn và rất ngon nữa. Phòng ngủ cũng được chuẩn bị đầy đủ. Tất nhiên, sau khi chúng tôi đi, ngoại sẽ vào lại phòng để cho tất cả mùng, mền, ga, gối vào bọc cất để tránh bụi bám.

Lần này, trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh. Vợ chồng con cái chúng tôi về quê và không vội vã. Thời gian chậm lại trên đôi chân. Bao nhiêu điều tôi nghiệm ra xoay quanh hai chữ “nhà quê”.

Nhà ngoại không đẹp và đã được xây cất mấy chục năm. Nó không ra cái kiểu nào hết, chỗ nào thích thêm thì làm thêm. Vậy nên có lúc chẳng biết gọi tên không gian trong nhà: nhà trên, nhà dưới, rồi nhà trên để thờ phượng thì nhà dưới thành phòng khách, ngoại lại che thêm nhà bếp, làm xong nhà bếp, thấy không có chỗ nấu củi, ngoại lại dựng thêm cái chái, có chái rồi thì phải có sàn nước gần bên.

Cứ như vậy nhà quê rộng dần. Cái cách nới ra kiểu ấy không làm cho ngoại đắn đo. Đất ở quê thênh thang, ranh giới giữa chủ đất này với chủ đất kia là con mương, cái xẻo, bờ đê hay đường đi đại loại.

Muốn dẫn nước thì cứ đào thêm, muốn lối đi rộng rãi thì đắp thêm. Cũng chẳng ai phiền hà. Sự hào phóng này làm sao tìm được nơi phố chợ! Nhà ở phố tum húm trên lô đất nhỏ xíu, ló được cái mặt cửa ra ngoài, các mặt còn lại thì nép cạnh tường nhà kế bên. Vậy mà bao nhiêu là lớp cửa để giữ an toàn.

Nhà ngoại day ra sông. Cái bến quê hiền hòa theo từng con nước. Nhánh bần, bụi tra nở hoa mỗi ngày. Hàng dừa tỏa bóng mát trên đê. Mỗi lần ghe tàu qua lại là nghe được tiếng sóng vỗ đập vào bờ đất. Thứ âm thanh không quá ồn ào nhưng đủ khuấy động không gian yên tĩnh, đủ mân mê tâm hồn con người như tiếng ru êm.

Ông ngoại nói nhà ở gần sông là nhứt. Có gió suốt ngày. Mát lắm. Ông hay nói: “Tụi bây tốn tiền đi du lịch miệt vườn làm chi, về nhà tao có hết”. Về nhà còn có cả sự đoàn viên. Về nhà là trở thành người mang hạnh phúc đến cho hai cuộc đời dầu dãi. 

Vườn nhà ngoại trồng bao nhiêu là thứ: từ rau cho đến cây trái. Ông ngoại nhổ cỏ, bắt sâu mỗi ngày. Ông không sử dụng thuốc hóa học. Trồng cốt là để con cháu ăn, chúng không về thì bán cho bà con trong xóm.

Cứ tầm 5 giờ sáng là ông thức dậy, xách gàu ra vườn, chỗ cây nào gần mé mương thì nhẹ nhàng, chỗ xa vung tay hất nước. Ông bảo là tập thể dục. Ông không biết rằng tụi con cái ở phố hít khói bụi, chứ làm gì có không gian tập thể dục trong lành đến vậy.

Người ở quê biết làm mọi thứ. Ông ngoại không học nông nghiệp ngày nào. Vậy mà biết trồng rất nhiều thứ, biết bệnh của cây... Ngày xưa ông ngoại làm nghề “đò dọc”, chở khách từ trong ấp ra chợ huyện. Ông quấn lá dừa làm kèn, ngủ canh đò mỗi đêm trên bến nhà. Ông hiểu con nước như hiểu rõ đường chỉ trên lòng bàn tay.

Bà ngoại thì món ngon nào cũng làm được: từ các loại bánh dân gian: bánh bò, bánh chuối, bánh tằm, bánh lá, bánh xèo, bánh tét... cho đến những món ăn chỉ tìm được trong những nhà hàng sang trọng... Bà linh hoạt, biết sống theo thời. Chính bà đề nghị ông bán chiếc đò vì xe máy lên ngôi.

Bà cũng là người biết chạy xe máy, biết sử dụng điện thoại trước ông. Hiện tại thì bà đã có thể sử dụng facebook để theo dõi con cháu mỗi ngày. Niềm vui của bà là mỗi tối gọi video call (dịch vụ thoại có hình ảnh) cho cháu ngoại.

Ông bà ngoại cũng nghệ sĩ lắm. Tối là ngồi cùng nhau, ông đàn, bà hát. Người ở xóm đã quen với âm thanh tiếng đàn sến của ông, mấy bài vọng cổ hay khúc nam xuân, tứ đại oán của bà. Ông bà luôn sẵn lòng góp vui cho bà con mỗi khi có dịp.

Thường là đi đâu, bà là tài xế, ông ngồi sau quảy đàn. Mặc cho ai nghĩ gì, ông bà biết rõ việc mình làm. Mấy mươi năm sống cùng nhau, có chuyện gì mà chưa từng trải qua. Ai là tài xế có quan trọng gì? Ông thì từ chối thẳng việc rời quê về phố sống cùng con cái.

Nguồn cội không ở đâu xa. Nó ở ngay bên cạnh chúng ta. Trong những điều tưởng chừng rất bình dị mà hóa ra sang trọng. Thế hệ trước chúng ta có cách sống và sự hiểu biết theo cách riêng của họ. Những đôi chân vạn dặm hãy cứ đi để có đủ hiểu biết mà trở về nơi đã từng ru nôi cho đời ta khôn lớn.

Huỳnh Nhị