Lo "trụ đỡ" nền kinh tế còn nhiều khó khăn

Cập nhật, 15:04, Thứ Năm, 28/05/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nông nghiệp được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế được dự báo sẽ gặp khó trong năm 2015. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ và doanh nghiệp tư nhân cũng có tình trạng tương tự. Đó là những dự báo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh về bức tranh chung của nền kinh tế.

Dự báo việc xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do có sự cạnh tranh gay gắt.
Dự báo việc xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do có sự cạnh tranh gay gắt.

Tăng trưởng năm 2015 có thể đạt 6,2%

Thảo luận tại tổ 4 (gồm các tỉnh Vĩnh Long, Lai Châu, Quảng Nam, Hà Tĩnh), các đại biểu nghe đại biểu Bùi Quang Vinh (đơn vị tỉnh Lai Châu) phát biểu với tư cách là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư về bức tranh chung của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2014 là năm cả nước hoàn thành gần như tuyệt đối các chỉ tiêu (13/14 chỉ tiêu), đặc biệt đã ổn định kinh tế vĩ mô, kéo giảm lạm phát và tăng trưởng cao. Ông dẫn giải thêm, thời điểm năm 2011, khi lạm phát lên đỉnh điểm, ngay sau khi đại hội, lạm phát lên tới 11,7%, hết năm thì lên 18,3%. Vì vậy các chuyên gia nhận định, Việt Nam khó có thể thoát khỏi tình trạng đó. Khi đó, tình hình rất căng, doanh nghiệp đổ bể hàng loạt, nhiều vấn đề xảy ra, thu hút đầu tư khó khăn, tỷ giá thay đổi liên tục, tiền Việt Nam mất giá. Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, đến hết năm 2013, đặc biệt là quý IV, tình hình bắt đầu ổn định, chỉ số lạm phát giảm rất mạnh (thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra), tăng trưởng bắt đầu tăng, tiền tệ ngày càng ổn định, các chỉ số vĩ mô ổn định, xuất siêu liền 3 năm. Năm 2014, lạm phát còn 1,84%, hàng hóa ổn định, dư thừa lớn, tỷ giá hối đoái ổn định liên tục trong biên độ cho phép.

Những tháng đầu năm 2015, tăng trưởng đạt 6,03% (cao nhất trong nhiều năm qua), nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo ta phải tăng trưởng được trên 6,2% nếu thấp cũng trên 6% và họ đều rất lạc quan vào tiềm năng của Việt Nam. Thành công này là nhờ chúng ta xác định phương hướng rất đúng là ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong 1- 2 năm đầu, chúng ta làm hơi chặt nhưng sau đó đã hài hòa hơn. Điều thứ hai là chúng ta đổi mới tốt môi trường đầu tư kinh doanh, đó là đã giảm bớt thời gian nộp thuế từ trên 800 giờ xuống còn hơn 200 giờ và năm sau sẽ còn 171 giờ. Rồi giảm thời gian xuất- nhập khẩu hàng hóa giúp thông quan nhanh, bảo hiểm, tiết kiệm điện năng,… Nói chung, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí xuống thấp nhất, giảm phiền hà.

Theo ông, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chủ trương, chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, cho vay trong nông nghiệp, trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cho vay xuất nhập khẩu; ưu đãi trong đầu tư… Mục đích là tiếp tục đổi mới trong môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung nhiều hơn cho doanh nghiệp vì đây là lực lượng quan trọng sản xuất ra của cải vật chất, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Nông nghiệp, dịch vụ sẽ gặp khó

Tuy nhiên, qua số liệu những tháng đầu năm, tuy tăng trưởng đang trên đà tốt nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đang bắt đầu nảy sinh một số khó khăn mà chúng ta đã lường trước.

Đầu tiên là vấn đề nông nghiệp. Năm 2015, ngành nông nghiệp sẽ đối diện với nhiều thách thức (mặc dù năm 2014 tăng rất mạnh). Những dự báo về tình hình nông nghiệp xấu đi rất nhiều, đó là thị trường hàng hóa xuất khẩu bị thu hẹp. Có hàng loạt sản phẩm sẽ gặp khó đặc biệt là cao su. Ông dẫn giải, các doanh nghiệp cao su đang rất lo lắng, ngày trước giá bán lên tới 150 triệu đồng/tấn, giờ chỉ còn 25 triệu đồng/tấn. Và nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su. Đây là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị nữa. Nhà nước có chủ trương phát triển cây cao su ở các tỉnh phía Bắc: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… và đang phát triển rất mạnh mẽ, chuẩn bị 1- 2 năm nữa đến kỳ thu hoạch mà giá thế này thì không thể bán, càng làm càng lỗ thì đời sống đồng bào phải tính thế nào.

