Để hàng Việt Nam đến gần người Việt Nam

Kỳ cuối: Thị trường không yên ả

Cập nhật, 16:11, Thứ Ba, 26/05/2015 (GMT+7)

Dù đã gặt hái được khá nhiều thành công, nhưng cuộc vận động vẫn còn không ít hạn chế. Trong khi đó, sự tấn công ồ ạt của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ trở thành thách thức lớn đối với các DN Việt Nam trong cuộc chiến giành khách hàng ngay trên chính sân nhà. Do đó, bên cạnh sự tự ý thức của người dân, DN cần chủ động nâng sức cạnh tranh hơn nữa.

Thách thức ngay trên sân nhà

Doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng nâng cao, cải thiện chất lượng mẫu mã sản phẩm.
Doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng nâng cao, cải thiện chất lượng mẫu mã sản phẩm.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành. Song, trước đó, nhiều DN, công ty nước ngoài đã sớm xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến cuộc tấn công ồ ạt của DN, công ty Thái Lan. Với chiến lược thâm nhập sâu, rộng và bài bản vào thị trường Việt Nam, hàng Thái Lan đã vào cuộc từ rất sớm và đã dần tìm được chỗ đứng cho mình. Điều này đã trở thành một thách thức lớn cho các DN Việt Nam, bởi lẽ hàng hóa Thái Lan cũng đã nhận được không ít sự ưu ái từ người tiêu dùng.

Nhà báo, Thạc sĩ Trần Hoàng Tuyên- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA nhận định: “Không bao lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ dần tiến sâu vào thị trường Việt Nam và nếu các DN Việt Nam không đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối thì đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam trong tương lai”.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh: Trong khi thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, quan tâm nhiều đến yếu tố giá cả hàng hóa thì các DN sản xuất cần có sự liên kết để phát triển mạnh hơn trong sản xuất nhóm hàng, chú trọng đầu tư chiều sâu tiết kiệm sản xuất nâng cao năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm, chú trọng phân khúc thị trường theo sức mua. Đồng thời, cải tiến xu hướng quản lý “gọn- tinh” trong khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; cần tiêu chuẩn hóa hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, nâng tầm dần đến tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế.

 

Theo ghi nhận tại hội chợ sản phẩm Thái Lan năm 2015 tổ chức ở Cần Thơ vừa qua, cho thấy, rất nhiều người Việt Nam đã, đang và sẽ tin dùng hàng Thái Lan và số lượng này không ngừng gia tăng. Yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích là giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt Nam từ 10- 20% nhưng chất lượng lại không thua kém, đồng thời màu sắc, mẫu mã đẹp hơn, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng được cho mọi đối tượng thu nhập từ thấp đến cao. Trong khi đó, sản phẩm trong nước sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng ở mức trung bình nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

Đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và chất lượng đảm bảo là điểm lợi thế mạnh trong cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan như: dầu gội, sữa tắm, hóa mỹ phẩm, quần áo… đang được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ vậy, các DN Thái Lan còn chú trọng công tác phân phối, tiếp thị, xây dựng hệ thống bán lẻ cũng như cơ chế ưu đãi cho nhà phân phối.

Bà Malinee Harnboonsong- Giám đốc Văn phòng Thương vụ Tổng lãnh sự quán hoàng gia Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi khi tổ chức hội chợ sản phẩm Thái Lan giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa sản phẩm về đây thông qua các DN ở ĐBSCL. Lúc đầu DN Thái Lan còn lo lắng về sức tiêu thụ nên còn hạn chế tham gia, nhưng khi tổ chức thấy người dân có nhu cầu cao, sức tiêu thụ lớn do đó DN thấy rất tiềm năng nên năm sau sẽ tiếp tục tham gia với quy mô lớn hơn nữa. Đồng thời, hàng năm đều sẽ có hội chợ sản phẩm Thái Lan”. Không chỉ có ý định đưa sản phẩm đến với khu vực ĐBSCL qua kênh phân phối là các DN trong nước, trong vài năm trở lại đây, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn của Thái Lan cũng đã đầu tư mạnh vào nước ta thông qua việc mở các trung tâm thương mại, các hội chợ sản phẩm Thái Lan từ các tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

DN: chủ động hơn trên sân nhà

Bên cạnh đó, DN sản xuất cần chú trọng đầu tư chiều sâu, tiết kiệm sản xuất nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, DN sản xuất cần chú trọng đầu tư chiều sâu, tiết kiệm sản xuất nâng cao năng suất lao động.

