Để hàng Việt Nam đến gần người Việt Nam

Cập nhật, 14:18, Thứ Ba, 26/05/2015 (GMT+7)

Thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giờ đây hàng Việt Nam đã chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng. Song, cuộc chiến hàng Việt Nam trên chính sân nhà chưa bao giờ là kết thúc trong khi khó khăn vẫn còn đó, tốc độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Kỳ 1: Khoảng trống của hàng Việt Nam ở thị trường nông thôn

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng đã từng bước thay đổi nhận thức, có thái độ ưu ái, mở lòng với hàng Việt Nam hơn. Song, hàng Việt Nam về nông thôn (NT) dường như cũng chỉ ở mức “đến rồi đi”. Điều này, khiến cho nhiều mặt hàng Việt Nam tại thị trường NT đã bị hàng ngoại áp đảo, tạo cơ hội cho hàng gian, hàng giả tồn tại.

Muốn mua hàng Việt Nam cũng khó!

Cuộc vận động đã từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam, xóa bỏ tâm lý sính ngoại trong một bộ phận người dân. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) gặp gỡ trao đổi hàng hóa, góp phần kích cầu tiêu dùng, khẳng định được tiềm năng về sản xuất kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của nhiều DN Việt Nam tại thị trường NT đã làm cho hàng ngoại có thêm “cửa” tồn tại, lan rộng, không ít mặt hàng nội bị lấn át bởi hàng ngoại, hàng Trung Quốc. Theo ghi nhận, tại nhiều chợ NT, vùng sâu, vùng xa, chợ đêm hàng ngoại, hàng nhập lậu, không có xuất xứ rõ ràng vẫn còn chiếm ưu thế. Ở chợ NT, người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với những sản phẩm do DN trong nước sản xuất. Sau những hội chợ ồn ào, sôi nổi của những chuyến hàng Việt Nam thì tất cả lại đâu vào đấy, người dân lại chỉ có thể đến tiệm tạp hóa theo kiểu “thích gì mua đó”, ít chú ý đến “hàng của ai”, nhiều người không biết tìm mua hàng Việt Nam ở đâu.

 Người dân nông thôn rất mong muốn có nhiều phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn.
Người dân nông thôn rất mong muốn có nhiều phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất khi về NT có giá cao rất nhiều so với hàng Trung Quốc. Nhiều người dân cho biết: Tuy biết là hàng Trung Quốc không tốt bằng nhưng buộc lòng phải mua, vì hàng Việt Nam có giá gấp 2- 3 lần. Dân NT còn nhiều thiếu thốn, thắt chặt chi tiêu, nhiều gia đình nghèo còn luẩn quẩn với vòng xoay “cơm, áo, gạo, tiền”, thay vì quan tâm đến “hàng mình, hàng ta”, nhiều người chỉ quan tâm đến “giá rẻ, xài được”. Chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Hựu Thành- Trà Ôn) nói: “Biết là hàng Việt Nam ngày càng chất lượng, nhưng giá cũng “nâng” theo. Một bộ thau, nồi hay chén dĩa inox có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng/món, sao mua nổi? Trong khi đó, “đồ la” ở chợ chỉ “10.000 đ/3 món, thau, rổ nhựa 20.000 đ/3 món, 100.000 đ/bộ thau, nồi, biết tiền nào của đó, cũng phải mua đại để xài”. Tương tự, các mặt hàng nông sản, trái cây, đồ chơi trẻ em, điện máy, điện lạnh do Trung Quốc sản xuất cũng chiếm số lượng không nhỏ. Cụ thể như, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với nông sản Trung Quốc bởi giá cao hơn, khó bảo quản, nguồn hàng không nhiều. Việc phân biệt hàng Trung Quốc với hàng Việt Nam không còn quá khó nhưng không ít tiểu thương vẫn chọn nông sản Trung Quốc để bày bán và không ít người tiêu dùng chọn làm thực đơn với lý do: giá rẻ, hợp túi tiền.

