Nhà nước phải đóng vai trò điều tiết trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Cập nhật, 05:34, Chủ Nhật, 02/11/2014 (GMT+7)

Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế thu hút sự quan tâm tham gia đóng góp của nhiều đại biểu Quốc hội. Bên lề hàng lang kỳ họp, chúng tôi ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề này.

* ĐB Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):

 

Tôi thấy chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công khá thành công và tạo được sự chuyển biến cho cả nước cũng như địa phương. Tạo sự đầu tư tập trung tránh dàn trãi và phát huy hiệu quả nhanh hơn đối với các công trình phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, trong đầu tư công đối lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ hiện có chiều hướng ngày càng giảm sút, mà lĩnh vực này rất quan trọng trong đó góp phần đưa đến sự ổn định nền kinh tế, đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hạ tầng được phát triển để tạo các sản phẩm chủ lực của đất nước.

Do vậy, tôi thấy tái cơ cấu đầu tư công là rất cần thiết và cần thực hiện mạnh mẽ hơn, trong đó cần lập kế hoạch, quy hoạch, xây dựng các chương trình mục tiêu dự án trong trung hạn và bám vào đó để thực hiện tập trung.

Thứ hai là cần phải giải quyết dứt điểm, đầu tư có trọng tâm những công trình đang dỡ dang nhất là những công trình về giáo dục, bệnh viện, các đường giao thông đi qua các trung tâm để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.

Đồng thời, đối với nguồn vốn đầu tư công phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát để sử dụng có hiệu quả. Đề nghị tăng cường vốn đầu tư công cho nông nghiệp, giáo dục, y tế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính và phân cấp mạnh hơn cho địa phương...

* Nguyễn Thái Học (đơn vị tỉnh Phú Yên):

 

Tái cơ cấu nền kinh tế cần phải xuất phát từ thực trạng của nền kinh tế và thực trạng của nền kinh tế của chúng ta hiện nay được đánh giá đang còn nhiều bất ổn và mô hình tăng trưởng chưa rõ.

Do vậy, chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu trong đó nhà nước phải đóng vai trò điều tiết, nhưng cũng cần lưu ý không làm ảnh hưởng đến tính năng động, chủ động của các bộ phận hợp thành trong quá trình tái cơ cấu.

* ĐB Trần Quốc Tuấn (đơn vị tỉnh Trà Vinh)

 

Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta thực hiện được 2 năm, tuy nhiên lộ trình đạt được chưa như mong muốn, đặc biệt là đối với tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Theo tôi, trong tình hình hiện nay chúng ta cần đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trước mắt cần thoái vốn ngoài ngành ở hầu hết các lĩnh vực không phải là chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, chúng ta cần nhanh chóng giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng lực quản trị, điều hành để kinh doanh có hiệu quả, dẫn đắt được thị trường đối với các mặt hàng thế mạnh của Quốc gia hiện nay.

* ĐB Trương Văn Vở (đơn vị tỉnh Đồng Nai):

 

Theo báo cáo của Chính phủ, một trong những mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công.

Thời gian vừa qua, tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng để có thể đạt được mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, tôi nghĩ cần quan tâm giải pháp về hoàn thiện các thể chế. Ngoài ra, phải quan tâm phân công, phân cấp cho rõ giữa các bộ ngành với địa phương để gắn với trách nhiệm.

Làm được việc này, sẽ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công, tránh được tình trạng hiện nay nợ đọng rất lớn và việc xử lý rất khó khăn, thậm chí có một số địa phương nợ đọng cơ bản còn lớn hơn nguồn thu của địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực đầu tư công từ quyết định chủ trương đầu tư đến phân bổ nguồn lực đầu tư và hiệu quả của nguồn lực đầu tư đó. 

THANH TÂM (ghi)