Tiếp theo là vấn đề xuất khẩu gạo, có những năm cả nước xuất khẩu đến 7,7 triệu tấn gạo/năm, còn những tháng đầu năm này xuất khẩu rất thấp. Hiện ta đang đối mặt với 3 việc trong xuất khẩu gạo. Thứ nhất, gạo của ta số lượng thì nhiều, chất lượng lại kém, không đủ sức cạnh tranh với gạo Thái Lan và các nước khác. Thứ hai, một số nước bắt đầu dùng chính sách bảo hộ nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp trong nước. Như Indonesia, trước họ nhập gạo của ta rất nhiều, năm nay ra chính sách hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước để tự cung tự cấp. Trung Quốc cũng nói họ không có nhu cầu nhập khẩu gạo vì đang thừa gạo (hàng năm ta xuất sang thị trường này 2 triệu tấn gạo). Một nguyên nhân nữa là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp lại, trong khi các nước xuất khẩu gạo lại tăng lên (Thái Lan đang tích trữ 10 triệu tấn và đang tung ra thị trường). Có 2 nước trước chỉ nhập không xuất, giờ tham gia xuất khẩu gạo là Ấn Độ và Pakistan. Với tình hình đó, nếu mỗi năm ta cứ tiếp tục sản xuất 7- 8 triệu tấn gạo thì không thể xuất khẩu được. Điều đó đặt ra một vấn đề là chúng ta nghĩ gì về tái cấu trúc ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, vấn đề nông nghiệp phải được giải quyết một cách căn cơ, Chính phủ và các doanh nghiệp phải cùng nhau nhìn nhận về thị trường, về sản xuất trong nước. Chẳng hạn những khu hạn hán như Ninh Thuận, Bình Thuận vừa qua có nên tiếp tục trồng lương thực không hay chuyển sang những cái khác? Chúng ta phải nhìn nhận đúng vấn đề để đi lên, vì nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, được đánh giá rất cao về tiềm năng, khả năng. Ông cũng nhận định, nếu không có giải pháp căn cơ thì đến kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) chúng ta thấy tăng trưởng sẽ chậm lại.

Vấn đề thứ hai được ông quan tâm là dịch vụ cũng đang giảm. Ông dẫn giải một con số là về du lịch. Tháng 5/2015, khách quốc tế đến nước ta là 576.000 lượt người, giảm 16,4% so với tháng 4/2015 và giảm 14,4% so tháng 5/2014. Tính chung 5 tháng qua, giảm 3,3 triệu lượt khách. Khách đến từ các thị trường chủ yếu đều giảm mạnh, khách Châu Á chiếm tỷ trọng 64,2% thì giảm 14,8% (trong đó khách Trung Quốc giảm tới 33,2%, Campuchia giảm 42%- giảm gần một nửa, Thái Lan giảm 29%, Indonesia giảm 18,5%...). Khách Châu Âu chiếm tỷ trọng 18% nhưng cũng giảm 7,3%; trong đó Nga là 16,5%, Pháp 6,5%.

Ngoài ra, ông cũng lo lắng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hiện đang gặp khó. Ông cho rằng 3 lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp tư nhân là những động lực chính của nền kinh tế. Nếu 3 lĩnh vực này bị tổn hại thì khó mà có một nền kinh tế phát triển tốt. Nếu ta không có giải pháp tốt thì dù tốc độ tăng trưởng đang tốt nhưng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,2% sẽ rất khó.

Đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn, Chính phủ vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kéo giảm lạm phát là một nỗ lực rất lớn.

Ông đề nghị Chính phủ nên thay đổi cách thức đầu tư cho nông dân. Người dân đồng tình với việc Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho nông dân nhưng cách thức đầu tư như hiện nay còn manh mún và không đem lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, hiện Chính phủ hỗ trợ 500.000 đ/ha lúa, ở khu vực miền Tây có nhiều người sản xuất khoảng 2 công lúa, lãnh được 100.000đ, nếu tính chi phí đi lại không đủ tiền xăng. Người dân đề nghị Nhà nước nên gom lại đầu tư cơ sở hạ tầng (cống, đập, khai thông nạo vét, đầu tư giao thông…) để người dân có thể vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Người dân còn đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thu mua lúa tạm trữ. Hiện, hàng năm Chính phủ có chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa ở khu vực ĐBSCL chỉ trong tháng 3. Thế nhưng trong vụ lúa này, người dân thu hoạch không đồng loạt từ tháng 1 đến tháng 4, do đó nếu những người thu hoạch ngoài tháng 3 thì không được hưởng lợi từ chủ trương này. 

 

Bài, ảnh: THANH TÂM