Bút ký

Bên dòng sông Hậu

Cập nhật, 22:48, Chủ Nhật, 09/08/2020 (GMT+7)
Đàn dê nhà anh Võ Văn Lưu.
Đàn dê nhà anh Võ Văn Lưu.

Đứng trên cầu Cần Thơ nhìn xuống, một dải đất xanh mát chạy dọc theo bờ sông Hậu. Mỹ Hòa- một cái tên thật hiền hòa thơ mộng. Xã Mỹ Hòa trực thuộc TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, không chỉ nổi tiếng với làng nghề tàu hủ ky có tuổi đời trên trăm năm mà còn là thủ phủ của giống bưởi Năm Roi, đặc sản nức tiếng vùng ĐBSCL và cả nước.

Đến với Mỹ Hòa là đến với một màu xanh bát ngát. Bưởi hầu như hiện diện khắp nơi trong xã. Những cây bưởi sai trái mọc sát ven đường, chỉ cần với tay là đã có thể hái được những trái bưởi căng tròn. Có lẽ mẹ thiên nhiên ban tặng nên giống bưởi Năm Roi đặc biệt rất ngon ở vùng đất Mỹ Hòa. Thật lạ, cũng là đất sét pha cát phù sa sông Hậu mà chỉ cách một con sông, bưởi Năm Roi bên kia lại không có vị ngọt, ngon như bưởi Mỹ Hòa.

Hầu như tất cả các ấp ở Mỹ Hòa đều phủ xanh giống bưởi nổi tiếng này. Để có được thành quả như hôm nay, người dân trong xã cũng phải trải qua một quá trình gian khó, phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, từng bước từng bước tạo nên giống bưởi hoàn hảo như hôm nay.

Dọc theo những con đường liên ấp, hoa cũng là một “đặc sản” của xã. Hoa được trồng khắp nơi, vươn mình khoe sắc dưới ánh nắng. Phong cảnh làng quê càng thêm vui tươi phấn khởi, sức sống tưng bừng lan tỏa khắp mọi nhà.

Đến cầu Rạch Chanh, chúng tôi rẽ phải chạy dọc theo bờ sông vào ấp Mỹ Phước 2- một trong những ấp nuôi dê nổi tiếng của xã. Bên đường, người ta tận dụng từng mét vuông đất. Đất ở đây hầu như không bỏ hoang chỗ nào.

Những hàng chuối thẳng tắp đẹp mắt với buồng sai trĩu quả làm ngạc nhiên khách phương xa. Có chỗ những hàng đu đủ trái vàng ươm không ai hái làm mọi người thật thích thú. Cũng có nơi người ta thay thế hàng rào bằng hàng bưởi. Bưởi lúc lỉu dọc dài theo con đường làng trông lạ với người phố thị nhưng có lẽ không lạ gì với người dân đất Mỹ Hòa.

Tiếp chúng tôi, anh Phước- Tổ trưởng ở ấp Mỹ Phước 2- rất nhiệt tình, năng động. Anh dẫn chúng tôi đến những gia đình vẫn đang duy trì vừa nuôi dê vừa canh tác những vườn bưởi Năm Roi trĩu quả. Anh cười nói đùa:

- Đường đến ấp Mỹ Phước 2 không khó. Đến Mỹ Hòa hỏi “ấp dê” là ai cũng biết.

Theo lời anh, vào khoảng năm 2004 cả ấp hầu như nhà nào cũng nuôi dê. Đi từ đầu ấp là đã nghe tiếng be be vang lừng đến cuối ấp.

Vườn nào cũng trồng mấy trăm cây so đũa làm thức ăn cho dê. Mỗi hộ nuôi nhiều thì ba bốn chục con, ít thì cũng mươi, mười lăm con. Suốt ngày mọi người cứ túm tụm bàn chuyện nuôi dê, phối giống, giá cả, người mua, không ai còn đầu óc nghĩ tới chuyện bưởi bòng trồng trọt gì hết!

Mà khởi điểm có lẽ từ lúc ông Nguyễn Thanh Hùng đem đâu về mấy con dê giống. Ông nuôi chỉ có vài tháng mà bán được cả trăm triệu đồng (số tiền không phải nhỏ so với thời đó). Nghĩ nuôi dê có thể xóa đói giảm nghèo nên cả ấp ùn ùn đi mua dê giống về nuôi. Dê là loại dễ nuôi, cho gì ăn nấy, không phải tốn kém nhiều.