Tuy người dân đã có ý thức ưu tiên hàng Việt Nam nhưng hàng hóa Việt Nam chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là người dân ở nông thôn. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng nội còn đơn điệu, mẫu mã chưa bắt mắt, giá cả chưa hấp dẫn. Ông Hồ Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Một số DN, cơ sở có nơi phân phối tại nông thôn nhưng công tác quản lý, tiếp thị chưa thật sự thu hút người tiêu dùng ở nông thôn. Không chỉ vì tâm lý sính hàng ngoại của người dân, giá cả và chất lượng hàng hóa trong nước chưa phù hợp là những khó khăn mà hàng Việt Nam đang gặp phải.

Trong khi đó, độ phủ của hàng Thái đang dấy lên nhiều lo ngại cho hàng Việt Nam lẫn DN Việt Nam. Người tiêu dùng đang dần quay lưng với hàng Trung Quốc, nếu hàng Việt Nam không kịp thời tận dụng cơ hội lấp khoảng trống thì hàng Thái sẽ có cơ hội “điền vào
chỗ trống”.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh đánh giá: Qua 5 năm thực hiện, nhận thức của người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam ngày càng tăng. Dù vậy, cũng còn nhiều hạn chế như quy mô tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt Nam còn nhỏ, chưa thường xuyên; kiểu dáng, bao bì hàng hóa còn chậm cải tiến; hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại…

Kết quả thực hiện chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn:
Kết quả thực hiện chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn:

Bên cạnh đó, không ít DN Việt Nam chỉ quan tâm đến doanh thu sau các phiên chợ hàng Việt Nam, ít quan tâm đến khâu chăm sóc khách hàng, tư vấn, tiếp cận khách hàng… vì vậy, chưa thật sự đi sâu vào lòng người tiêu dùng. Trong phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn tại Vũng Liêm, nhân viên một DN cho biết: “Người dân nông thôn chủ yếu là lao động, chỉ để ý chủ yếu đến giá cả, ít quan tâm đến chất lượng, có chương trình khuyến mãi, có tư vấn cho người dân hiểu nhưng bán rất chậm”.

Để hàng Việt Nam gần người Việt Nam, DN Việt Nam cần phải chủ động làm nhiều việc hơn nữa để khẳng định thương hiệu, đi sâu vào lòng người Việt Nam. Trong đó, yếu tố quan trọng khiến DN Việt Nam còn gặp khó, chưa phù hợp với tâm lý người dân đó chính là giá cả và chất lượng hàng hóa.

Để cạnh tranh được với hàng ngoại, DN Việt Nam cần nâng sức cạnh tranh bằng các sản phẩm mới với mẫu mã phong phú, chất lượng hàng hóa tốt, an toàn, cần có chiến lược quảng bá thiết thực, mạnh mẽ tới người tiêu dùng bằng các hoạt động khuyến mãi và tiếp thị. Bên cạnh đó, DN cũng nên tập trung xây dựng thương hiệu tốt, đồng thời phải xem khách hàng là thượng đế, chú trọng khâu chăm sóc khách hàng, có như vậy người tiêu dùng mới cải thiện dần tâm lý sính ngoại, chuyển sang yêu thích hàng Việt Nam.

Theo BCĐ cuộc vận động, từ cuối năm 2009 đến nay, chương trình “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn”, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng, tổng doanh số bán hàng hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ một số DN thực hiện bán hàng lưu động theo chương trình này tại các chợ huyện, tổng doanh thu bán hàng khoảng 5,5 tỷ đồng; phối hợp tổ chức thành công nhiều hội chợ, phiên chợ, triển lãm thành tựu kinh tế… Qua khảo sát một số địa phương, có 78% cơ quan, DN mua sắm trang thiết bị chọn hàng do Việt Nam sản xuất và hơn 80% người dân mua sắm hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất.

 

Bài, ảnh: THẢO LY