Chuẩn bị cho bữa tiệc gia đình sắp tới, chị Nguyễn Thị Phiên (xã Bình Phước- Mang Thít) chọn mua vài chục ký cà rốt, khoai tây Trung Quốc bởi: “Hàng Trung Quốc có màu sắc đẹp, củ quả to tròn, dùng được lâu lại có giá rẻ hơn. Cà rốt Việt Nam dễ hư, củ không sạch, không đẹp, giá lại cao hơn”. Tương tự, các loại vải, quần áo Trung Quốc tràn về NT ngày càng tăng, giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ từ 5.000- 20.000 đ/m. Tại nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em ở NT, hàng Trung Quốc chiếm 60- 70%.

Thêm nữa, nhiều DN còn chưa quan tâm xây dựng mối liên kết tiểu thương trong việc tạo dựng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm tại NT. Trong khi đó, tiểu thương cũng chưa thật quan tâm đến việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Song song đó, việc tìm nguồn hàng Việt Nam đối với nhiều tiểu thương cũng gặp không ít khó khăn. Một số tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho biết: DN Việt Nam còn chưa mặn mà với tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ. Nhiều mặt hàng như giày dép, đồ gia dụng, quần áo rất khó tìm nguồn hàng, thủ tục rườm rà nên phải nhập hàng ngoại
về bán.

Hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt Nam

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là tình trạng hàng hóa Trung Quốc mạo danh hàng Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng, gây khó khăn trong công tác quản lý kiểm tra, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm người tiêu dùng mất lòng tin ở hàng Việt Nam. Ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hiện nay, tình trạng hàng Trung Quốc mang danh hàng Việt Nam khá nhiều, nhiều nhất là nông sản, hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu, điện tử, điện gia dụng…

Các loại hàng hóa này thường mập mờ thông tin sản xuất, ví dụ như chỉ ghi nơi sản xuất là Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh hoặc tại Việt Nam, chữ in mờ nhạt, không rõ ràng, nhãn mác rất đơn giản. Đối với lực lượng chức năng, ngành chuyên môn việc phân biệt thật giả không hề khó, nhưng đối với người tiêu dùng thì thật sự “bó tay”.

Không chỉ vậy, thái độ không thành thật, tránh né về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sản phẩm cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này. Một số tiểu thương bày bán nông sản, trái cây Trung Quốc tìm cách “qua mặt” và trấn an người tiêu dùng bằng cách “đội lốt” khác cho hàng Trung Quốc như hàng Đà Lạt, hàng Hà Nội hoặc nói tránh, nói né là “hàng kia” thay cho “hàng Trung Quốc”. Việc đội lốt, gắn mác hàng ngoại là hàng nội ảnh hưởng lớn đến DN lẫn niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt Nam.

Song song đó, tình trạng làm giả, làm nhái hàng cũng làm nhiều DN Việt Nam điêu đứng. Chị Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẹo đậu phộng Sơn Hải cho biết: Có nhiều DN làm nhái sản phẩm của công ty, hình thức “sao chép” rất tinh vi, lẫn về kiểu dáng, màu sắc. Điều này ảnh hưởng nhiều đến DN.

Có thể nhận thấy rằng, thị trường NT là mảnh đất “màu mỡ” dành cho DN Việt Nam. Nhưng hiện nay, nhiều DN vẫn còn e ngại khi mở các kênh phân phối hàng Việt Nam cho thị trường này bởi coi đó là thị trường nhỏ lẻ, sức mua thấp nên không mấy mặn mà. Như vậy, vô hình các DN đã bỏ trống cả một thị trường rộng lớn, tạo cơ hội cho các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, chất lượng thấp tấn công và chiếm lĩnh trong thời gian dài. Người tiêu dùng NT đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc được tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng tốt.

Kỳ cuối: Thị trường không yên ả

(Mời xem trên VL thứ ba ra ngày 26/5)

Theo BCĐ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2014, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt Nam về NT và khu công nghiệp với 150 lượt gian hàng, doanh số 3 tỷ đồng, thu hút 60.000 lượt người tham gia; phối hợp với Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long thực hiện 12 đợt bán hàng lưu động tại các xã- thị trấn, doanh thu bình quân từ 70- 80 triệu đồng/đợt. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều đợt đưa hàng về NT để phục vụ người tiêu dùng.

 

 

Bài, ảnh: THẢO LY