Rau củ phế phẩm, cây lá trong vườn tụi nó đều ăn ngon lành lại không bệnh hoạn gì nên chi phí chăn nuôi cũng thấp. Chỉ một hai năm sau khi nuôi mọi người đều bán được giá cao lãi đậm nên càng phấn khởi.

Có thời gian dê giống lên đến mấy chục triệu một con. Rồi thì người người, nhà nhà, cả ấp rủ nhau nuôi dê. Bao nhiêu vốn liếng đều đổ hết vào bầy dê, thậm chí vay mượn khắp nơi với ước mong nuôi dê sẽ được đổi đời.

Nhưng đổi đâu chưa thấy bỗng nhiên giá dê đột ngột … xuống cái rột. Người mua hình như cũng không còn mặn mà với loài dê này nữa. Dê giống từ hai ba chục triệu đồng một con rớt thảm hại chỉ còn hai ba triệu.

Hầu như cả ấp chới với, có gia đình phá sản, có gia đình nợ nần chồng chất, cuộc sống người dân trong ấp trở nên xáo trộn. Mọi người bắt đầu đổ lỗi cho nhau, than thân trách phận, bán vội bán vàng, bán đổ bán tháo mong gỡ gạc chút đỉnh. Từ đó đàn dê trong xã cũng giảm dần đến nay chỉ còn khoảng hai chục hộ duy trì nuôi dê.

Thất bại trong việc nuôi dê, người dân trong ấp mới sực tỉnh quay lại với giống bưởi đặc sản quê nhà mà bấy giờ thương hiệu đã lan xa khắp cả nước. Được sự khuyến khích và trợ giúp của UBND xã, họ bắt đầu cải tạo vườn tược, trồng lại cây bưởi Năm Roi. Trải qua bao thăng trầm, đến nay bưởi Năm Roi đã trở thành đặc sản nổi tiếng không nơi nào có được.

Ngày nay, người dân ấp Mỹ Phước 2 đã biết kết hợp giữa nuôi trồng để cho năng suất cũng như lợi nhuận cao. Họ biết lợi dụng ưu thế của xã nhà phát triển cả trồng trọt lẫn chăn nuôi.

Sử dụng bã đậu nành từ làng nghề tàu hủ ky có thể cải thiện thêm thức ăn cho bầy dê nhà, vừa giảm ô nhiễm môi trường mà kinh phí chăn nuôi cũng hạn chế. Phân dê được sử dụng bón cho cây bưởi, vừa an toàn, hiệu quả, chất lượng lại cho năng suất cao. Một chu trình khép kín đem lại lợi ích không nhỏ cho người dân địa phương.

Theo anh Võ Văn Lưu- một trong những hộ nuôi dê còn lại tại địa phương, hiện nay ngoài vườn bưởi sai trái của gia đình, anh còn lập điểm thu mua bưởi Năm Roi Kiều Trang. Suốt ngày nhập hàng, phân loại, vận chuyển đi các nơi. Đặc biệt trái bưởi được tận dụng triệt để.

Trái nhỏ không được giá thì vỏ xanh dùng làm tinh dầu bưởi, ruột ép làm nước giải khát, vỏ dày bán cho thương lái dùng để làm nem chay, chè bưởi và vỏ bưởi sấy dẻo. Vỏ bưởi sấy dẻo có thể dùng như một loại mứt. Hương vị thơm thơm, dẻo dẻo của vỏ bưởi pha với vị ngọt thanh của đường, nhâm nhi bên tách trà nóng sẽ tạo nên một cảm giác sảng khoái mà cũng không lo sợ tăng cân cho quý bà.

Nhìn những ngôi nhà xinh đẹp rộng lớn không thua gì biệt thự ở thành phố đủ thấy đời sống người dân trong ấp thật sung túc. Trên con đường phẳng phiu xuất hiện nhiều đại lý thu mua bưởi trải đều khắp nơi trong xã. Kinh tế phát triển, thu nhập ổn định làm mọi người như tươi trẻ, cặp mắt lúc nào cũng ánh lên niềm tin và sức sống.

Người dân trong ấp chỉ mong mưa thuận gió hòa, trái bưởi được giá. Đặc biệt “ấp dê” Mỹ Phước 2 cũng mong giá dê tăng cao để mỗi nhà lại có dịp nuôi thêm vài con dê cải thiện đời sống. Mà có lẽ lâu rồi họ cũng nhớ tiếng kêu be be từ đầu trên xóm dưới, nhớ một thời huy hoàng của cái “ấp dê”!

PHƯƠNG ÁNH